Xí nghiệp Giao thông vận tải TP Hải Dương: Vướng mắc trong sắp xếp

31/05/2020 13:28

Đề xuất chuyển đổi Xí nghiệp Giao thông vận tải TP Hải Dương thành công ty cổ phần khó khả thi, hình thức, phương án cổ phần hóa còn nhiều nội dung chưa bảo đảm quy định.

Xí nghiệp Giao thông vận tải TP Hải Dương được giao quản lý, thu phí bến đò Hàn

Việc chuyển đổi Xí nghiệp Giao thông vận tải TP Hải Dương thành công ty cổ phần (CTCP) là cần thiết để thực hiện lộ trình đấu thầu quản lý, bảo trì đường bộ vào năm 2021 theo yêu cầu của tỉnh. Mặc dù vậy, hình thức, phương án cổ phần hóa (CPH) theo đề xuất của thành phố còn nhiều nội dung chưa bảo đảm quy định.

Xung quanh đề xuất cổ phần hóa

Xí nghiệp Giao thông vận tải (GTVT) TP Hải Dương là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Hải Dương, được thành lập tháng 3.1988. Đây là đơn vị sự nghiệp kinh tế, được giao quản lý 3 hạt đường, bến đò Hàn, đội quản lý bãi chôn lấp phế thải xây dựng... Hiện nay, xí nghiệp được UBND TP Hải Dương giao quản lý và sửa chữa thường xuyên 235 tuyến đường nội thị dài khoảng 380 km, vận hành 15 nút đèn tín hiệu và các cầu, hệ thống báo hiệu đường bộ.

Cuối tháng 5.2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1654/UBND-VP thực hiện phương thức đặt hàng, đấu thầu trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ do UBND cấp huyện quản lý. Theo lộ trình này, từ năm 2019, UBND cấp huyện phải chuyển đổi phương thức quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện từ giao kế hoạch sang đặt hàng. Thời gian đặt hàng đến hết năm 2020. Từ năm 2021 trở đi, việc bảo trì hệ thống đường huyện chuyển sang cơ chế đấu thầu. Do vậy, UBND cấp huyện phải có kế hoạch chuyển đổi mô hình các đơn vị quản lý đường bộ cho phù hợp.

Tháng 3 vừa qua, UBND TP Hải Dương đề nghị UBND tỉnh, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh xem xét cho phép chuyển Xí nghiệp GTVT TP Hải Dương thành CTCP. Ban lãnh đạo Xí nghiệp GTVT và UBND TP Hải Dương đề xuất chọn hình thức CPH là bán một phần vốn nhà nước hiện có. Dự kiến lần đầu sẽ bán từ 51 - 65% vốn nhà nước tại đơn vị và đến năm 2025 sẽ thoái 100% vốn nhà nước. Như vậy, lần đầu sau CPH, Xí nghiệp GTVT TP Hải Dương sẽ còn từ 35 - 49% vốn nhà nước.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất CPH của UBND TP Hải Dương đang vướng do không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh CPH đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện. Tại Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17.7.2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành CTCP, lĩnh vực mà Xí nghiệp GTVT TP Hải Dương đang thực hiện thuộc danh mục chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành CTCP. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan đến chuyển đổi được quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22.6.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định 22, Xí nghiệp GTVT TP Hải Dương lại không thuộc đối tượng điều chỉnh.

Không nên nửa vời

CPH là cần thiết để đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo cơ chế thực hiện dịch vụ mới, từ năm 2021 trở đi, việc bảo trì hệ thống đường huyện sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu. Theo phương án đề xuất CPH với tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ từ 35 -  49% thì theo Luật Đấu thầu, công ty này sẽ không được tham gia các gói thầu lựa chọn nhà thầu do UBND TP Hải Dương làm chủ đầu tư hoặc bên mời thầu.

Cùng với đó, UBND TP Hải Dương đã đề nghị UBND tỉnh cho cơ chế đặc thù, sau CPH từ 3 - 5 năm, Xí nghiệp GTVT tiếp tục được nhận đặt hàng để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường nội thị. Đề nghị này của TP Hải Dương không phù hợp theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP về điều kiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do không đáp ứng đủ các điều kiện.

Ngoài ra, theo số liệu báo cáo quyết toán tài chính của Xí nghiệp GTVT TP Hải Dương, từ năm 2017 - 2019, tổng tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí của đơn vị này duy trì ở mức ổn định, không biến động nhiều. Trong 3 năm liên tiếp, đơn vị không có lợi nhuận sau thuế. Thực tế này dự báo việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng để thu hút các nhà đầu tư mua khó khả thi.

UBND TP Hải Dương và Xí nghiệp GTVT cần rà soát lại, nếu không đủ điều kiện CPH nên tính đến phương án giải thể. Nếu Xí nghiệp GTVT đủ điều kiện và khả thi khi CPH, cần xem xét lựa chọn thoái 100% vốn nhà nước khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Việc thoái 100% vốn nhà nước sẽ đem lại nguồn thu tối đa cho ngân sách, giúp nâng cao hiệu quả quản trị cho doanh nghiệp, phù hợp với các quy định về đấu thầu, thúc đẩy cạnh tranh công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xí nghiệp Giao thông vận tải TP Hải Dương: Vướng mắc trong sắp xếp