Xử nhẹ dẫn đến nhờn luật

20/06/2014 05:46

Do chế tài xử lý chưa đủ mạnh nên tình trạng “cò mồi” dẫn xe quá tải vượt trạm cân trên quốc lộ 5 vẫn đang diễn ra.



Xe tải 29X- 0661 bị lực lượng chức năng truy đuổi, bắt giữ sau khi vượt qua trạm cân

"Mục sở thị"


N.V.C. là lái xe chuyên chở xi-măng từ Kinh Môn về TP Hải Dương nên thường xuyên phải đi qua Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh trên quốc lộ 5. Theo giấy chứng nhận đăng kiểm kỹ thuật, xe tải của C. chỉ được phép chở 7 tấn hàng nhưng C. thường xuyên chở 26 tấn xi-măng, vượt tải trọng cho phép hơn 3 lần. Với lỗi vi phạm trên, C. sẽ bị phạt ít nhất 9 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 60 ngày. Tuy nhiên, chỉ với vài trăm nghìn đồng chi cho các “cò” dẫn xe, C. đã nhiều lần qua mặt lực lượng chức năng, vượt trạm cân trót lọt. C. cho biết, anh ta thường xuyên chở xi-măng qua quốc lộ 5 nhưng mới chỉ 1 lần bị lực lượng chức năng của trạm cân xử lý. Để có thể đi qua được trạm cân, C. bắt mối với một “cò” dẫn xe tên Cường.

Phóng viên đã đi cùng trên xe tải của C. để tận mắt chứng kiến “cò” dẫn xe vượt trạm cân. Trên đường lái xe đi Kinh Môn lấy hàng, C. gọi điện cho Cường để hẹn lịch dẫn qua trạm cân khi chở hàng quay về. Từ đầu dây bên kia, một người đàn ông đồng ý và yêu cầu C. khi nào chở hàng về đến địa phận thôn Lai Khê, xã Cộng Hòa (Kim Thành) thì gọi lại cho anh ta. C. cho biết, khi giao dịch, các “cò” thường yêu cầu lái xe đứng chờ tại cổng khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành), khi nào chúng gọi thì lái xe mới được đi. Nhiều lần C. phải chờ hàng giờ các đối tượng này mới gọi điện thông báo chạy qua trạm cân.

Khoảng 0 giờ 30 phút, sau khi lấy 26 tấn xi-măng ở huyện Kinh Môn, C. điều khiển xe về đến địa phận huyện Kim Thành. Trên đường về C. liên tục gọi điện cho “cò” Cường nhưng không thấy bắt máy. C. cho biết: “Theo lịch hẹn, hôm nay tôi phải trả cho Cường số tiền dẫn trạm của cả 2 chuyến trước đây. Nhưng có thể do hôm nay trời mưa nên Cường không làm. Việc không liên lạc được với các “cò” cũng thường diễn ra, nhất là khi lái xe bị lực lượng chức năng xử lý”. Theo lời C., từ ngày một số đối tượng “cò mồi” dẫn xe bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý, những đối tượng còn lại hoạt động tinh vi và kín đáo hơn. Những đối tượng này chỉ nghe những cuộc gọi và nhận lời dẫn xe qua trạm với những lái xe quen. Việc nhận tiền từ các lái xe cũng không diễn ra trực tiếp mà các “cò” thường yêu cầu lái xe thả tiền xuống đường rồi đi xe máy theo sau để nhặt. Nếu việc nhận tiền không an toàn, “cò” sẵn sàng cho các lái xe nợ, dồn vào vài chuyến mới trả. Do không liên lạc được với Cường, C. nhờ một lái xe cùng chỗ làm gọi điện cho một “cò” khác, tuy nhiên, đối tượng này cũng từ chối vì trời mưa, không... đi làm.

Hơn 1 giờ sáng, chiếc xe chở xi-măng kềnh càng của C. về đến ngã ba Tiền Trung (TP Hải Dương). Tại đây, theo quan sát, Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh vẫn hoạt động bình thường. Trong khi C. đang lo lắng chưa biết xoay xở ra sao để lái xe qua trạm cân, một đối tượng ngoài 50 tuổi, lái chiếc xe ô-tô bán tải màu trắng biển kiểm soát 34L-4585 đi ngược chiều tới gần ra giá 500 nghìn đồng để dẫn xe qua trạm. Khi C. chê đắt, đối tượng trên giảm xuống 300 nghìn đồng. Để vượt trạm cân, “cò” yêu cầu C. đi xe song song phía bên trái xe của y, đi đến trạm cân thì nhấn ga, chạy thật nhanh. Khi chiếc xe tải của C. vượt trạm cân, đi đến khu vực cầu vượt Phú Lương, người điều khiển trên chiếc xe bán tải nháy đèn yêu cầu C. dừng xe để thanh toán tiền. Sau khi thanh toán, đối tượng này không quên cho C. số điện thoại và hẹn C. lần sau muốn qua trạm cân thì cứ gọi điện cho y.

Cần xử lý nghiêm

Theo một số lái xe, nếu không có các đối tượng “cò mồi” nhận tiền và bật đèn xanh để họ vượt trạm thì không lái xe nào dám liều lĩnh tự mình đi qua, thậm chí lao thẳng vào lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại trạm cân. Mặc dù nhiều trường hợp đưa tiền cho “cò” vẫn bị lực lượng chức năng xử phạt nhưng các lái xe vẫn dựa vào “cò” để qua trạm cân. Một lái xe (giấu tên) cho biết: “Thời gian đầu trạm cân hoạt động tôi thường chở đúng tải nhưng do tình trạng vẫn còn xe quá tải vượt qua được trạm cân nên lại phải làm liều. Bởi với cùng số tiền cước, trên cùng cây số đường mà tôi chạy 2-3 chuyến mới bằng các xe khác chạy 1 chuyến thì không thể nào cạnh tranh nổi”.

Tháng 5 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh) đã bắt giữ 4 đối tượng nhận tiền để dẫn xe ô-tô quá tải trọng tránh trạm cân trên quốc lộ 5. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, những đối tượng này chỉ bị tạm giữ và xử phạt hành chính với số tiền không đủ sức răn đe. Thực tế cho thấy, với số tiền các đối tượng này thu được từ các lái xe quá tải thì việc chấp nhận bị phạt để tiếp tục “hành nghề” là hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện nay cũng chưa có chế tài xử lý lái xe, chủ doanh nghiệp khi cấu kết với các đối tượng “cò mồi” trốn tránh việc kiểm tra tải trọng.

Tình trạng “cò mồi” dẫn xe quá tải vượt trạm cân trên quốc lộ 5 tái diễn đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát tải trọng xe trên tuyến đường này. Thông qua “cò”, các lái xe tìm mọi thủ đoạn để vượt trạm cân, gây mất trật tự an toàn giao thông, hư hại công trình giao thông và gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng làm việc trực tiếp tại trạm cân. Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng trên.

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử nhẹ dẫn đến nhờn luật