Cho đến nay phim làm về đề tài chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979 rất hiếm, Thị xã trong tầm tay của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn là bộ phim xuất sắc nhất về đề tài này.
Nhiều năm qua, Thị xã trong tầm tay vẫn được khán giả đánh giá cao bởi lối kể đậm chất điện ảnh, một câu chuyện lay động lương tri con người và những triết lý sâu sắc của tác giả.
Bộ phim được hình thành từ truyện ngắn Thị xã trong tầm tay do đạo diễn Đặng Nhật Minh viết sau chuyến đi thực tế tại Lạng Sơn năm 1979. Những ngổn ngang suy nghĩ khi chứng kiến cảnh tượng đổ nát của thị xã sau cuộc tấn công của quân bành trướng Trung Quốc đã được đạo diễn Đặng Nhật Minh viết rồi tự chuyển thể thành phim.
Thị xã trong tầm tay là hành trình của một nhà báo tên Vũ lên Lạng Sơn viết bài phản ánh hậu quả của cuộc chiến biên giới năm 1979. Đứng trước một thị xã hoang tàn, nhà báo Vũ không chỉ giận sự phản bội của quốc gia láng giềng, anh còn giận chính mình.
Để có được vị trí ngày hôm nay và một lý lịch trong sạch không tì vết, Vũ đã phản bội người anh yêu thương nhất. Trở về quê hương của người yêu cũ, không biết cô sống chết nơi nào, nỗi hổ thẹn trào dâng trong lòng Vũ, buộc anh phải tự vấn lương tâm của chính mình.
Có một điều đặc biệt là Thị xã trong tầm tay đã tận dụng bối cảnh đổ nát của Lạng Sơn sau trận tấn công năm 1979 và biến thành một trường quay tự nhiên. Dù là phim truyện nhưng tự thân những thước phim ghi hình Lạng Sơn chẳng khác gì phim tài liệu, khiến bộ phim trở nên vô cùng chân thực. Khung cảnh đổ nát của thị xã Lạng Sơn đã nói lên tính chất phi nghĩa, sự dã man, tàn bạo của cuộc chiến.
Để bộ phim được nhớ lâu như vậy là cái tài của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Việc đạo diễn Đặng Nhật Minh chọn quay phim Nguyễn Hữu Tuấn cho thấy con mắt xanh của ông trong việc chọn cộng sự. Nguyễn Hữu Tuấn - một tay máy trẻ tài hoa thời đó - đã giúp Đặng Nhật Minh hiện thực hóa kịch bản tưởng như rất khó thể hiện bằng hình ảnh.
Xem Thị xã trong tầm tay sẽ thấy sự tinh tế của cả đạo diễn và quay phim thông qua rất nhiều chi tiết, hình ảnh mang tính biểu tượng. Đạo diễn Nhuệ Giang thời đó mới là sinh viên của trường điện ảnh cho biết lần đầu xem Thị xã trong tầm tay, chị đặc biệt ấn tượng bởi "những cảnh quay rất mượt mà, cảm xúc, gây cảm giác có thể chạm tay vào cảnh được".
Cách dựng đan cài hiện tại và quá khứ, nhịp nhàng đan xen giữa những suy nghĩ thực tại và hồi tưởng dần dần bóc tách từng lớp tâm lý phức tạp của nhân vật đã khiến cho bộ phim trở nên sâu sắc. Bằng cách phản ánh một vấn đề lịch sử phức tạp dưới hình thức của một câu chuyện tình, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã khiến cho bộ phim dễ cảm hơn, nhưng không vì thế mà mất đi sức nặng của tư tưởng.
Trong bộ phim đã có những cuộc trao đổi rất thẳng thắn, bày tỏ chính kiến của công dân, nghệ sĩ Đặng Nhật Minh trong vai nhà báo người Nhật. Khi nhà báo Nhật hỏi Vũ: "Có một thời họ từng đứng bên cạnh các anh trong một cuộc chiến lớn, vậy thì sự phản bội này bắt nguồn từ đâu?". Vũ đã trả lời: "Quả có một thời như vậy, nhưng một khi người ta đã theo đuổi những tham vọng, vụ lợi và ích kỷ, người ta có thể phản bội bất kỳ ai, kể cả những người thân của mình".
Theo hồi ký của đạo diễn Đặng Nhật Minh, ban đầu kịch bản của ông không được hội đồng thẩm định của Cục Điện ảnh duyệt vì bị đánh giá là thiếu kịch tính và kịch bản có những chi tiết động đến công tác tổ chức bị coi là nhạy cảm. Nhưng người đạo diễn này vẫn đi đến cùng lựa chọn của mình. Ông vẫn nói được những gì ông muốn nói mà không cần lên gân.
Trong khi nhiều bộ phim dần bị quên lãng theo thời gian, Thị xã trong tầm tayđã trở thành kinh điển. Đây là một bộ phim rất đáng xem để hiểu thêm về cuộc chiến biên giới rất khốc liệt, đã từng là một khoảng mờ trong lịch sử Việt Nam.
Theo Tuổi trẻ