Xóm vạn chài

19/09/2015 05:17




Minh họa: VĂN HÀ


- Này, đến phim "Nữ hoàng tháng 5" rồi đấy. Chị bật ti vi chưa, cho em xem chung với. Cái ti vi nhà em trở chứng, cứ loằng ngoằng suốt, chả nhìn rõ cái gì vào cái gì cả.

Hải hau háu nhìn vào sâu trong khoang thuyền nhà Xinh, đợi thứ ánh sáng phát ra từ trong cái góc con con ấy.

- Sang hẳn đây đi. Tao bật rồi. Cái chị Chin He Jo ấy đẹp ơi là đẹp, không xem được thì tiếc lắm…
Như chỉ chờ có thế, cái Hải leo phắt sang thuyền nhà Xinh, để mặc bà mẹ vẫn đang ngồi vá lưới nơi đầu thuyền. Mấy đứa em Xinh đã xếp bằng ngồi trước cái màn hình ti vi. Thấy thế, bố cái Xinh hắng giọng:

- Cơm nước gì chưa mà son với chả xiếc vậy?

- Cháu nấu xong rồi, nhưng mẹ cháu chưa nghỉ tay, cháu qua xem nhờ phim tí nữa mới ăn bác ạ.

- Con với cái, lớn ngồng ngỗng rồi mà chả có ý tứ gì cả, không chịu vá lưới giúp mẹ thì sống bằng gì.
Cái Hải gãi đầu, gãi tai. Mặt nó chín lựng nhưng vẫn không thoát khỏi sức hút của mấy anh chị diễn viên Hàn Quốc. Hải lom khom trong lòng thuyền cùng với mấy chị em cái Xinh. Khoang thuyền chật chội, thấp tè cứ đè lên cái đầu cao ngồng của Hải, làm nó thường xuyên phải ngọ ngoạy, thay đổi tư thế ngồi. Cái Xinh, tay cầm chiếc đũa nấu bếp, mắt không nhìn vào nồi thức ăn mà nhìn vào màn hình ti vi. Bố Xinh ngao ngán lắc đầu:

- Lại Chin với chả He, lúc nào cũng Chin với He… Sao chả chịu học đi rồi sang bên đó mà sống, khỏi phải chiều nào cũng bỏ cả cơm, canh để lao đầu vào cái ti vi chứ. Xinh đẹp, sao không lấy chồng đi… Rõ dở hơi!

Câu nói vừa thoát ra khỏi cửa miệng, bố Xinh dừng ngay lại, đưa mắt liếc vội sang mũi thuyền bên kia, nơi mẹ Hải đang cặm cụi vá lưới. Hoàng hôn nhàn nhạt của buổi chiều thu loang loang, hắt lên má người đàn bà một màu hồng sáng. Bóng chị in thành vệt dài trên mặt sông lấp lánh ánh bạc.

*

Vào lúc nửa đêm thanh vắng của một mùa hè cách đây 16 năm về trước, xóm vạn chài Đầu Lô đón một người khách không bình thường. Người phụ nữ khoảng 30 tuổi không rõ lai lịch đến ghềnh đá phía trên xóm vạn chài khoảng 50 mét, cứ ngồi thẩn thơ như chờ đợi ai đó từ lúc mới quá trưa. Chập tối, chị cắp nón đứng dậy, đi đâu không ai biết và cũng không ai để ý, bởi họ còn mải mưu sinh chài lưới trên sông, kiếm miếng ăn hàng ngày. Ban ngày, mỗi thuyền là mỗi gia đình tự tách ra đến một quãng sông nào đó để thả lưới, buông câu. Tối về nhập lại thành xóm, cập mạn san sát vào nhau, cùng vui, cùng buồn với những câu chuyện trên sông. Nửa khuya, con chó Mực duy nhất của xóm cất tiếng sủa ông ổng, cố hướng cái nhìn về phía ghềnh đá. Ông cụ Tĩnh không ngủ được, quét đèn pin theo hướng sủa của con chó. Bằng đôi mắt tinh nhanh của người có thâm niên nhiều đời làm chài lưới, cụ phát hiện có điều gì đó không ổn đang sắp xảy ra và dợm bước đi qua các mũi thuyền, lên bờ. Còn cách vài con thuyền nữa, cụ Tĩnh nghe tiếng có vật gì đó rất nặng vừa rơi xuống nước. Linh tính báo việc chẳng lành, cụ tri hô lên để các nhà thuyền trở dậy. Đồng loạt các loại đèn pin rọi về phía có tiếng động. Chỉ thấy vùng nước ấy sủi bọt mà không thấy bất cứ một vật thể nào. Người chạy lên bờ, người nhổ neo, tháo dây xích lái thuyền đến mỏm nước cạnh ghềnh đá. Nơi ấy nước cuồn cuộn thành vùng, xoáy thành vũng, đặc biệt nguy hiểm cho ai đó không may sa chân vào vũng xoáy này. Ánh sáng dồn cả lại, soi sáng vùng nước xoáy ngầu đỏ. Tất cả đều phán đoán có người đã nhảy xuống mom nước này để tự vẫn. Cụ Tĩnh là người đầu tiên lên tiếng:

- Nhất định có người ở dưới ấy. Phải cứu người ta thôi

- Không được. Vạn chài mình không được cứu người chết đuối, như thế là làm trái với lời nguyền.
Nhiều ý kiến xôn xao, bàn tán. Dân chài lưới trên sông vốn kỵ vớt xác chết, bởi vì họ sợ làm như vậy là vi phạm vào lời nguyền của tổ tiên, sẽ vận vào cuộc sống của họ bằng những hậu họa khôn lường, hoặc nhẹ thì cũng không làm ăn được nữa. Sau phút đắn đo, cụ Tĩnh quyết định:

- Phải cứu. Cứu một người phúc đẳng hà sa. Không tổ tiên nào lại làm ngơ khi chúng ta không cứu người.

Vừa nói, cụ vừa xoay người, làm động tác khởi động. Thấy vậy, anh Thao - con trai út của cụ, sấn tới:

- Bố để con.

Nói rồi, anh lao xuống nước. Hai, ba người khác cùng lao theo. Họ vẫy vùng, ngoi lên lặn xuống khá lâu. Mấy thuyền chia nhau xuôi dòng đón lõng. Có người đã nhanh chóng mắc lưỡi câu chùm thả xuống lòng sông, rà theo con nước. Phải mất một lúc, Thao và mọi người mới bắt được một thân người vẫn lẩn quẩn trong vụng xoáy, chưa ra khỏi vùng. Đưa lên khỏi mặt nước mới hay đó là một người phụ nữ, quanh bụng còn quấn mấy vòng dây thừng. Ngay lập tức, người bị nạn được đưa lên bờ làm hô hấp nhân tạo. Những vòng dây thừng quanh bụng được cắt rời, lộ ra phần bụng của cô gái bị xây xát khá nhiều và cương cứng. Mệnh của cô còn cao nên sau một hồi cấp cứu, cô đã ói ra rất nhiều nước và đã thở được. Cái bụng cô đã bắt đầu có nhịp đập dù rất yếu ớt. Cô được đưa trở lại thuyền nhà cụ Tĩnh, được thay quần áo và sưởi ấm. Vợ Thao nấu vội bát cháo cá để chờ khi có thể là bón cho người phụ nữ ấy ăn.

…Cái Hải được sinh ra sau đó 5 tháng. Nó là kết quả của một chuyện tình buồn. Mẹ nó - cái cô Ngạn trắng trẻo, tốt bụng nhưng lại nghễnh ngãng nên quá lứa nhỡ thì. Tuổi tác càng lớn thì hy vọng kiếm được tấm chồng càng tuột dần theo thời gian. Nhưng, tạo hóa chẳng để cô yên, lại lù lù vác ở đâu về một đội quân làm đường ống dẫn dầu chạy qua cái xóm đồi heo hút của cô. Chuyện gì đến phải đến. Cô phải lòng anh đội trưởng cao to, đẹp trai nhưng tính hắc sì dầu. Thấy anh ăn nói nghiêm nghị, mực thước trước đám công nhân khác hẳn người anh trai cục cằn, thô lỗ của mình, Ngạn mê lắm. Mơ ước được làm vợ anh cứ lớn dần trong cô. Nhưng ác nỗi anh đã có vợ con đề huề ở thành phố. Trò đời, người nghễnh ngãng thì hay hong hóng nghe chuyện. Ngày nào Ngạn cũng tìm cách qua đội công nhân để được nhìn thấy anh, nghe anh nói. Khi thì bó củi, lúc mấy củ khoai, cái bắp ngô… làm cớ, Ngạn đi lại nơi ấy khiến không ít điều tiếng xì xào, bàn tán. Bố Ngạn cấm con gái không được qua lại với đám công nhân đường ống. Ông bắt mẹ cô theo dõi, tuyệt đối không để cô giao du với những người ấy. Nhưng có ai cản được cái đầu vốn chẳng được sáng ý của Ngạn. Cô vẫn trốn mẹ đi thả bò để được tới gần đám công nhân kia. Một hôm, cô vừa đi thả bò, vừa tranh thủ vào đồi chặt bó nứa. Chẳng may trong lúc mải làm, cô không để ý, một thân nứa rời gốc, cả cái vạt nhọn ấy lao thẳng vào bắp chân cô. Máu chảy đầm đìa. Ngạn tái người vì đau đớn. Cô chỉ biết xé vạt áo trước bụng, nhai nắm lá cầm máu rồi xách dao lết về. Vết thương dài và sâu đến xương khiến Ngạn tê dại. Đang lúc mê mê tỉnh tỉnh vì đau thì có ai đó gọi tên cô. Hóa ra là anh đội trưởng đi kiểm tra cuối ngày về, gặp cô đang lê lết giữa đường. Anh cứ vậy cõng Ngạn tới lán của đội. Làm những việc sơ cứu, băng bó cho cô xong, anh cho người vào xóm tìm gặp người nhà Ngạn. Anh trai Ngạn cùng bà mẹ đến đón cô về. Trên đường về, người anh  không ngớt miệng chửi mắng đứa em gái bạc phước của mình. Nào là mày lẳng lơ, muốn theo giai chứ gì. Nào là mày đĩ nó vừa vừa thôi, không ở vậy được thì lấy quách thằng nào sứt môi, lồi rốn, vợ chết con đông đi, chứ cứ thế này thể nào cũng làm nhục bố mẹ có ngày... Ngạn cắn răng chịu đựng. Trong đầu cô chỉ nghĩ tới hình ảnh của anh đội trưởng. Anh ấy trông thế mà hiền từ biết bao. Ánh mắt anh ấy nhìn cô, nhìn vạt bụng trắng ngần của cô hở ra sau phần áo rách sao mà dịu dàng thế…

*

…Hai tuần sau ngày bị nứa chém vào chân, Ngạn lại vào đồi lấy củi, thả bò. Sau khi vác cho đội công nhân bó củi lặc lè, Ngạn quay trở lại đồi để vác bó khác mang về nhà. Mấy mẹ con con bò bỗng nhiên bỏ đi đâu biệt làm cô đi tìm hết cả hơi. Đến lúc phát hiện ra chúng thì trời đã nhá nhem tối. Tối ở vùng núi thường nhanh hơn các vùng khác. Cô lùa đàn bò về nhưng vẫn không quên bó củi. Đang thập thững bước thấp, bước cao xuống dốc để về nhà thì có cánh tay ai đó kéo cô ngược lại. Ngạn giật mình chưa kịp cất tiếng kêu thì đã bị bàn tay kia đưa lên bịt miệng cô lại:

- Anh đây, anh đây. Ngạn, chiều anh tý nhé. Anh thích em…

Nghe giọng nói quen quen, Ngạn định mở lời nhưng không được. Người lạ ập vào cô, dùng môi khóa chặt miệng Ngạn lại, một tay lần vào vạt áo, giật tung hàng cúc trước ngực…

…Hồi lâu, Ngạn mới mở mắt, bừng tỉnh. Người đàn ông ấy không phải là anh đội trưởng mà chỉ là một công nhân trong đội.

Khi phát hiện Ngạn có thai, bố đã đánh cô một trận nhừ tử rồi nhốt cô trong chuồng bò. Ông bắt mẹ cô đi hái lá rừng cho cô uống để ép cái thai ra. Ngạn uống nước mắt nhiều hơn uống nước thuốc. Có lẽ vì thế chăng nên cái thai trong bụng cô chẳng hề hấn gì. Thỉnh thoảng nó vẫn như con cá tép, búng búng trong cô, nhắc cho cô biết về sự tồn tại của nó. Một tuần lễ bị giam hãm, không ăn, chỉ uống nước lá, Ngạn gục xuống như tàu chuối héo. Lúc bấy giờ, bố cô mới cho phép đưa cô trở lại nhà, còn ông sùng sục đào bới mấy gốc cau, lấy rễ cho cô uống. Thương con gái, mẹ cô chỉ biết khóc. Một đêm trăng sáng, Ngạn lẻn ra khỏi nhà, mang theo chiếc nón úp vào trước bụng. Cô cứ đi mà không biết sẽ tới đâu, về đâu. Hình bóng người đàn ông đi qua đời cô nhẹ bẫng trong lòng. Ngạn không còn nước mắt để khóc. Cô gằm mặt đi xa khỏi làng.

*

Sinh nở xong, cô không biết đi đâu nên xin với xóm chài cho mẹ con cô ở nhờ. Xóm vạn chài thêm hai miệng ăn. Ngày ngày Ngạn lên bờ cuốc đất, trồng rau và đi bán cá, trông trẻ con giúp các nhà thuyền trong xóm. Ai cũng quý đức tính lam làm của cô. Mỗi chiều thấy Ngạn chống cuốc nhìn mãi về phía núi xa, cả làng chép miệng thương người đàn bà đơn chiếc. Vì thế, dẫu cuộc sống còn khó khăn, nhưng mọi người đều sẵn sàng cho mẹ con Ngạn tá túc. Dần dà, cô học cách mắc mồi, vá lưới, học cả những công việc chỉ người đàn ông mới làm để sinh nhai. Mẹ con cô được cụ Tĩnh cho mượn một chiếc thuyền cũ và dạy cách kiếm sống trên sông. Người ta bảo nghề sông nước vô cùng bạc bẽo, nhưng với Ngạn thì lại là ân tình vô cùng lớn lao. Bão táp mưa sa không làm Ngạn xấu đi mà ngược lại. Nước da trắng của cô càng hồng hơn dưới ánh nắng mặt trời. Người mẹ một con ấy làm đẹp cả khúc sông bé nhỏ này. Cô ít nói hơn xưa, không còn hay hóng hớt chuyện người, chuyện đời mà đằm thắm hơn, cái cười cũng nhẹ nhàng hơn. Đêm đêm, Ngạn nằm ru con trong lòng thuyền. Những con sóng nhẹ chao đi chao lại dưới lưng, làm dềnh lên nỗi nhớ cha mẹ, nhớ quê hương da diết. Những lúc ấy, Ngạn mặc cho nước mắt tuôn chảy. Đời cô, tưởng đã chẳng còn gì từ sau đận ấy. Ai ngờ lại lưu lạc đến đây và trở thành cư dân của xóm chài này.

*

Đám ma cụ Tĩnh. Ngạn sang thuyền xin cho mẹ con chị được chở tang cụ. Bao đời nay, xóm chài này chỉ lên bờ khi đi bán cá, mua thức ăn và đồ dùng thiết yếu. Họ là những người dân chài ở nhiều nơi, theo dòng nước mà kéo đến đây dựa lưng vào nhau lập thành cái xóm chài này để cùng sinh sống. Rất ít người có huyết thống, dòng họ nhưng ở với nhau lâu ngày thành quen, thành thân thuộc. Người chết không thể mang về quê mai táng nên phải báo cáo chính quyền địa phương để xin mấy vuông đất con con làm nơi an nghỉ. Chính quyền đồng ý, nhưng những người dân gần xóm chài thì không. Họ lập luận: Người xóm chài không phải là dân địa phương, không đóng góp gì cho địa phương, quê ở đâu thì về đó mà chôn cất. Sang ngày thứ ba, cụ Tĩnh mới có được mấy mét vuông để nằm xuống. Ngạn thức trắng nhiều đêm bên cữu cụ. Khi đưa cụ ra đồng, chỉ có chưa đầy trăm nhân khẩu của xóm chài mà không hề có bóng dáng của một người dân trên bờ nào. Ngạn khóc không thành tiếng. Chỉ có tiếng gió rít khào khào bên tai cùng với tiếng mưa rơi ràn rạt trên đầu. Những người dân vạn chài lặng lẽ chôn cất cụ. Khi linh cữu của cụ chạm xuống đất, Ngạn gào lên:

- Bố ơi!... Nếu không có bố, đời con bây giờ ra sao? Bố ơi là bố ơi…

Rồi chị lăn xuống mộ, hai tay chắp lại, xá lấy xá để.

- Bố ơi, cho con được đi theo để con hầu hạ bố. Bố ơi... dù không đẻ ra con, nhưng bố đã cho con cuộc đời khác. Cho con được đi với bố...

Ai cũng ngậm ngùi thương tiếc cụ Tĩnh. Nghe Ngạn kêu khóc, cả xóm khóc theo, dầm dề, rầu rĩ như mưa tháng bảy. Mấy ngày sau, ngày nào Ngạn cũng khăn trắng ra đồng thắp hương cho cụ. Trời xanh trên đầu như cũng xót xa mà thôi mưa dầm gió bấc.

... Hải lớn lên nhờ sự đùm bọc của người dân vạn chài. Cô bé kháu khỉnh, trắng trẻo, suốt ngày chỉ bò đi bò lại trong lòng thuyền, để yên cho mẹ quăng chài thả lưới. Nó dường như ý thức được số phận mình nên cứ tự nhiên sống như cây cỏ, không đau ốm, bệnh tật gì. Nó thua cái Xinh 2 tuổi, suốt ngày bập bẹ "inh...ui, inh ui..." quyến luyến nhau như chị em ruột. Lớn thêm ít nữa, Hải được gửi đến lớp cùng chị Xinh. Hết cơ sở, mấy đứa lớn của xóm vạn chài đều bỏ học vì không chịu được sự kỳ thị của những bạn bè cùng trang lứa, vốn là những người không cùng đẳng cấp với chúng. Chúng lại theo cha mẹ mình đi đánh cá trên sông. Đến tuổi biết yêu, lại tìm hiểu những người cùng xóm và lấy nhau bằng những đám cưới đạm bạc, chỉ có người vạn chài với nhau. Xóm chài dần dần sinh sôi nảy nở, cư dân xóm chài thêm đông đúc nhưng cũng chỉ quanh quẩn bên cái vụng nước gần thị trấn Đầu Lô này để tiện việc chợ búa hằng ngày.

Nhiều lần Ngạn đi chợ, có người đàn ông góa vợ chuyên mua cá của chị, để ý và đánh tiếng xin chị về ở cùng. Nhưng chị không đồng ý. Nếu về với anh ta, chị phải lên bờ. Và như vậy đồng nghĩa với việc chị làm trái lại lời hứa của mình là sẽ mãi mãi ở lại làm người xóm chài, sống, chết với dân chài dù chị đã được chứng kiến nỗi đau không đất nương thân của cụ Tĩnh. Chị sinh ra đã phải chịu nỗi khiếm khuyết của đời và được tái sinh bởi những con người lam lũ nơi bến sông này. Họ đã cho chị tình thương. Cho mẹ con chị cuộc sống. Lẽ nào chị lại bỏ họ để ra đi? Với người đời thì vạn chài là những người thất học, những kẻ sống vô gia cư. Nhưng với chị, họ đích thực là những con người lương thiện, sống chân chất, hiền hòa mà ngay thẳng. Họ sống với nhau bằng cái tình và bằng bản năng cố kết. Không có họ, chị đâu có cuộc đời này. Nhớ lại lúc cầm dây thừng để cuốn mấy hòn đá vào bụng hòng khi nhảy xuống là không nổi lên được nữa, Ngạn lại thấy hận mình. Cụ Tĩnh, vợ chồng anh Thao là những người đã giúp chị thấy lại ý nghĩa của cuộc sống. Bởi thế nên chị thà ở vậy để nuôi con Hải lớn lên chứ không đi lấy chồng xứ khác, mặc mọi người khuyên nhủ nên tìm cho con bé một người cha.

*

... Hết phim. Hải về thuyền nhà mình thì thấy mẹ đang thắp hương trên chiếc bàn thờ nhỏ. Nhìn ánh mắt sũng nước của mẹ, Hải chẳng hiểu mẹ thắp hương cho ai, mẹ khóc vì ai nữa. Nó hồn nhiên, ôm ngang lưng mẹ:

- Mẹ. Trông mẹ đẹp như chị Chin He Jo ấy. Lúc phát hiện ra mình không phải là con đẻ của bố, chị ấy không khóc một tiếng nào, đôi mắt thì nhìn không chớp vào chiếc áo sơ sinh của mình. Nhưng những lúc ngồi trước di ảnh của người bố nuôi thì chị ấy lại khóc. Thế là thế nào hở mẹ?

- Con không biết đấy thôi. Khi cái đau, cái khổ lên đến tận cùng, con người ta như trơ ra, nhưng thực sự lúc đó cái đau đang chảy ngược vào trong, thấm vào tận tim gan làm người ta không sao rơi nổi nước mắt. Chỉ đến khi tĩnh lại trước những ồn ào ấy, cái đau mới lại từ từ chuồi ra. Không chỉ có nỗi đau đâu, ngay cả khi họ cảm thấy hạnh phúc cũng vậy. Lẽ ra, người ta phải cười trước hạnh phúc thì đằng này, họ lại khóc. Cuộc sống có cái giá của nó con ạ.

- Thế lúc nãy mẹ khóc là vì sao?

- Mẹ nhớ cụ Tĩnh, nhớ ông bà ở quê. Không biết đến bây giờ ông bà đã chịu tha thứ cho mẹ chưa? Nhất định đến một ngày nào đó mẹ sẽ đưa con trở lại thăm quê để con biết gốc tích của mình. Nhưng mẹ con mình không được phép quên ơn cái xóm chài này. Đây là quê hương thứ hai của mẹ, là nơi con sinh ra trên đời này. Con phải ghi nhớ những điều đó.

Đêm. Hai mẹ con ôm nhau rầm rì đủ mọi thứ chuyện, lúc sau con bé ngủ thiếp đi. Ngạn nằm nghe tiếng mưa nơi thượng nguồn đổ về. Chị chép miệng:  Mưa thế này nước sông lại dâng cao đây, ngày mai cho thuyền vào bờ ngòi, thế nào cũng bắt được món cá chép theo con nước lên vật mình đẻ trứng cho mà xem...

Hải ú ớ nói mê. Ngạn nhìn con, thầm nghĩ: Cái con bé này, mười sáu tuổi rồi mà vẫn như trẻ con vậy. Rồi chị trở dậy, kiểm tra lại mấy tay lưới, hy vọng ngày mai sẽ kiếm được món cá lớn.

Mưa vẫn không ngớt. Ngàn ngàn lớp lớp bong bóng chảy trôi trên mặt sông, dưới ánh đèn ắc quy của xóm vạn chài, trông chúng thật lộng lẫy sắc màu.

Truyện ngắn củaVŨ KIM LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóm vạn chài