Ngày xuân, về xứ nhãn lồng Phố Hiến, du khách tuy không được thưởng thức trái nhãn ngọt thơm như ngày hè tháng sáu, tháng bảy nhưng sẽ được đắm chìm trong vô vàn cảnh sắc độc đáo của “Tiểu Tràng An”.
Đền Mẫu cổ kính
Đó là nơi hoa nhãn đơm bông như đơm xôi trên đầu cành, xôn xao tiếng ong bay, nơi các làng nghề bốn mùa nhộn nhịp, nơi có quần thể di tích Phố Hiến xưa vẫn đẹp đẽ, uy nghi, ngan ngát hương trầm cho lòng người phút giây thanh tịnh, mong cầu một năm mới an lành…
Về xứ nhãn hôm nay, nhiều con đường rộng mở, đưa mảnh đất “thứ nhì Phố Hiến” xích lại gần hơn với “thứ nhất kinh kỳ”. Và tôi luôn khuyên bạn bè mình, về Hưng Yên nhất định phải đi theo đường đê sông Hồng. Tuyến đường đê ấy giờ đây trải rộng thênh thang, uốn lượn như một dải lụa đào. Điểm tô cho dải lụa ấy là làng xóm, khu dân cư của các xã ven đê trù phú với vườn cây, ao cá, nhà cửa san sát… Càng đi, càng ngắm, càng thấy ngỡ ngàng bởi hoa thơm, quả ngọt, bởi những mái ngói đỏ tươi như vừa mới lợp ngày hôm qua.
Phố Hiến xưa, nay là TP Hưng Yên luôn là điểm đến hút khách nhất ở xứ nhãn. Trải qua thăng trầm, TP Hưng Yên ngày nay vẫn lưu giữ được một quần thể di tích phong phú, mang giá trị độc đáo cả về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, hàng chục di tích lớn nhỏ đã hợp thành khu di tích Phố Hiến được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Về đến Phố Hiến, trên chuyến xe thư thả du xuân, lữ khách chỉ cần hòa vào dòng người tấp nập là có thể đến bất cứ điểm du lịch tâm linh nào ở thành phố xinh đẹp bên sông Hồng này. Từ đền Mây, đền Trần, đến đền Mẫu, Đông Đô Quảng Hội, rồi chùa Chuông, Văn miếu Xích Đằng... Mỗi mái đình, mái đền cổ kính rêu phong du khách viếng thăm, mỗi ngôi chùa âm vang tiếng chuông mà du khách dừng chân đều mang một câu chuyện lịch sử, văn hóa thú vị. Nhất là những ngày xuân thế này, du khách dễ dàng được tham gia nhiều lễ hội gắn liền với các di tích, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, cầu phúc, cầu an, cầu may mắn trong năm mới. Người ta ước tính, vào dịp đầu xuân mới, mỗi ngày ở quần thể di tích Phố Hiến đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Thắp một nén nhang thơm, nghe đôi dòng thần tích, cho lòng mình được sống trong khoảnh khắc thiêng liêng, được thưởng thức một bữa tiệc tinh thần đậm chất tâm linh. Chị Hoàng Thị Diệu, một trong số hàng nghìn người khách về với Phố Hiến trong ngày xuân này chia sẻ: “Tôi làm việc, sinh sống ở Hà Nội đã hơn 20 năm nay, nhưng không xuân nào không về Hưng Yên. Có khi đi cùng gia đình, có khi đi với bạn bè, có ngày nghỉ rảnh rỗi là một mình bắt xe buýt về. Đôi khi căn đúng dịp đầu xuân mới, Văn miếu Xích Đằng mở cửa, tôi về ngồi bên bậc thềm đá cũ, nghe một đoạn ca trù, đọc một đôi câu đối, thế là mãn nguyện”.
Cầu Nôm có 9 trụ bằng đá bắc qua sông Nguyệt Đức ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm
Về xứ nhãn ngày xuân, ngoài Phố Hiến, du khách còn có nhiều lựa chọn du ngoạn lý thú khác như làng Nôm, chùa Nôm (Văn Lâm), đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Khoái Châu), đền Phù Ủng (Ân Thi)... Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác được đặt chân đến ngôi làng cổ mang tên làng Nôm ở xã Đại Đồng (Văn Lâm) vào một ngày xuân mưa bụi. Bước thật chậm qua cổng làng cũ, qua chín nhịp cầu đá nhẵn bóng vết chân người, ngôi làng xinh đẹp như trong cổ tích giữa thời hiện đại. Từng con đường làng nho nhỏ, lát gạch nghiêng nghiêng, ít xe cộ, yên tĩnh đến mức lắng tai nghe được tiếng lá rơi trên sân đình, tiếng giọt nước đọng trên cây đa đầu làng thánh thót buông xuống mặt ao… Chẳng thế mà không ít bạn bè gần xa, ngay lần đầu đặt chân đến ngôi làng cổ này đã khẳng định đây là “làng quê đáng sống”!
Đôi khi tôi tự hỏi, có phải vì quê mình không rừng, không biển nên được thiên nhiên ban tặng cho những món quà đặc biệt khác. Tôi muốn nói đến nhiều loại ẩm thực độc đáo mà chỉ về Hưng Yên vào ngày xuân mới được thưởng thức một cách tuyệt vời nhất. Đó là món cá mòi, loài cá tự nhiên, người dân sống ven sông Hồng, sông Luộc tự đánh bắt được, bày bán tươi roi rói ở chợ quê. Cá mòi ướp gia vị đúng kiểu với nghệ, gừng, sả, ớt… làm món gì cũng ngon. Nhà hàng sang trọng thì có cá mòi tẩm bột chiên, chả cá mòi nướng lò, nếu may mắn được người nhà quê tiếp đãi thì sẽ được thưởng thức cá mòi hấp lá bưởi, nấu chuối hay nướng than hoa dân dã. Thưởng thức vị ngọt cá tươi của mùa chài lưới đầu năm trong tiết trời se lạnh, thêm chén rượu nếp chắt cay nồng, ngồi quây quần với bạn hữu, còn gì thích thú hơn. Quà sông đã vậy, quà vườn lại rất ngọt ngào. Ấy là vị mật ong hoa nhãn đã ngọt lại thơm, sóng sánh như nắng vàng tháng ba, tan nhanh trong miệng mà dư vị thì còn vấn vít mãi nơi đầu lưỡi. Ấy là những trái bưởi Diễn của mùa trước, nông dân thu hái mà chẳng vội bán ngay, cứ rải đầy dưới nền đất trong nhà, cho đến khi vỏ nhăn, cùi hết nước, mới khéo léo gọt ra mời khách. Múi bưởi bóc ra có màu hổ phách nhẹ, tép bưởi khô mà mọng, ngọt thanh, đã ăn là nhớ mãi.
Về xứ nhãn ngày xuân, du khách đi mỏi chân, đi hết ngày mà vẫn thấy nơi nơi xinh đẹp, cảnh sắc yên bình. Mỗi điểm dừng chân là mỗi lần được sống trong không gian đậm đà văn hóa, dung dị và trữ tình từ cảnh vật đến con người. Và ở xứ nhãn một ngày xuân, có thể chỉ là phút giây lặng ngồi bên bờ hồ Bán Nguyệt, dưới tán cây cổ thụ, nơi mà mưa xuân không lọt qua, ta tự do thả lòng mình theo sóng nước lăn tăn gợn gợn hơi sương, nghe văng vẳng đâu đó tiếng phách ca trù vọng lại…
VI NGOAN