Xin lỗi, luôn là từ dễ dàng để có thể nói ra sau khi bạn mắc sai lầm nào đó, như trọng tài người Hà Lan Danny Makkelie phải làm như vậy với Ronaldo và Bồ Đào Nha.
"Là một trọng tài, chúng tôi luôn phải đối mặt với những khó khăn để đưa ra được quyết định đúng, và tôi muốn nói rằng, quyết định đó cũng khiến tôi không vui vẻ một chút nào", Makkelie tội nghiệp thanh minh với những người bị ảnh hưởng bởi quyết định sai lầm của ông. Nhưng trong tình huống đấy, trọng tài người Hà Lan không nhận được sự trợ giúp từ VAR hay công nghệ Goal line, không một chút nào.
Phát điên vì VAR
Một người đồng đội cũ của Ronaldo (mà không nhiều người yêu bóng đá thế giới nhớ đến) Fernando Meira chỉ trích anh vì mất lý trí đến mức ném băng đội trưởng vì không được công nhận bàn thắng và bỏ đi khi trận đấu vẫn đang tiếp diễn.
Được ngồi đâu đó ngoài kia, dõi theo trận đấu qua màn hình, và nói những điều đầy tính cao thượng như Meira cũng dễ dàng không kém cú phá bóng của hậu vệ Serbia Stefan Mitrovic để từ chối bàn thắng của Ronaldo. Nhưng người ta không cần những nhà đạo đức học ở những tình huống xảy ra tranh cãi, có tính quyết định tới sự thành bại của một trận đấu.
Chắc hẳn CR7 không phải là tấm gương để noi theo vì cách xử sự thiếu chuẩn mực đấy, nhưng khi bạn bị lấy đi một chiến thắng, nó có thể là cơ hội để giành tấm vé trực tiếp tới Qatar để tham dự kì World Cup lớn cuối cùng trong sự nghiệp, thật là đạo đức giả, nếu như không nổi điên lên.
Nhưng cuối cùng thì ai mới là người có lỗi trong chuyện này, trọng tài chính Makkelie, Ronaldo hay Bồ Đào Nha đã quá nhợt nhạt và chỉ sống sót vào những phút cuối cùng của trận đấu, thật kì lạ, vì những điều như vậy luôn xảy ra trong bóng đá, ngay cả khi VAR đã được đưa vào sân cỏ, và không phải ai cũng có thể trở thành những nhà thể thao chân chính trong khoảnh khắc mất trí như thế.
Ronaldo không đơn độc trong cuộc chiến với công lý. Hoặc ít nhất là anh cũng nhận được sự đồng cảm từ Inigo Martinez của Tây Ban Nha, người phải nhận thẻ đỏ trong trận hòa Hi Lạp ở một tình huống mà hậu vệ người xứ Basque tin rằng, anh không phạm lỗi với tiền đạo của đối thủ trong vòng cấm, khi phá trái bóng trước khi va chạm với cầu thủ Hi Lạp. Tây Ban Nha phải chịu một quả phạt đền (oan uổng), đánh rơi chiến thắng và khởi đầu vòng loại World Cup 2022 một cách khổ sở.
"Tại sao lại không có VAR trong tình huống này, tôi không hiểu được vì sao lại như vậy, và chúng tôi không thể làm được gì hơn nữa", HLV Stephen Kenny cũng nổi điên lên khi Ai Len không được hưởng một quả phạt đền trong thất bại trước Serbia. Vâng, một lần nữa là Serbia, những người có vẻ như được hưởng lợi rất nhiều từ các trọng tài, hoặc trực diện hơn, là nhờ sự vắng mặt của VAR.
"Vào năm 2019, UEFA đã đề xuất với FIFA về việc triển khai VAR ở các vòng loại World Cup hiện tại. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên năng lực vận hành và hậu cần khiến UEFA phải trì hoãn việc triển khai VAR ở vòng bảng Europa League cũng như rút lại đề xuất triển khai VAR ở vòng loại khu vực châu Âu năm 2022", một thông báo ngắn gọn từ trang thông tin chính thức của UEFA giải thích cho lý do công nghệ VAR không xuất hiện để cứu rỗi cho Bồ Đào Nha.
Cũng như để trả lời cho câu hỏi đầy trách cứ của HLV Stephen Kenny, và chắc rồi, kể cả Inigo Martinez cũng hiểu được vì sao anh bị thổi phạt trong tình huống phá bóng mà không được thanh minh. Trước đó thì VAR cũng không được sử dụng trong vòng bảng UEFA Nations League vào mùa Thu năm 2020 và từ đó cho đến nay, công nghệ dù mang đầy tính tranh cãi này, cũng chưa bao giờ được sử dụng trong các trận đấu vòng bảng của đội tuyển quốc gia UEFA.
Hiển nhiên là UEFA không phải xin lỗi vì bất cứ những quyết định nào từ các trọng tài, họ được biện minh bởi cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra nhưng vấn đề là khi sự đòi hỏi về việc bảm đảm công bằng cho các bên tham gia trận đấu, giảm thiểu sai sót từ các quyết định của trọng tài như từng nói rất nhiều lần khi VAR và Goal line được đưa vào áp dụng từ năm 2018 đã không có được sự nhất quán.
Người ta hiểu rằng, không có VAR trong vòng loại World Cup 2022 bởi vì không phải sân vận động nào cũng có thể được trang bị vì sự đắt đỏ của nó, và vì quy tắc được cho là thống nhất, theo đó mọi trận đấu phải được tiêu chuẩn hóa và chơi theo cùng một quy tắc, đó là VAR cho tất cả, hoặc không có VAR cho bất cứ ai cả.
Và khi việc trang bị hậu cần cho mọi mặt sân ở tất cả 55 quốc gia thuộc UEFA là thách thức thì người ta quyết định rằng, các trọng tài đã là đủ cho một trận đấu.
Theo Thể thao & Văn hóa