Xử lý tội phạm tham nhũng: Bài 2: Tập trung thu hồi tài sản tham nhũng

16/12/2019 14:08

Thu hồi tài sản cho Nhà nước là một trong những mục tiêu chính trong việc xử lý những vụ án tham nhũng.

>> Bài 1: Trừ ''giặc nội xâm'' - khó vẫn phải làm


Bị cáo Nguyễn Bắc Son tại phiên tòa sáng 16.12

Trong các nhiệm kỳ, Đảng ta đã dành nhiều quan tâm chỉ đạo nhiệm vụ này. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII của Đảng đến nay, công tác thu hồi tài sản tham nhũng được chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, bước đầu đạt kết quả.

Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” thể hiện rất rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng là: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng. Áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện… Chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”. 

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã yêu cầu: “Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”. 

Ngày 25.5.2012, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 21- KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí, yêu cầu các cơ quan chức năng: “Sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả”.

Chỉ thị số 50 - CT/TW ngày 7.12.2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng cũng nêu: “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”.

Tại Kết luận số 10-KL/TƯ ngày 26.12.2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", Bộ Chính trị yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt công tác giám định và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, những sửa đổi về pháp luật trong thời gian gần đây đã cho thấy sự thay đổi về chính sách theo hướng coi trọng hơn yêu cầu thu hồi tài sản tham nhũng bị chiếm đoạt, thất thoát. Cụ thể như tại Điều 40 - Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định giảm hình phạt tử hình xuống thành tù chung thân đối với trường hợp: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, việc xử lý tội phạm tham nhũng thường tập trung vào việc xử lý hành vi, xử lý con người mà chưa quan tâm đúng mức đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Do vậy, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, làm giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ông Lê Tiến (Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) đánh giá, những vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ có số lượng tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát lớn nhưng không thể thu hồi do đã bị tẩu tán. Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do các vụ án kinh tế, tham nhũng thường được thực hiện trong thời gian dài mới bị phát hiện, các đối tượng liên quan đã bị tẩu tán tài sản; khó khăn trong xác minh nguồn gốc tài sản để thi hành án; khó khăn trong giám định thiệt hại về kinh tế và đặc biệt là nguyên nhân xuất phát từ việc tài sản do phạm tội mà có đã chuyển trái phép ra nước ngoài.

Theo quy định pháp luật, việc thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện thông qua các biện pháp tố tụng: kê biên tài sản, nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, phong tỏa tài khoản ngân hàng… để đảm bảo tài sản tham nhũng không bị tẩu tán, thất thoát.

Song, ngoài các biện pháp cơ học này, các cơ quan bảo vệ pháp luật hiện đang hướng tới một hình thức thu hồi khác, đó là vận động, thuyết phục người phạm tội nhận thức được hành vi vi phạm, từ đó họ có ý thức tự giác khắc phục hậu quả, tự nguyện nộp lại tài sản do tham nhũng mà có. Xét về lâu dài, hình thức vận động, thuyết phục này sẽ đem lại nhiều hiệu quả, thu hồi được nhiều hơn số tài sản hiện hữu nắm được thông qua biện pháp kê biên, phong tỏa. Song, hình thức này cũng đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vận dụng nhiều kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn cũng như sự quyết liệt, tâm huyết làm hết trách nhiệm, không nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Điển hình là trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), tổng số tiền thu hồi được (8.845 tỷ đồng) thậm chí còn lớn hơn số tiền thất thoát (8.697 tỷ đồng) mà các cơ quan tố tụng xác định trong vụ án. Kết quả này có được nhờ sự nỗ lực phối hợp của các cơ quan: Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, các kiểm sát viên và điều tra viên, quyết liệt, thu hồi triệt để tài sản về cho Nhà nước.


Bị cáo Trương Minh Tuấn tại phiên tòa sáng 16.12

Có thể nói, vụ MobiFone mua cổ phần của AVG là vụ án thu hồi được tài sản nhiều nhất từ trước đến nay. Hầu hết các bị cáo đều tự giác, phối hợp với gia đình để nộp lại các khoản tiền đã chiếm đoạt. Chỉ duy nhất bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) là chưa khắc phục được.

Rõ ràng, các bị can, bị cáo phải nhận thức được lợi ích của họ từ việc khắc phục hậu quả vụ án, từ đó họ mới tự giác nộp lại tài sản do phạm tội mà có. Để làm được điều này, ngoài việc vận động, các cơ quan tố tụng đã phải phân tích, đưa ra những cơ sở pháp lý về các hình thức xử phạt, vận dụng kỹ năng, sự linh hoạt, khôn khéo…  mới có sức thuyết phục. Vấn đề ở đây là phải áp dụng chính sách hình sự như thế nào với những đối tượng này?

Theo Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), chính sách hình sự là chính sách pháp luật trong lĩnh vực hình sự, thể hiện rõ trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự. Chính sách hình sự quyết định về các hình thức xử phạt, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó nhấn mạnh phải cân nhắc giữa hậu quả hành vi và thái độ khai báo, ý thức khắc phục hậu quả.

Những người có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện nộp lại số tiền đã chiếm đoạt, chắc chắn sẽ được áp dụng những quy định theo hướng giảm nhẹ cho người đó. Theo quy định, việc xử lý hình sự không làm theo hướng bất lợi, song cũng không hạn chế theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Giống như nguyên tắc suy đoán vô tội, việc truy tố, xét xử phải theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, không được suy đoán theo hướng nặng hơn cho họ. Cùng là việc khắc phục hậu quả, người khắc phục 50% phải khác người đã khắc phục 100%. Đó là chưa kể đến những người còn tự giác trả các khoản tiền khác ngoài tính toán của các cơ quan tố tụng (tiền lãi, chi phí phát sinh) mà họ không bắt buộc phải trả. Việc làm đó của họ là những tình tiết giảm nhẹ hơn những người khác và sẽ được hưởng chính sách khoan hồng tương ứng. Bởi lẽ, việc khắc phục bồi thường này đã thể hiện ý thức của họ, thể hiện sự ăn năn hối lỗi của họ, thể hiện mong muốn khắc phục tối đa những thiệt hại do hành vi của họ gây ra.

Ngoài vụ MobiFone mua cổ phần của AVG , vụ án chi lãi suất ngoài hợp đồng xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng là điển hình của sự tự nguyện nộp lại số tiền đã gây thiệt hại. Nhiều giám đốc các chi nhánh, văn phòng giao dịch đã tự giác nộp lại tiền bị thất thoát trong vụ án, tích cực khắc phục hậu quả… Thậm chí có người còn bán nhà, bán tài sản, vay mượn tiền của bạn bè, người thân trong gia đình để bồi hoàn các khoản tiền đã làm thất thoát. Chính sự ăn năn, hối cải, thấy việc làm của mình là sai, mong muốn được hưởng khoan hồng của pháp luật, được sớm làm lại cuộc đời… đã thúc đẩy họ có động lực tìm mọi biện pháp nhằm khắc phục hậu quả mình đã gây ra. Tự họ nhận thấy trách nhiệm, lỗi lầm của mình, muốn khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Chính vì vậy, đối với những trường hợp này, Tòa án cũng đã xem xét, cân nhắc cho họ được hưởng án treo.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, nhằm mục tiêu ổn định và phát triển, để mỗi doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị phát huy được vai trò của mình, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Theo TTXVN

Bài cuối: Nỗ lực cho sự ổn định và phát triển

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý tội phạm tham nhũng: Bài 2: Tập trung thu hồi tài sản tham nhũng