Quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
>> Xung quanh việc xây Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền. Bài 2: Công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường
>> Xung quanh việc xây Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền. Bài 1: Bảo đảm khoảng cách đến khu dân cư
Các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện đã được xây dựng ở nhiều nơi trên thế giới
Trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH), phát điện tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng), quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý RTSH, phát điện tại xã Lương Điền có tổng diện tích khoảng 10,4 ha gồm đất sản xuất của 89 gia đình, cá nhân và đất công ích do UBND xã Lương Điền quản lý. Ông Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là: “Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải...”. Như vậy, dự án xây dựng Nhà máy xử lý RTSH, phát điện tại xã Lương Điền thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất, chủ đầu tư không thỏa thuận trực tiếp với người dân. "Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, khi thu hồi đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được bồi thường về đất và các chi phí đầu tư vào đất. Đối với dự án này, giá đất bồi thường thực hiện theo Quyết định số 4210/QĐ-UBND ngày 15.11.2018 của UBND tỉnh Hải Dương với hệ số k = 1. Ngoài ra, người có đất bị thu hồi còn được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo các quy định hiện hành của Chính phủ và UBND tỉnh", ông Thành khẳng định.
Trong quá trình triển khai GPMB dự án, UBND huyện Cẩm Giàng, xã Lương Điền đã thông báo các văn bản pháp lý liên quan đến dự án, quy mô, quy trình công nghệ của dự án, các chế độ chính sách, quy định bồi thường, hỗ trợ GPMB khi Nhà nước thu hồi đất đến các hộ dân có đất bị thu hồi và nhân dân địa phương. Đồng thời, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB huyện cũng đã thống nhất với các hộ dân, phối hợp với UBND xã Lương Điền xác định diện tích đất thu hồi, số khẩu nông nghiệp của từng hộ dân có đất thu hồi trong phạm vi dự án. Trên cơ sở biên bản xét duyệt nguồn gốc đất của UBND xã, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB huyện Cẩm Giàng lập hồ sơ phương án bồi thường, hỗ trợ gửi đến từng hộ dân có đất thu hồi, niêm yết công khai tại UBND xã Lương Điền, đình làng thôn Bình Long theo quy định.
Ngày 31.1.2019, UBND huyện Cẩm Giàng, xã Lương Điền cùng đại diện chủ đầu tư tổ chức đối thoại với các hộ dân có đất trong dự án và toàn thể nhân dân thôn Bình Long để thông báo các văn bản pháp lý liên quan, quy mô, quy trình công nghệ của dự án; giải thích các chế độ chính sách, quy định về bồi thường, hỗ trợ GPMB khi Nhà nước thu hồi đất. Sau khi đối thoại với các hộ dân thôn Bình Long, UBND huyện Cẩm Giàng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân và tổ chức chi trả tiền. Thời điểm đó, đa số người dân đồng thuận với dự án, đã có 52 trong tổng số 89 hộ dân nhận tiền, 37 hộ còn ý kiến chưa thống nhất với phương án bồi thường đã lập.
Thời gian qua, xã Lương Điền có nhiều diễn biến phức tạp. Một số hộ dân có ruộng bị thu hồi kiên quyết không nhận tiền đền bù GPMB. Một số hộ dân đã nhận tiền đền bù đề nghị trả lại tiền. Ngoài ra, nhân dân ở các thôn trong xã Lương Điền, xã Ngọc Liên thường xuyên tập trung đông người phản đối dự án. Đã xuất hiện một số đối tượng vận động, lôi kéo người dân phản đối, có hành vi đe dọa cán bộ xã, thôn và những người ủng hộ xây dựng dự án. Hiện nay, một số đối tượng vẫn tiếp tục vận động, lôi kéo kích động người dân tụ tập đông người kéo lên tỉnh, lên trung ương để khiếu nại về dự án này.
Thực trạng ô nhiễm môi trường từ RTSH trên địa bàn huyện Cẩm Giàng nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung đã trở thành vấn đề bức xúc, cần được giải quyết triệt để. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý RTSH, phát điện tại xã Lương Điền là lời giải cho bài toán khó này. Quá trình xây dựng nhà máy tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật. Quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi đã được bảo đảm. Quyền lợi về việc làm, an sinh xã hội khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tiếp tục được quan tâm. Do vậy, người dân cần tỉnh táo, sống và làm việc theo pháp luật.
VỊ THUỶ