Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cách đây 70 năm, ngày 19-12-1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng ý nghĩa lịch sử, bài học to lớn, giá trị bất hủ của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn mãi mãi soi rọi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào mục tiêu trong thành phố, chính thức bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Tiếp đó, trên khắp các địa phương từ Bắc vào Nam, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi lên miền ngược, quân và dân cả nước đã đồng tâm nhất trí, đồng loạt đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành Lời hiệu triệu toàn dân tộc đứng lên bảo vệ nền độc lập, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống đế quốc Pháp xâm lược, đập tan những mưu đồ đen tối của các thế lực ngoại xâm đối với dân tộc Việt Nam.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thể hiện một ý chí sắt đá, quyết tâm to lớn, hoài bão cháy bỏng của dân tộc Việt Nam đối với nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tự do cho nhân dân ta. Đúng như mở đầu lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Hỡi đồng bào toàn quốc.
Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào.
Chúng ta phải đứng lên!"
Lịch sử đã chứng minh, có áp bức thì có đấu tranh. Vào thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam ta bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ hơn 80 năm. Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo cách mạng và chỉ sau 15 năm, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta đã thành công bằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi vẻ vang. Quốc khánh 2-9-1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ngày 6-1-1946) thành công và bản Hiến pháp đầu tiên được ban hành đã làm minh chứng hùng hồn cho tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, dã tâm xâm lược, đế quốc Pháp vẫn không từ bỏ tham vọng áp đặt chế độ thực dân đối với dân tộc Việt Nam. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự là một lời hịch ngàn năm của ông cha, tiếng đáp hào hùng của núi sông bờ cõi thực sự đã đi vào từng trái tim khối óc, lay động muôn triệu tấm lòng yêu nước người Việt Nam. Chính vì vậy, nó thực sự là ngọn đèn pha soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thử thách, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự và mãi mãi là ngọn cờ vĩ đại thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, tình yêu đất nước, tượng trưng cao đẹp cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, tất cả vì độc lập tự do. Trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc". Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã không phân biệt giàu nghèo, đảng phái, vùng miền, đồng loạt đứng lên, với mọi vũ khí có trong tay, bền bỉ đấu tranh anh dũng, khắc phục mọi khó khăn gian khổ "nhường cơm sẻ áo", "chia ngọt sẻ bùi"; dùng mọi vũ khí và phương pháp tiêu diệt lực lượng địch, làm suy yếu từng bộ phận và từng bước đập tan mưu đồ tái xâm lược của thực dân Pháp, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ta đến thắng lợi vẻ vang.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã thể hiện vai trò quan trọng, quyết định chiến lược, tư tưởng chỉ đạo, phương pháp lãnh đạo cách mạng sáng suốt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Bởi vào thời điểm cam go nhất của lịch sử (tháng 12-1946), Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nhận định và quyết sách đúng đắn: Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đã tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (tháng 1-1946). Tuy trúng cử với số lượng đại biểu đa số, nhưng với tinh thần hòa hợp dân tộc, lấy độc lập, tự do dân tộc là mục tiêu tối thượng, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhường 70 ghế cho các đảng phái khác (kể cả có những đảng phái, tổ chức phản động như Việt Quốc, Việt Cách). Qua đó cho thấy sự nhất trí cao của cán bộ, đảng viên đã nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Tiếp đến ta còn hòa hoãn với Pháp (Hiệp định Sơ bộ 6-3, Tạm ước 14-9) để đuổi 20 vạn quân Tưởng về nước.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là bài học về sự chuẩn bị thời gian và lực lượng, đặc biệt là xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã thực sự góp phần quan trọng và to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một hồi kèn xung trận thôi thúc người dân Việt Nam trước sự tồn vong của dân tộc. Nó còn minh chứng sinh động cho sách lược kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội, giữa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế chân chính.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2016), chúng ta ôn lại ý nghĩa và bài học lịch sử Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước và lịch sử vẻ vang, ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do", tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", khí phách quật cường của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; khẳng định đường lối lãnh đạo cách mạng, chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến là quyết định đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; qua đó góp phần củng cố, bồi đắp thêm niềm tin mạnh mẽ của nhân dân ta vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang do Đảng ta lãnh đạo.
TS. LÊ XUÂN HUY