Xóa bỏ những nét chưa đẹp trong việc cải táng

14/12/2016 17:46

Việc cải táng cho người thân đã qua đời được tồn tại rất lâu nhưng nay không còn phù hợp, vừa mất vệ sinh lại ô nhiễm môi trường...



Sau khi cải táng xong, những chiếc quan tài bị người dân xã Ứng Hòe (Ninh Giang) chất đống ngay cạnh đường đi. Ảnh: Tường Minh


Thường vào dịp tháng 10, tháng 11 âm lịch hằng năm, khi thời tiết hanh khô, ít mưa, nhiều gia đình lại tổ chức cải táng (còn gọi là sang cát, bốc mộ, sang nhà mới...) cho người thân đã qua đời trước đó vài năm. Đây là tục lệ truyền thống đã được duy trì từ xưa ở khắp các vùng quê, thể hiện sự thành kính, tri ân, quan tâm của những người còn sống đối với người đã khuất.

Tuy nhiên, việc tổ chức cải táng hiện đang tồn tại không ít hạn chế. Nhiều gia đình làm cỗ to vài chục mâm, mời họ hàng, làng xóm, bạn bè ở nhiều nơi về ăn uống kéo dài từ chiều hôm trước đến tận hôm sau. Những gia đình có điều kiện hơn còn bỏ ra không ít tiền để lập đàn, mời thầy cúng về làm lễ cầu siêu trước khi cải táng cho người thân. Trong lễ cúng đốt rất nhiều vàng mã, tiền âm phủ và các đồ dùng làm bằng giấy như tivi, ô tô, xe máy, điện thoại di động, đồng hồ, quần áo, mũ nón... cho người đã khuất với quan niệm “trần sao âm vậy”. Một số gia đình thích phô trương còn mua những bộ quách (đựng hài cốt người được cải táng) bằng gỗ quý, bỏ ra xây mộ hàng trăm triệu đồng cho người thân. Sau khi cải táng, nhiều nơi còn để những chiếc áo quan cũ nằm chỏng chơ, bừa bộn khắp khu mộ, hay vứt ở vệ đường, làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường. Vì phải lo chuẩn bị cho việc cải táng nhiều người mỏi mệt, mất tập trung khi làm nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị…

Trước kia điều kiện kinh tế chưa phát triển, việc cải táng cho người đã khuất thường được làm đơn giản, gọn nhẹ, không cầu kỳ như bây giờ. Các gia đình cũng tổ chức ăn uống nhưng hầu như chỉ gói gọn trong anh em, họ hàng gần gũi. Có nhà không làm cỗ mời khách mà chỉ làm vài mâm cơm để cúng tổ tiên, sau đó con cháu ruột thịt trong nhà hưởng lộc. Ngày cải táng cũng không phải mời thầy cúng về lập đàn, không đốt quá nhiều tiền vàng, quần áo và các thứ khác cho người đã khuất. Hài cốt của những người được cải táng được đựng trong chiếc tiểu sành rất đơn giản, có giá trị vừa phải. “Nhà mới” của người đã khuất được xây dựng có hàng, có lối chứ không cao thấp lố nhố như hiện nay...

Những năm gần đây, nhiều gia đình ý thức được những hạn chế của việc cải táng nên sau khi người thân qua đời đã chủ động đưa đi hỏa thiêu. Cách làm này giúp các gia đình tiết kiệm, không gây lãng phí, tốn kém tiền của. Với những gia đình vẫn duy trì cách chôn cất người đã khuất theo kiểu “địa táng” cần hạn chế tổ chức ăn uống, loại bỏ các lễ nghi, thủ tục rườm rà không cần thiết. Chính quyền các địa phương cần tích cực tuyên truyền nhân rộng các mô hình “lành mạnh hóa việc tang”, tăng cường vận động nhân dân thực hiện tiết kiệm trong cải táng. Sau khi cải táng cần bố trí người làm nhiệm vụ thu gom, xử lý những chiếc áo quan cũ, không vứt bừa bãi.

NGUYỄN GIA(Gia Lộc)

(0) Bình luận
Xóa bỏ những nét chưa đẹp trong việc cải táng