Xóa bỏ những thứ thuế vô lý

03/09/2018 10:00

Ký ức về những ngày nhân dân ta bị thực dân Pháp, tay sai phong kiến áp bức bóc lột từng đồng thuế vô lý vẫn hằn sâu trong trí nhớ của nhiều bậc cao niên.

Cụ Nguyễn Văn Hưng ở thôn Kiến Lễ, xã Đại Đức (Kim Thành) kể lại niềm vui khi Nhà nước cách mạng xóa bỏ các thứ thuế vô lý

Oằn mình cõng thuế

Thuế là một trong những chính sách bóc lột hà khắc, tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai phong kiến với nhân dân ta. Chúng đặt ra nhiều thứ thuế vô lý như thuế đinh (thuế thân), thuế rượu, thuế thuốc phiện, thuế muối...

Thuế thân đánh vào nam giới từ 18-60 tuổi, được định thành suất, nộp theo từng năm, làm cho nhiều người dân khốn khổ cùng cực. Trước đây, thuế thân không áp dụng với người ngoại tịch (dân ngụ cư), nhưng thời Pháp đô hộ thì những người này cũng phải nộp thuế. Chúng đánh đồng tất cả người có tài sản hay không có tài sản đều phải đóng chung một mức thuế thân. Để kiểm soát thuế thân, chính quyền thuộc địa cấp thẻ cho người dân sau khi nộp đủ thuế. Nếu bị kiểm tra mà người dân không có thẻ thì có thể bị bắt giam. Người bị mất thẻ xin cấp lại cũng phải nộp một khoản tiền thuế. Tội ác của thực dân còn thể hiện ở chỗ người chết cũng không được miễn thuế thân và người sống phải đóng thay.

Nhớ lại những ngày ấy, nhiều cụ cao niên không khỏi đau xót. Mặc dù năm nay đã 93 tuổi, nhưng cụ Phạm Văn Ty ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) không thể nào quên những ngày gia đình cụ luôn phải sống trong sợ hãi vì thuế. Năm 1942, cụ Ty 17 tuổi. Cụ tuy không phải nộp thuế thân nhưng cả gia đình cụ phải xoay xở mọi thứ mới đủ tiền nộp thuế cho bố và anh trai. "Trong tháng 5, lý trưởng đánh trống thu thuế liên tục. Nếu ai không có tiền nộp thì bị bắt cùm ở nhà lý trưởng vài ngày. Trong những ngày đó, người nhà phải lo tiền mang đến nộp. Nếu ai bỏ làng không nộp thuế thân thì những người ở nhà phải chịu thay. Những năm đó đói khổ đến ăn còn không có, lấy tiền đâu ra để nộp thuế", ông Ty kể.

Theo tài liệu lịch sử, trong khi nhân dân ta nghèo đói thì thực dân Pháp không ngừng tăng thuế thân. Từ năm 1919-1921, ở miền Bắc và miền Trung, người dân phải đóng thuế thân 2,5 đồng. Ở miền Nam, năm1913 mỗi người dân phải đóng 5,58 đồng nhưng đến năm 1929 đã tăng lên 7,5 đồng. Bình thường mức thuế đó đã là gánh nặng của người dân nhưng vào những năm khó khăn, mất mùa, khủng hoảng kinh tế thì thuế thân là tai họa khủng khiếp, đặc biệt là đối với người nông dân. Giai đoạn 1942-1944, bình quân mỗi người dân Việt Nam (không phân biệt già trẻ, lớn bé) phải nộp 8 đồng tiền thuế, tương đương với 70 kg gạo trắng hạng nhất.

Ngoài thuế thân, thực dân Pháp còn đưa thuốc phiện vào Việt Nam nhằm đầu độc mọi tầng lớp từ giàu đến nghèo để dễ bề cai trị. Bằng những luận điệu xảo trá, chúng cho phép buôn bán ma túy công khai nhằm thu một khoản thuế khổng lồ, bòn rút tận xương tủy người dân, làm sinh sôi nhiều tệ nạn xã hội. Cụ Nguyễn Văn Cử ở khu 11, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) nhớ lại: "Ngày đó chỉ những người giàu có và quyền thế mới mua thuốc phiện. Còn dân đen ai đã sử dụng thuốc phiện thì cũng trở thành tay sai cho chúng”.

Để có tiền phục vụ chiến tranh, thực dân Pháp còn thành lập Công ty Rượu Đông Dương, chuyên sản xuất rượu để ép dân phải mua. Làng nào không mua đủ số lít tương ứng với số dân của mình sẽ bị xem như đã tham gia vào việc nấu rượu lậu và các hương chức của làng sẽ bị phạt. Đây vừa là một hình thức bóc lột vô cùng hà khắc, vừa gieo rắc cho nhân dân nhiều tai vạ, đầu độc dân ta chìm trong nghiện ngập, bần cùng, nợ nần. Bên cạnh đó, thực dân Pháp còn đặt ra hàng loạt thứ thuế và phụ thu vô nhân đạo khác.

Chính hệ thống thuế nửa thực dân, nửa phong kiến đó đã làm cho đại đa số nông dân phải bán hết lương thực để nộp thuế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa đau xót làm hơn 2 triệu dân ta chết đói từ cuối năm 1944 đến giữa năm 1945. 

Gỡ bỏ gánh nặng

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính quyền cách mạng đã ban hành sắc lệnh bãi bỏ thuế thân vào ngày 7.9.1945. Nhà nước còn giảm thuế điền thổ, bãi bỏ chế độ công quản thuốc phiện, rượu, muối. Những quyết định này thể hiện sự ưu việt của chế độ mới, gỡ bỏ gánh nặng bao đời cho nhân dân, động viên nhân dân ra sức xây dựng, bảo vệ đất nước.

Cụ Nguyễn Văn Hưng ở thôn Kiến Lễ, xã Đại Đức (Kim Thành) nhớ mãi khoảnh khắc khi nghe thông báo xóa bỏ thuế thân và nhiều thứ thuế vô lý khác. “Cả nhà ôm nhau vui sướng như được sống lại. Từ khoảnh khắc đó, nhân dân không còn sợ hãi chế độ gông cùm nào áp bức, bóc lột", cụ Hưng nhớ lại.

Theo cụ Nguyễn Văn Cử, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính sách thuế được Nhà nước điều chỉnh phù hợp. Nhà nước cũng ban hành các chính sách giảm tô, giảm tức và nghiêm cấm mọi hình thức gây phiền hà cho dân. Do vậy, thời điểm đó, hầu hết cán bộ, đảng viên được huy động làm công tác thuế nhưng không ai gây phiền hà, hạch sách dân. Với số tiền của động viên được, Chính phủ thực hiện tốt việc tiết kiệm để chi vào những việc ích nước lợi dân nên nhân dân rất tin tưởng khi đóng thuế, hết lòng ủng hộ chính quyền cách mạng non trẻ. Đây chính là một nguồn lực to lớn để đất nước ta đánh thắng thực dân Pháp xâm lược vào năm 1954.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa bỏ những thứ thuế vô lý