Trong những năm qua, Hải Dương luôn là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao của cả nước.
Ngành dệt may luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng
Thị trường rộng mởSau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia một số Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với chính sách thu hút đầu tư ngày một thông thoáng, số lượng doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trong tỉnh tăng lên đáng kể. Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng hóa phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô. Nếu năm 2011 toàn tỉnh mới có trên 100 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu thì đến năm 2015, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã tăng lên con số 230. Những năm qua, hoạt động xuất khẩu tiếp tục ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Thị trường xuất khẩu mở rộng, hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có mặt trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường truyền thống như các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ và Đài Loan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tìm kiếm mở rộng sang các thị trường mới có tiềm năng như châu Phi, Nam Mỹ, châu Đại Dương... Trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực, châu Á vẫn là thị trường lớn nhất (chiếm 51%), tiếp đến là Hoa Kỳ (28%) và EU (15%).
Trong giai đoạn 2011-2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Hải Dương không ngừng tăng lên. Năm 2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4 tỷ 122 triệu USD, tăng 9,7% so với năm 2014 và tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Tính chung giai đoạn 2011-2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 24%/năm (mục tiêu tăng 17%/năm). Tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh trong 5 năm qua đạt 17 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 15 tỷ 87 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 22,9%/năm.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Hải Dương cũng chuyển dịch theo hướng tăng giá trị hàng công nghiệp và hàng hóa chế biến: dây và cáp điện chiếm 23,7%, hàng điện tử chiếm 9,7%, dệt may 19,7%, giầy dép 8,1%, máy tính và linh kiện máy tính 9,7%, nông sản thực phẩm chiếm 1,2%... Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh ngày càng được cải thiện về chất lượng và mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường khó tính. Khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu cũng dần được nâng lên. Bước đầu một số loại hàng hóa xuất khẩu của Hải Dương như đồ điện tử, dây và cáp điện, giầy dép, hàng may mặc đã tìm được chỗ đứng trên các thị trường lớn và khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO, SA 8000, HACCP.
Giữ vững đà tăng trưởngTrên cơ sở những kết quả ấn tượng trong lĩnh vực xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015, từ nay đến năm 2020 Hải Dương phấn đấu giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng bình quân 15%/năm, đạt mức 8 tỷ 850 triệu USD. Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 theo đúng quan điểm chiến lược, mục tiêu phát triển và các định hướng phát triển của tỉnh. Tập trung xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu, dần thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu để nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Xây dựng và triển khai đề án đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh đến năm 2020 để xác định các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và những định hướng phát triển cho phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cần đổi mới công tác tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng vào khâu tổ chức và cung cấp thông tin thị trường, tổ chức các chương trình lớn nhằm quảng bá hình ảnh của tỉnh, của doanh nghiệp, đặc biệt là các thị trường truyền thống, thị trường có nhiều tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một hoặc vài thị trường cố định. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của công nghệ thông tin và thương mại điện tử, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp và các sản phẩm có thế mạnh ra thị trường nước ngoài. Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về xuất khẩu hàng hóa. Đó là các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên tham mưu bổ sung, sửa đổi các chính sách thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư đang thực hiện phù hợp với các cam kết quốc tế như các hình thức ưu đãi gián tiếp, ưu đãi các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chủ lực, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế từ khai thác các lợi thế so sánh. Thường xuyên cập nhật và ban hành danh mục các lĩnh vực, dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh đối với các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, thị trường để có chính sách ưu tiên và tập trung đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay để sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, phục vụ xuất khẩu. Không ngừng cải cách thủ tục hành chính giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện việc thông quan hàng hóa bảo đảm tiến độ kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Tăng cường đầu tư nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật giúp các cơ quan kiểm soát xuất, nhập khẩu hàng hóa thực hiện tốt chức năng kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo đúng các quy định của Nhà nước. Nghiên cứu xây dựng dịch vụ logicstic (hậu cần) trong hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng phục vụ tốt cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa vào tỉnh.
VỊ THỦY