Bản nhạc ra đời nhằm thể hiện niềm kính trọng sâu sắc của tác giả trước một tấm gương chiến sĩ cộng sản kiên cường đã hy sinh để giữ bí mật và bảo vệ Đảng Cộng sản.<br>
Hồng Quang (tức Nguyễn Văn Trạch), sinh ngày 18.3.1918 tại Đặng Giang, Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Anh tham gia hoạt động phong trào dân chủ trong học sinh sinh viên ngay từ khi học Đại học Luật tại Hà Nội năm 1937-1938. Ngày 1.5.1938, Hồng Quang đã dẫn đầu sinh viên tham gia mít tinh cổ vũ cho phong trào Mặt trận Dân chủ. Năm 1938, khi đang học đại học năm thứ hai tại Hà Nội, anh bị đuổi học. Ngay sau đó, anh được Đảng phân công phụ trách “Đồng Xuân thư quán”, một cơ sở phát hành sách báo tại số 26 phố Đồng Xuân (Hà Nội). Hiệu sách này ngoài bán và cho thuê sách, báo công khai còn là cơ sở cất giấu và phát hành tài liệu cách mạng của Đảng. Thời gian này, anh tích cực tham gia viết báo, viết văn, làm thơ tuyên truyền về Mặt trận Dân chủ trong đông đảo công chúng.
Năm 1940, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó được điều về hoạt động tại Hải Dương và vùng Xứ ủy Bắc kỳ. Tháng 4.1941, trong một cuộc họp Liên Tỉnh ủy B (gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hòn Gai, Móng Cái, Quảng Yên, Hải Phòng), Hồng Quang được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên. Trên đường về Hưng Yên nhận nhiệm vụ, anh bị mật thám Pháp bắt tại Khoái Châu và đưa về giam tại nhà lao Hải Dương. Tại đây anh đã kiên cường chịu đựng các đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù, phải chịu biết bao đau đớn. Không khuất phục được Hồng Quang, địch tìm cách chiêu dụ nhưng anh vẫn giữ vững chí khí của người đã nguyện một lòng sống chết vì sự nghiệp cách mạng của Đảng... Địch đưa anh vào khám tử tù và anh đã hy sinh vào ngày 6.7.1941.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (khi đó mới 17 tuổi) cũng bị bắt giam tại nhà tù Hải Dương. Xúc động trước tấm gương dũng cảm, kiên trinh của Hồng Quang, nhạc sĩ đã sáng tác bản nhạc “Chiêu hồn tử sĩ” để vĩnh biệt và bày tỏ niềm kính trọng sâu sắc trước tấm gương nghĩa liệt của Hồng Quang.
HUY CHƯƠNG