Xe công-ten- nơ - "hung thần" quốc lộ

08/06/2010 05:44

Lưu thông một cách vô lối, bất tuân luật lệ, ô-tô công-ten-nơ đã trở thành nỗi ám ảnh đối với mọi người đi đường. Hằng năm, có tới vài chục người chết và hàng chục người khác bị thương do phương tiện này gây ra.


Cán bộ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt xử lý xe công-ten-nơ vi phạm trên quốc lộ 37 đoạn qua huyện Chí Linh.

Những "ông trời con"

Thống kê chưa đầy đủ của PC26 (Công an TP Hải Phòng) cho thấy, thành phố này hiện có khoảng 4.500 đầu kéo công-ten-nơ và xấp xỉ 5.000 rơ-moóc được đăng ký lưu hành. Gần 100% số phương tiện này lưu thông qua địa bàn tỉnh ta, trên các tuyến quốc lộ 5, 37 và 18. Căn cứ tự trọng và trọng tải của loại phương tiện này thì công-ten-nơ buộc phải chấp hành quy định: đi vào phần đường bên phải theo hướng lưu thông. Tuy nhiên, có một thực tế, nếu đi cùng làn đường với mô-tô, xe gắn máy thì quãng đường khoảng 100km từ Hải Phòng tới Hà Nội sẽ mất gần 4 giờ. Để bảo đảm kịp giờ giao, nhận hàng hoặc tăng chuyến, nhiều lái xe công-ten-nơ sẵn sàng phạm luật, chạy sai làn đường với tốc độ cao, đè vạch, vượt trong điều kiện không được phép và... chấp nhận nộp phạt. Chạy nhanh xe công-ten-nơ tạo ra một lực hút lớn, rất dễ gây tai nạn.

Phía sau vô-lăng, phần nhiều là các gương mặt non choẹt, những "ông trời con" trên quốc lộ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tài xế công-ten-nơ coi thường tính mạng người tham gia giao thông, không chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông, còn phương tiện thì thường xuyên là “tác giả” của các vụ tai nạn. Trong đó, lý do dễ nhận thấy nhất là, các đoàn xe công-ten-nơ đều thuộc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh, sẵn sàng đàm phán với gia đình các nạn nhân để bồi thường khi có người thiệt mạng hoặc bị thương. Ngoài việc các doanh nghiệp sẽ đứng ra dàn xếp với các gia đình nạn nhân khi có tai nạn, các lái xe công-ten-nơ còn luôn “yên tâm” bởi phương tiện và hàng hóa đều được bảo hiểm với số tiền lớn. Trong vụ TNGT do 2 công-ten-nơ gây ra đầu năm nay tại km65+700 quốc lộ 5 đoạn qua thôn Đông, xã Cổ Dũng (Kim Thành), trong khi các cơ quan chức năng đang phải căng sức xử lý tai nạn làm tắc đường bộ và làm chậm 2 chuyến tàu qua đường sắt Hà-Hải, thì lái xe Hoàng Trung Đức (sinh năm 1983, ở Đại Hợp, Kiến Thụy, TP Hải Phòng), người điều khiển công-ten-nơ 16M-5887 lại tìm nhờ các phóng viên chụp ảnh phương tiện tai nạn để... làm bảo hiểm. Không chỉ coi thường tính mạng người đi đường, nhiều lái xe công-ten-nơ còn nổi tiếng ngang ngược, bất hợp tác với cơ quan chức năng, thậm chí tấn công cả cảnh sát giao thông. Điển hình là vụ tháng 3 vừa qua, một lái xe công-ten-nơ đã dùng dao tấn công lực lượng cảnh sát giao thông huyện Kim Thành do bị xử lý về hành vi dừng, đỗ sai quy định.

Tai họa do những “lái xe hung thần”

Theo thống kê của Trạm Cảnh sát giao thông Ba Hàng, chỉ tính riêng trên quốc lộ 5 từ đầu năm đến nay, xe công-ten-nơ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 10 vụ TNGT gây chết người (chưa tính những vụ không có thiệt hại về người), cướp đi sinh mạng của 10 người và làm 5 người khác bị thương. Thực tế đã chứng minh, đa số các vụ TNGT nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có sự “góp mặt” của xe công-ten-nơ. Ngày 13-5 vừa qua, dư luận xã hội hết sức bàng hoàng trước vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do công-ten-nơ gây ra, làm chết 4 người và làm 2 người bị thương trên quốc lộ 5, đoạn qua xã Kim Xuyên (Kim Thành). Liên quan đến vụ tai nạn này, lái xe Nguyễn Văn Hưng sinh năm 1977 ở Vũ Thượng, Ái Quốc (TP Hải Dương) đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Lúc 4 giờ 30 sáng 31-1-2010, 9 người đang ngủ trong 2 gia đình các anh Nguyễn Đức Dưỡng và Bùi Quang Việt ở Lai Khê, xã Cộng Hoà (Kim Thành) may mắn thoát chết khi xe công-ten-nơ 16H-6098 đâm đổ sập cả 2 ngôi nhà. Trước khi lao vào 2 ngôi nhà trên, chiếc xe đã phá đổ gần 20 mét dải phân cách giữa làn xe cơ giới với làn xe thô sơ. Về đêm và sáng sớm là lúc xe công-ten-nơ đi nhiều nhất (để tránh sự kiểm soát của cảnh sát giao thông) và thường gây tai nạn vào thời gian này. Do lưu thông khi không có cảnh sát giao thông, đường vắng nên các xe công-ten-nơ thường di chuyển với tốc độ cao, lái xe mất tập trung hoặc buồn ngủ. Một số lái xe công-ten-nơ thường xuyên sử dụng chất gây nghiện hoặc chất ma túy khi điều khiển phương tiện...

Đối phó với tình trạng vi phạm của công-ten-nơ, có lúc lực lượng cảnh sát giao thông phải xây dựng hẳn chuyên đề riêng để xử lý; thậm chí, phải đề nghị C26 (Bộ Công an) tăng cường cán bộ về ứng trực cùng cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở. Tuy nhiên, đối với các lái xe công-ten-nơ “thuộc từng ổ gà” trên các quốc lộ thì có quá nhiều cách đối phó với cảnh sát giao thông. Trong đó, phổ biến nhất là thông báo bằng điện thoại và làm tín hiệu khi 2 xe đi ngược chiều.

Chưa bao giờ việc xe công-ten-nơ gây tai nạn lại diễn biến phức tạp như hiện nay, cũng chưa biết đến bao giờ tình trạng này mới được cải thiện. Tuy nhiên, trước mắt vẫn cần tăng cường xử lý mạnh tay, nghiêm khắc đối với từng hành vi vi phạm của loại phương tiện này. Song song với xử lý, cơ quan chức năng cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục lái xe. Đồng thời, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo, rà soát, bảo đảm đội ngũ lái xe có đủ sức khỏe, đạo đức, tôn trọng pháp luật giao thông... mới được ngồi sau vô-lăng của loại phương tiện này.

TIẾN HUY


Có một câu chuyện truyền miệng trong giới tài xế rằng, lái xe công-ten-nơ có thể chấp nhận cán chết nạn nhân chứ không để người đó bị thương do số tiền bỏ ra bồi thường người chết thấp hơn so với chi phí phải chữa trị và nuôi dưỡng người bị thương. Tính xác thực của thông tin này chưa được kiểm chứng và thực tế trên địa bàn tỉnh ta chưa từng xảy ra chuyện này, song ở một số địa phương khác đã từng có chuyện lái xe công-ten-nơ cố tình lùi xe vài lần cán qua người nạn nhân cho chết hẳn.


(0) Bình luận
Xe công-ten- nơ - "hung thần" quốc lộ