Ra mắt vở chèo lịch sử cận đại Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm

05/08/2022 16:59

Trên sân khấu, câu chuyện về cuộc đời của nhà yêu nước Nguyễn Văn Cẩm được tái hiện qua trình thức ước lệ và dàn đế của sân khấu Chèo truyền thống.

Để chuẩn bị tham dự liên hoan sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc sắp diễn ra tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Nhà hát Chèo Thái Bình dàn dựng vở Chèo lịch sử cận đại mang tên “Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm” của tác giả Hoàng Luyện, Thạc sỹ Lê Thế Song chuyển thể, NSND Lê Hùng đạo diễn. Tác phẩm gồm 6 phần với sự tham gia của hơn 30 diễn viên của Nhà hát Chèo Thái Bình có nội dung ca ngợi người anh hùng yêu nước, tài giỏi, có chí khí Nguyễn Văn Cẩm khi dám đứng lên chống lại đế quốc cường quyền, mang hoài bão tìm lại con đường độc lập tự do cho dân tộc.

Đặc biệt, tác phẩm sẽ dựa trên những giai thoại có thực để thể hiện Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩn. NSND Lê Hùng cho biết: “Giai thoại vè cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm còn tồn tại rất nhiều trong dân gian. Về quê hương Thái Bình và làng cụ Kỳ Đồng sinh ra và lớn lên sẽ thấy giai thoại rất sinh động. Do đó, khi làm tôi cố gắng khắc họa trung thực nhất một con người yêu nước thương nòi như thế”.

ra mat vo cheo lich su can dai ky Dong nguyen van cam hinh anh 1

Một cảnh trong vở diễn

Trên sân khấu, câu chuyện về cuộc đời của nhà yêu nước Nguyễn Văn Cẩm được tái hiện qua trình thức ước lệ và dàn đế của sân khấu Chèo truyền thống. Những lớp diễn về tài ứng đối của Kỳ Đồng lúc nhỏ, khả năng thiên bẩm và tư tưởng yêu nước thấm lặn vào tư duy và đời sống đã dựng nên hình tượng của Kỳ Đồng, người được dân chúng rất yêu kính, mến mộ như một thủ lĩnh tinh thần.

Vở chèo “Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm” thể hiện niềm tự hào của người dân Thái Bình và người dân cả nước về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần cố kết dân tộc, xứng đáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo. Theo thạc sĩ Xuân Hồng, con của cố tác giả Hoàng Luyện: “Trong kho tàng tác phẩm để lại của cố tác giả Hoàng Luyện thì có một tác phẩm về cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, cụ là một danh nhân của Thái Bình nhưng cụ nổi tiếng và hoạt động mạnh ở Yên Thế, Bắc Giang, cụ phục vụ cho tiêu chí yêu nước thương dân, mong dân thoát khỏi ách đô hộ. Cho nên ở vùng Yên Thế vẫn còn câu nói thứ nhất cụ Kỳ thứ nhì cụ Thám”.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ra mắt vở chèo lịch sử cận đại Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm