Xóa bỏ bạo lực gia đình

20/03/2015 07:36

Bạo lực là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống gia đình rạn nứt, tan vỡ. Để hạnh phúc đơm hoa, kết trái, mỗi gia đình và xã hội cần nỗ lực hơn nữa để xóa bỏ nạn này.



Các thành viên của Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình thôn Cáp, xã Hồng Dụ sinh hoạt định kỳ hằng tháng

Kẻ thù của hạnh phúc

Mơ ước kinh tế gia đình khấm khá, chị Nguyễn Thị V. (quê Kinh Môn) đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài nhưng không may công ty vỡ nợ phải về nước. Chị thường xuyên bị mẹ chồng và chồng đánh đập vì nghi toàn bộ tiền mà chị kiếm được ở xứ người đã gửi về cho bố mẹ đẻ. Chị đã phải bỏ về nhà mẹ đẻ nhưng chồng chị vẫn đe dọa khiến chị phải trốn đi ở nhờ. Cuối cùng, chị V. và chồng đã ra tòa ly hôn.

Không chỉ do nguyên nhân kinh tế, bạo lực gia đình (BLGĐ) còn nảy sinh từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống. Có thành kiến do nhà gái từng đem trả trầu cau nên từ khi về làm dâu, chị Nguyễn Thị M. ở TP Hải Dương chẳng mấy ngày được hạnh phúc. Hằng ngày, chị bị mẹ chồng xét nét từng lời ăn tiếng nói. Sống giữa mâu thuẫn mẹ chồng con dâu, chồng chị dần thay đổi tính cách, thường hay cộc cằn, gắt gỏng. Sau đó, anh thường xuyên có hành vi bạo lực với chị, vì những lý do rất nhỏ nhặt như chuyện cơm nước, con cái… Mặc dù Chi hội Phụ nữ ở khu dân cư nhiều lần can thiệp, song chồng chị vẫn chứng nào tật ấy. Bạo hành tiếp tục gia tăng, cuộc sống gia đình trở thành địa ngục, chị đã chủ động viết đơn ly dị.

Theo bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tình trạng BLGĐ ở tỉnh ta luôn là vấn đề nổi cộm. Nhiều vụ BLGĐ về tinh thần âm ỉ, khó phát hiện, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Từ năm 2009 -2014, trung bình mỗi năm tỉnh ta xảy ra gần 300 vụ BLGĐ, nạn nhân là phụ nữ, chiếm trên 80%. Trong đó không ít vụ nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người.

Cả cộng đồng vào cuộc

Xác định bạo lực là kẻ thù, nguyên nhân gây rạn nứt, tan vỡ hạnh phúc gia đình, ngay từ khi Luật Phòng, chống BLGĐ có hiệu lực, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc thi tìm hiểu luật; gặp gỡ, biểu dương các gia đình tiêu biểu; mở nhiều đợt tập huấn cho các cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở... Đặc biệt từ năm 2011, tỉnh ta đã triển khai đường dây nóng tư vấn về phòng, chống BLGĐ thường trực 24/24 giờ trong ngày. Mỗi năm, đường dây tiếp nhận trên 500 cuộc gọi yêu cầu tư vấn, trợ giúp. Năm 2014, đã tư vấn qua điện thoại và trực tiếp hơn 800 vụ. Sau khi được tư vấn, nhiều người đã áp dụng những biện pháp giải quyết phù hợp nhất cho bản thân và gia đình.

Hội Phụ nữ tỉnh xây dựng 186 “địa chỉ tin cậy” về phòng, chống BLGĐ tại 12 huyện, thị xã, thành phố nhằm giúp các nạn nhân bị bạo hành tạm lánh, hạn chế những rủi ro về sức khỏe, tính mạng. Điểm nhấn trong nỗ lực xóa bỏ BLGĐ là sự ra đời các mô hình phòng, chống BLGĐ. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh ta đã triển khai các mô hình, thành lập các câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững. Các CLB sinh hoạt mỗi tháng một lần, lồng ghép tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ với tuyên truyền chính sách về hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ; các kỹ năng ứng xử, giữ gìn hạnh phúc gia đình… Qua đó, đã xuất hiện nhiều điểm sáng trong công tác phòng, chống BLGĐ.

Năm 2010, xã Hồng Dụ được chọn làm điểm xây dựng mô hình phòng, chống BLGĐ của huyện Ninh Giang. Xã đã thành lập 5 CLB và nhóm phòng, chống BLGĐ, mỗi CLB thu hút 20 - 30 thành viên tham gia. Mỗi tháng, các CLB duy trì sinh hoạt một lần. Nhiều gia đình cả ông bà, bố mẹ, con cháu tham gia. Thông qua sinh hoạt CLB, các thành viên được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giải quyết mâu thuẫn, xây dựng gia đình hạnh phúc. Các nhóm phòng, chống BLGĐ lập danh sách các đối tượng có nguy cơ gây BLGĐ cao như nghiện rượu, đối tượng đã từng gây BLGĐ... để theo dõi, gặp gỡ tư vấn. Anh Nguyễn Đình Hiện, cán bộ văn hóa xã Hồng Dụ cho biết, thông qua các buổi sinh hoạt CLB theo chủ đề như xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc, chung tay phòng, chống BLGĐ, mẹ chồng nàng dâu... các thành viên trong CLB chia sẻ bí quyết giữ hạnh phúc gia đình. Từ năm 2010 đến nay, các nhóm và CLB tham gia hòa giải thành công trên 10 cặp vợ chồng có nguy cơ cao về BLGĐ. Từ Hồng Dụ, huyện Ninh Giang đã triển khai nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ ra 21 trong tổng số 28 xã.

CLB Phòng, chống BLGĐ thôn An Dương xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) được thành lập từ năm 2012 đã giúp nhiều chị em giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trước nhận thức chưa đúng đắn của một số người về BLGĐ, CLB đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về các quy định của pháp luật giúp mọi người thay đổi ứng xử với các thành viên trong gia đình. CLB đã hòa giải thành công hơn 10 trường hợp vợ chồng có mâu thuẫn.

Theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2008, tỉnh ta chọn xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) làm điểm triển khai mô hình can thiệp phòng, chống BLGĐ. Đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng được 205 CLB gia đình phát triển bền vững ở 41 xã, góp phần tích cực vào hoạt động công tác gia đình. Hằng năm, tình trạng BLGĐ trong tỉnh đã giảm, đặc biệt là các vụ việc nghiêm trọng. Năm 2009 xảy ra 532 vụ BLGĐ, năm 2014 chỉ còn 177 vụ.

Để xóa bỏ hoàn toàn BLGĐ cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả cộng đồng. Các cấp, các ngành cần kiện toàn, bổ sung hoàn chỉnh bộ máy quản lý nhà nước về công tác gia đình. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về gia đình, xây dựng gia đình, phòng, chống BLGĐ. Nhân rộng các mô hình tốt và tiếp tục xây dựng các mô hình mới về gia đình, phòng, chống BLGĐ…

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa bỏ bạo lực gia đình