Xuất khẩu lao động để làm giàu

14/02/2011 06:40

Nhờ xuất khẩu lao động sau khi trở về nước với nguồn vốn sẵn có, nhiều người đã đầu tư phát triển kinh tế, mở mang nghề nghiệp, tạo nhiều việc làm không những cho gia đình mà còn cho lao động địa phương.


Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm và thị trường xuất khẩu
lao động tại phiên giao dịch việc làm tổ chức ở Gia Lộc


Tết vừa qua, nhà bác Đỗ Thị Đồng ở thị trấn Nam Sách thật vui khi con gái đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Cộng hoà Liên bang Đức về thăm nhà. Bác Đồng cho biết: “Gia đình tôi có 4 người con đều đi lao động tại nước ngoài. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên các con tôi cũng có thu nhập khá. Năm nào các cháu cũng đón tôi sang thăm nước Đức một lần”. Không riêng nhà bác Đồng, hiện thị trấn Nam Sách có gần 200 gia đình có người đi XKLĐ. Hằng năm, người lao động ở nước ngoài đã tích cực tham gia ủng hộ nhiều hoạt động xã hội của địa phương như xây dựng quỹ khuyến học, phong trào thể dục thể thao và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư… Ông Phạm Công Hiệu, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Sách cho biết: “Trước đây phải vận động tuyên truyền để người dân đi XKLĐ. Còn nay thấy rõ hiệu quả của XKLĐ nhiều người đã tình nguyện đăng ký đi. Hiệu quả kinh tế từ những gia đình có người thân đi XKLĐ đã trở thành động lực thoát nghèo. Nhờ XKLĐ lao động sau khi trở về nước với nguồn vốn sẵn có đã đầu tư phát triển kinh tế, mở nhà hàng, xưởng may, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều con em địa phương”.

Về Hoàng Xá, xã Quyết Thắng (Thanh Hà), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những ngôi nhà cao tầng khang trang, sạch đẹp. Nhiều gia đình ở đây giàu lên nhanh nhờ XKLĐ. Ông Đồng Văn Thắng, cán bộ thương binh, xã hội xã cho biết, lực lượng lao động ở nước ngoài của xã hiện nay không nhiều như những năm trước, chỉ còn khoảng 20 người. Không ít nhà có con em ở nước ngoài gửi tiền về xây những ngôi nhà trị giá hàng tỷ đồng như nhà các ông Lê Văn Lùng, Lê Văn Độ... Đồng chí Lê Thị Nghĩa, Trưởng Phòng Lao động -  Thương binh và Xã hội huyện Thanh Hà cho biết: Huyện có nhiều xã có người tham gia XKLĐ nhưng hiệu quả nhất vẫn tập trung ở một số xã như Quyết Thắng, Phượng Hoàng, Thanh Hải, Thanh Xuân, Thanh Khê. Những năm trước, toàn huyện có khoảng hơn 300 LĐXK/năm; 2 năm trở lại đây chỉ còn khoảng 200 lao động/năm. Đường chính ngạch XKLĐ chủ yếu sang Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia, nhưng số lao động này ít và thu nhập không cao so với đi Anh và một số nước phát triển khác. Đây là những đồng vốn khởi điểm tạo đà cho gia đình họ phát triển ổn định và bền vững...       

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, trong những năm qua, hoạt động XKLĐ ở tỉnh ta đã đạt được những hiệu quả thiết thực. XKLĐ đang là mối quan tâm lớn của người lao động bởi nó không những giải quyết được một phần lao động dư thừa trong tỉnh mà còn góp phần đem lại nguồn thu nhập lớn, cải thiện đời sống cho người dân. XKLĐ không chỉ là một giải pháp để giảm nghèo mà còn là động lực phát triển kinh tế- xã hội của mỗi vùng quê. Đề án XKLĐ giai đoạn 2007 - 2010 của tỉnh đã đem lại những kết quả khả quan. Trong 4 năm thực hiện đề án, tỉnh ta đã xuất khẩu hơn 12 nghìn lao động, bình quân mỗi năm đạt hơn 3.000 người, hoàn thành kế hoạch đề ra. Do chú trọng tiếp cận thị trường lao động nước ngoài, làm tốt công tác đào tạo, tuyển chọn, tập huấn, đồng thời công khai với người lao động về số lượng, kinh phí, tiêu chuẩn tuyển chọn và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm thủ tục XKLĐ nên người lao động tin tưởng, yên tâm tham gia. Ngoài ra, Ban chỉ đạo (BCĐ) đề án của tỉnh cũng thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm chống tình trạng người lao động tự ý bỏ việc trốn ra làm ngoài, bảo đảm để người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ, giữ vững uy tín đối với thị trường lao động nước ngoài…

Tuy nhiên, công tác XKLĐ cũng còn một số hạn chế như công tác tuyên truyền, tư vấn chưa sâu rộng, nhiều công ty tuyển dụng xuất hiện gây xáo trộn thị trường lao động. Hiện tượng đối tác đã phá vỡ hợp đồng lao động khi chưa hết hạn thực hiện hợp đồng cũng là những khó khăn gây hoang mang cho lao động có nguyện vọng đi LĐXK...

Để khắc phục khó khăn trên, đề nghị BCĐ XKLĐ các cấp trong tỉnh phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các địa phương, cơ sở, đồng thời có những giải pháp thiết thực bảo vệ quyền lợi cho lao động khi tham gia XKLĐ. Bản thân người tham gia XKLĐ cũng phải tìm hiểu kỹ lưỡng, học tập nâng cao tay nghề, kỷ luật lao động, tìm hiểu văn hóa các nước khi đến lao động, tránh những “tai nạn” không đáng có trong XKLĐ giữ niềm tin cho các lao động khác. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu XKLĐ, góp phần giải quyết việc làm, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho quê hương.

LAN ANH - THU LAI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu lao động để làm giàu