Sau 5 ngày phát hiện ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) tại thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà), ngày 4-3, lại xuất hiện ổ dịch mới ở huyện Gia Lộc.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại có dịch
Thêm ổ dịch mớiGia đình ông Phạm Văn Mạnh ở thôn Buộm, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) nuôi gà đẻ đã được 5 năm. Trong đợt này, ông Mạnh nuôi 230 con gà đẻ và 28 con ngan. Cuối tháng 2 vừa qua, một số gà có biểu hiện bỏ ăn. Do những ngày qua, trên các phương tiện thông tin luôn đưa tin về dịch cúm gia cầm nên ông Mạnh đã có những nghi ngờ và để tâm theo dõi. Đến ngày 1-3, gà bỏ ăn nhiều hơn và một số con ủ rũ, mào tím, chân khô. Đến ngày 3-3, đã có 143 con gà bị chết. Do gà chết nhanh và nhiều nên ông Mạnh đã báo cáo cán bộ thôn và thú y xã. Sau đó, cán bộ Trạm Thú y huyện Gia Lộc và Chi cục Thú y tỉnh đã lấy 2 mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng II (Hải Phòng). Kết quả, cả 2 mẫu đều dương tính với vi-rút cúm gia cầm. Ông Mạnh cho biết: “Do nuôi gà đẻ nên tôi tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin. Vắc-xin cúm gia cầm được tôi tiêm cách đây khoảng 4 tháng, trước khi gà đẻ trứng. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ lấy vắc-xin từ người cung cấp giống và chỉ được biết đó là vắc-xin phòng, chống H5N1. Trong những ngày rét kèm theo mưa phùn, tôi thường xuyên rắc vôi bột và phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Nhưng do liên quan đến buôn bán trứng nên tôi cũng không thể cách ly triệt để được”.
Cạnh nhà ông Mạnh, nhà ông Phạm Văn Vững nuôi 26 con gà và 20 con ngan. Ông Vững cho biết: "Những ngày qua, một vài con gà, ngan ủ rũ. Do không nắm chắc về thông tin cúm gia cầm nên tôi đã thịt 1 con ngan, 2 con gà ốm để ăn. Mấy hôm trời mưa, tôi có đi ra ngoài nhưng không có mũ nón. Hiện nay, tôi thấy trong người mệt mỏi, khó chịu. Cán bộ y tế thôn đã đến khám bệnh và hiện đang theo dõi tình hình bệnh của tôi”.
Những ngày qua, do chưa có kết luận chính thức về gia cầm bị cúm H5N1 nên Ban Chăn nuôi thú y xã Toàn Thắng chỉ thu gom, chôn lấp những gia cầm bị chết, vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực xung quanh chuồng trại nhà ông Mạnh, ông Vững. Đến sáng 4-3, khi có thông tin chính thức về việc gia cầm dương tính với vi-rút H5N1, các cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm, thủy cầm của 2 hộ chăn nuôi nói trên. Khu vực chuồng trại, sân, ngõ và cổng ra vào đều được rắc vôi bột và phun thuốc tiêu độc, khử trùng.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực chuồng nuôi của gia đình ông Mạnh và ông Vững khá bẩn, đồ dùng, dụng cụ nông nghiệp của gia đình để đầy xung quanh. Trong thùng trấu dùng để rải chuồng gà bị ẩm ướt, nhiều chỗ được che chắn tạm bợ. Chuồng gà chưa kín, gió, mưa vẫn có thể lùa vào.
Tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm của hộ ông Phạm Văn Mạnh và hộ ông Phạm Văn Vững
ở thôn Buộm, xã Toàn Thắng (Gia Lộc)
Nguy cơ xuất hiện nhiều ổ dịch Điều đáng lo ngại là dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở xã Toàn Thắng dù trước đó gia đình ông Mạnh đã tiêm phòng cho đàn gia cầm. Theo nguyên tắc, vắc-xin cúm gia cầm có hiệu quả trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và khi đã được tiêm phòng thì nguy cơ mắc bệnh thấp. Ông Phạm Văn Tâm, cán bộ thú y xã Toàn Thắng cho biết: “Gia đình ông Mạnh đã tiêm phòng 2 lần vắc-xin cúm gia cầm. Nếu gia đình ông Mạnh tiêm phòng theo đúng quy định thì khả năng kháng bệnh của đàn gia cầm phải cao chứ không thể mắc bệnh được. Còn nếu gia cầm đã được tiêm phòng mà vẫn mắc bệnh thì sẽ đặt ra một vấn đề mới trong công tác tiêm phòng. Tuy nhiên, do ông Mạnh lấy vắc-xin không thông qua hệ thống thú y xã nên chúng tôi cũng không nắm được đó là loại gì, liều lượng và thời gian tiêm khi nào và đó mới chỉ là những nhận định để chúng tôi đặt ra các biện pháp mới trong việc phòng, chống dịch”.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, hiện dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, ở đâu. Nguyên nhân là do những ngày qua, thời tiết luôn âm u, kèm theo mưa phùn, độ ẩm cao. Tình trạng người dân chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ vẫn còn nhiều. Trong khi đó, ý thức của người chăn nuôi còn nhiều hạn chế, chăn nuôi nhưng không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch. Như gia đình ông Mạnh, dù đã áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhưng lại vẫn cho người ngoài vào khu chuồng nuôi. Họ có thể đi nhiều nơi, đến nhiều trang trại, kể cả những nơi đã xuất hiện dịch và đem vi-rút đến khu chăn nuôi nhà ông Mạnh. Bên cạnh đó, mặc dù ông Mạnh có tiêm phòng vắc-xin cúm cho gia cầm nhưng nếu tiêm không đúng kỹ thuật, liều lượng hoặc bảo quản không đúng kỹ thuật thì việc tiêm phòng cũng không có tác dụng.
Ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Hiện nay, nguy cơ bùng phát các ổ dịch trên địa bàn tỉnh rất cao. Ngoài các nguyên nhân trên thì còn có nguyên nhân quan trọng khác là từ năm 2010 đến nay tỉnh ta không có vắc-xin tiêm phòng cúm gia cầm. Trước đó tỉnh ta được Trung ương hỗ trợ toàn bộ vắc-xin tiêm phòng cho đàn gia cầm và thủy cầm. Mặc dù trong tỉnh vẫn xuất hiện một số ổ dịch cúm nhưng quy mô nhỏ và đều ở những hộ không tiêm phòng. Còn hiện nay, do không có vắc-xin nên nguy cơ bị cúm càng lớn. Trạm Thú y huyện Gia Lộc cần phải xác định lại việc gia đình ông Mạnh đã tiêm phòng hay chưa, chủng gì, có đúng chủng vi-rút đang lưu hành hiện nay hay không, quy trình, kỹ thuật tiêm phòng... để có biện pháp ứng phó".
Để dập dịch tại thôn Buộm, Chi cục Thú y tỉnh yêu cầu xã Toàn Thắng thống kê toàn bộ gia cầm, thủy cầm được chăn nuôi tại thôn Buộm và toàn xã. Phun thuốc khử trùng, tiêu độc trên phạm vi toàn thôn, những nơi công cộng, đông người qua lại của xã. Các xã lân cận xã Toàn Thắng cũng phải thống kê toàn bộ gia cầm để Chi cục Thú y tỉnh cấp vắc-xin tiêm phòng. Huyện Gia Lộc và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cần thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.
Thanh Hà tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm vùng dịch Từ chiều 4 đến 7-3, huyện Thanh Hà tổ chức tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm của xã Cẩm Chế (nơi có ổ dịch), các xã lân cận Cẩm Chế là Hồng Lạc, Việt Hồng, Thanh Lang, Liên Mạc, thị trấn Thanh Hà và xã Vĩnh Lập (nơi có ổ dịch cũ). Huyện đã được Chi cục Thú y tỉnh cấp 130 nghìn liều vắc-xin tiêm phòng cho 130 nghìn con gia cầm của các xã trên. Xã Cẩm Chế thành lập 4 tổ tiêm phòng, mỗi xã còn lại thành lập 2 tổ. Trước đó, Thanh Hà đã thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên phạm vi toàn huyện. Đến nay, đã có 22 trong tổng số 25 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên người và gia cầm, 20 xã đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, 100% số xã, thị trấn đã kiện toàn ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên.
|
THANH HÀ