Hằng ngày vẫn có nhiều loại xe tự chế, chở hàng cồng kềnh nguy hiểm đi lại nghênh ngang khắp các đường làng, ngõ phố...
Chiếc xe xích lô chở gần 20 tấm tôn, dài 8 m lưu thông trên đường Thống Nhất (TP Hải Dương)
Siết chặt hoạt động của các loại xe tự chế, chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm là việc cần làm ngay, tránh trường hợp “sự đã rồi” mới xử lý thì đã muộn.
Hiểm họa rình rập
Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể xe tự chế, chuyên chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm. Tuy nhiên, hằng ngày vẫn có nhiều loại xe này đi lại khắp các đường làng, ngõ phố. Trong đó nguy hiểm nhất là xe chở tôn không được buộc, bọc cẩn thận.
Khoảng 17 giờ ngày 2-10, tại ngã tư Cầu Cất (TP Hải Dương), một chiếc xe xích lô chở gần 20 tấm tôn có chiều dài 8 m nhưng chỉ được buộc qua loa bằng những chiếc dây vải. Những tấm tôn sắc lẹm, không được cuộn tròn hay che chắn. Thỉnh thoảng, người lái xe không giữ được thăng bằng, cả chồng tôn lắc qua lắc lại như thể sẽ đứt dây, rơi xuống bất cứ lúc nào. Chiếc xe "tử thần" cứ lù lù trên phố, đúng thời điểm mật độ xe cộ đi lại dày đặc. Nhiều người phải chủ động nhường đường vì sợ nguy hiểm đến tính mạng.
Chị Nguyễn Thị L. ở đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) vừa đón con đi học về tới ngã tư Cầu Cất cho biết: "Từ xa, nhìn thấy chiếc xe này tôi đã phải đi chậm lại và dặn con bám chặt. Không cẩn thận là mất mạng như chơi".
Ông Nguyễn Đình Hùng ở xã Gia Lương (Gia Lộc) chở thuê cho một cửa hàng kinh doanh tôn ở đường Lê Thanh Nghị. Mỗi ngày từ cửa hàng này có cả chục chuyến xe như vậy chở hàng đi khắp nơi cho khách. "Biết là nguy hiểm nhưng vì áp lực mưu sinh, chúng tôi cũng tặc lưỡi cho qua. Những chỗ đông người, tôi cố gắng đi thật chậm và cẩn thận", ông Hùng giãi bày.
Nhà máy cán tôn lợp Đô Nga nằm cạnh quốc lộ 5A, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) cũng nườm nượp những chuyến xe tự chế chở tôn đi giao khắp nơi trong tỉnh. Dù có ô tô chuyên chở nhưng tại đây vẫn luôn có từ 3-4 chiếc xe kéo loại 3-4 bánh gắn vào đuôi xe máy, chờ sẵn để chở tôn cho những khách lẻ. Một người làm thuê tên Việt ở đây cho biết chỉ với những hợp đồng lớn hoặc khách hàng ở xa, nhà máy mới sử dụng đến ô tô để vận chuyển tôn. Chi phí vận chuyển bằng các xe kéo, xe tự chế chỉ bằng 1/10 so với vận chuyển bằng ô tô, lại có thể đi sâu vào các ngõ ngách.
Cấm nửa vời
Cuối tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội, chỉ trong 3 ngày đã xảy ra 2 vụ tai nạn thương tâm đều liên quan đến xe chở tôn. Một cậu bé 10 tuổi trong lúc chơi đùa cùng các bạn đã va vào tấm tôn sắc nhọn trên chiếc xe xích lô đỗ ven đường, tử vong ngay trên đường đi cấp cứu. Bà Bùi Thị Xuân trú tại Yên Thủy (Hòa Bình) đang ngồi chờ xe buýt tại cầu Mai Lĩnh thì bị phần xe kéo chở tôn tuột khỏi xe lao vào. Bà Xuân bị tôn cứa vào cổ chết.
Tại Hải Dương, tuy chưa xảy ra vụ việc tương tự nhưng hiểm họa từ các các loại xe chở hàng cồng kềnh, trong đó có xe chở tôn vẫn luôn rình rập.
Điều đáng nói là các chủ phương tiện thường tự gắn thêm phần xe kéo vào xe máy, không theo tiêu chuẩn. Hầu hết các xe đều cũ kỹ, không bảo đảm an toàn. Má phanh có khi được chủ phương tiện tận dụng từ những chiếc lốp cũ, thậm chí còi xe cũng không có. Xe không đủ an toàn, lại chở hàng cồng kềnh, quá tải, càng khiến nguy cơ tai nạn dễ xảy ra.
Một số trường hợp khác thì phần thùng của xe xích lô được gắn với xe gắn máy hoặc xe xích lô vốn để chở người cũng bị tận dụng chở lượng hàng hóa lớn. Khi đi qua những đoạn đường đông hoặc gặp lực cản, che khuất tầm nhìn, chủ phương tiện rất dễ mất thăng bằng, đe dọa đến sự an toàn của những người tham gia giao thông.
Theo quy định, chở hàng hóa cồng kềnh có thể bị xử phạt từ 200.000 - 400.000 đồng. Tuy nhiên, việc quản lý, thanh tra, rà soát và xử lý vi phạm các loại phương tiện này chưa đủ mạnh, thiếu đồng bộ. Một số địa phương giải quyết vấn đề từ gốc bằng cách tịch thu, tháo dỡ các loại xe tự chế. Nhiều nơi khác, việc xử phạt còn mang tính hình thức, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, chủ phương tiện sau khi nộp phạt lại tiếp tục tái diễn. Ngoài ra, nhiều người lao động còn chủ quan, biết rõ nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo, sẵn sàng nhắm mắt làm liều.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đối với các phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải. Việc tịch thu, tháo dỡ các loại xe tự chế, mất an toàn nên được áp dụng đồng bộ ở các địa phương để siết chặt hoạt động vận tải của các phương tiện này. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ các chủ phương tiện có cơ hội tìm việc làm mới, bởi đa số họ là người lao động có thu nhập thấp...
LÊ HƯƠNG