Việc đấu tranh đối với các vi phạm trên không gian mạng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là giáo dục, thông tin, tuyên truyền...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mạng xã hội; việc xử lý thông tin độc, bẩn trên môi trường mạng; giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử … là những vấn đề được đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn các trưởng ngành, thành viên Chính phủ tại phiên họp sáng 31.10.
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Đề cập đến vấn đề quản lý nhà nước trên môi trường mạng, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, tin độc, tin bẩn, hình ảnh phản cảm, lợi dụng mạng để đánh bạc nghìn tỷ, rửa tiền, lừa đảo qua mạng... đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây hậu quả lớn về kinh tế-xã hội, đạo đức, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Dù Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xử lý giải quyết nhưng đây vẫn là vấn đề nóng, gây bất an cho gia đình, xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp đột phá khắc phục tình trạng này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mới được Quốc hội phê chuẩn nên vấn đề này do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không gian mạng cơ bản giống như cuộc sống thật. "Cuộc sống thật có gian lận, lừa đảo thì trên mạng có lừa đảo; cuộc sống thật có đánh bạc thì trên đó có đánh bạc; cuộc sống thật có tống tiền thì trên đó có tống tiền... Vì thế, chúng ta phải hoàn thiện các quy định của pháp luật; tất cả các quy định pháp luật về quản lý xã hội đều phải lưu ý đến các hình thái phát sinh trên không gian mạng và ngược lại," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý, quan trọng nhất là vai trò của các bộ, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những vấn đề tệ nạn trên cuộc sống thực thì hệ thống pháp luật, hệ thống quản lý cũng như toàn xã hội sẽ nhận biết được và đấu tranh dễ dàng. Trong khi đó, các vi phạm trên không gian mạng khó phát hiện, khó đấu tranh hơn; các hành vi vi phạm, phạm tội trên mạng thường bị xóa dấu vết, khó truy tìm, cần phải thông qua các giải pháp kỹ thuật, giám định. Đây chính là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các bộ, ngành có liên quan
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc đấu tranh đối với các vi phạm trên không gian mạng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là giáo dục, thông tin, tuyên truyền để tất cả mọi người được “xóa mù” về tri thức công nghệ, đặc biệt là những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin.
Xây dựng Chính phủ điện tử luôn được coi trọng
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nêu vấn đề thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt là đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 gắn với cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai số hóa và xây dựng các cơ sở dữ liệu số chuyên ngành cũng như các cơ sở dữ liệu dùng chung tiến độ còn khá chậm, chưa đồng bộ, mức độ chia sẻ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của Chính phủ điện tử.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của thực trạng trên và những giải pháp gì để giải quyết những tồn tại đó?” đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một xu hướng tất yếu của các quốc gia và nền kinh tế. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trong các dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, công tác này đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, ban hành được một số văn bản và các giải pháp để xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý doanh nghiệp, về bảo hiểm xã hội đồng thời cung cấp được một số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, vấn đề này chưa đạt được như kỳ vọng. Hiện nay, rất cần hoàn thiện thể chế pháp lý, cần có quy định về kết nối và chia sẻ dữ liệu, quy định về bảo mật thông tin cá nhân, định danh cá nhân, lưu giữ hồ sơ điện tử... Bên cạnh đó, cần có cơ chế tài chính, đầu tư, nguồn lực cho những dự án đặc thù về công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, vừa qua Thủ tướng đã có quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Thủ tướng cũng giao cho một số bộ, ngành liên quan chủ trì để xây dựng cơ sở pháp lý, xây dựng khung tổng thể kiến trúc về Chính phủ điện tử, đặc biệt vấn đề liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin phải đảm bảo an toàn tuyệt đối./.