Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về phương án từ ngày 1.5 tới, cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường.
Lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo
Chiều 28.4, ngay sau khi chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành, các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực lương thực về phương án xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan liên quan để cập nhật tình hình sản xuất, xuất khẩu, tồn kho thóc gạo, ghi nhận các ý kiến đề xuất về phương án điều hành xuất khẩu gạo. Theo báo cáo của bộ này, năm 2020, cả nước ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ trong nước năm nay đã bao gồm cả dự trữ là gần 30 triệu tấn. Như vậy, sau khi cân đối, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 đến 6,7 triệu tấn gạo.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thời gian tới, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, các cơ quan chủ trì các cân đối lớn, phối hợp tốt hơn trong bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu lương thực được thuận lợi, hiệu quả hơn.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương và ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về phương án từ ngày 1.5 tới, cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo; tiếp tục thực hiện nghiêm việc xuất khẩu gạo qua các cửa khẩu quốc tế, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không.
Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo để tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo từ tháng 5, bảo đảm quyền lợi của nông dân và doanh nghiệp, bao gồm cả vốn tín dụng phục vụ xuất khẩu. Bộ Tài chính bảo đảm mua đủ lúa gạo dự trữ quốc gia theo quy định; chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo.
Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong các khâu thu hoạch, tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu gạo. Trong quá trình thực hiện, nếu xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia phải báo cáo để có biện pháp xử lý kịp thời và phù hợp; đồng thời lắng nghe ý kiến của các địa phương, các nhà xuất khẩu gạo trong quản lý, điều hành.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương và các địa phương tăng cường đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 107 của Chính phủ về việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo lớn ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Nếu không thực hiện, Bộ Công thương rút giấy phép xuất khẩu gạo.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xuất khẩu gạo theo hai hướng: Một là tránh tình trạng “tay không bắt giặc” của một số doanh nghiệp như vừa qua, một số doanh nghiệp không làm xuất khẩu gạo nhưng lại đăng ký hạn ngạch xuất khẩu. Hai là chú trọng hơn đến vai trò của UBND các địa phương sản xuất lúa gạo lớn, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ, có chế tài đối với các doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm quy định dự trữ, lưu thông cũng như xuất khẩu gạo...
Theo TTXVN