Xây những mái ấm yêu thương cho trẻ

01/06/2022 05:25

Để trẻ được an toàn, vai trò, trách nhiệm của gia đình là quan trọng nhất. Đây cũng là thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm nay.

Trẻ em luôn cần được quan tâm chăm sóc để phát triển cả thể chất, tinh thần (Ảnh có tính chất minh họa)


Với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay có thông điệp quan trọng là “Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình”.

Tránh xa bạo lực

“Yêu cho roi cho vọt” là quan niệm của rất nhiều gia đình trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Không ít phụ huynh coi quát mắng, dùng roi để đánh trẻ khi không nghe lời là chuyện bình thường. Quan niệm này là một trong những nguyên nhân khiến bạo hành trẻ em trong gia đình xuất hiện ngày càng nhiều. Chị Nguyễn Thị H. ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) thừa nhận trong giáo dục con cái đôi khi không kìm được nóng giận nên đã đánh hoặc quát mắng con. Bản thân chị cũng không biết đó là hành vi bạo lực với trẻ. “Đánh con xong tôi luôn cảm thấy rất hối hận. Thậm chí tôi còn có những lời nói không chuẩn mực ảnh hưởng đến tâm lý của con”, chị H. chia sẻ.

Dùng bạo lực là hình thức giáo dục trẻ một cách tiêu cực. Cách đây hơn 2 tháng, dư luận không khỏi xót xa, bàng hoàng trước việc cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội bị nhân tình của mẹ đóng đinh vào đầu đến tử vong. Tại Hải Dương, vào tháng 3.2021, vụ mẹ đẻ đánh đập dã man con gái 6 tuổi ở Cẩm Giàng phải nhập viện làm dậy sóng dư luận. Đầu tháng 5 vừa qua, cũng tại địa phương này một người mẹ trẻ đã cùng con nhỏ 2 tuổi và 9 tháng tuổi tự tử ở sông Thái Bình khiến nhiều người xót xa. Dù hành động, tội ác của những người gây họa cho trẻ bị trừng trị nhưng vấn đề bạo hành trẻ em từ chính người thân trong gia đình vẫn nhức nhối.

Theo đại diện Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), những vụ bạo hành trẻ em được phát hiện chỉ là “tảng băng chìm”. Nhiều trẻ em bị bạo hành, thậm chí bị chính những người thân trong gia đình xâm hại mà chưa được bảo vệ. Nguyên nhân xuất phát từ chính quan niệm “yêu cho roi cho vọt”. Ngay cả khi hàng xóm hay người quen biết thấy trẻ bị người thân của mình đánh đập cũng không dám lên tiếng vì quan điểm “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Những người thân trong gia đình chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật bảo vệ trẻ em nên mới có hành vi bạo hành với trẻ.

Ngôi nhà an toàn

Khảo sát nhanh của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện đầu năm nay tại 7 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy có tới hơn 40% số người lớn ở vùng nông thôn không biết về Luật Trẻ em. Số trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục rất thấp, chỉ chiếm 10,4% tổng số trẻ em được khảo sát; tỷ lệ cha mẹ có thông tin về bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em càng thấp hơn, chiếm 8,6% tổng số người được khảo sát. Theo đánh giá của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), trong hơn 2 năm diễn ra dịch Covid-19, số trẻ em bị bạo hành trong gia đình có xu hướng tăng. Riêng năm 2021, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm 72,8% số ca bạo hành trẻ em, tăng 5,3% so với năm 2020. Điều này cho thấy việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình đối với bảo vệ, chăm sóc trẻ em rất quan trọng.

Thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và nhiều tổ chức, đoàn thể của các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, giám sát việc chăm sóc, giáo dục trẻ em trong gia đình. Chương trình “Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương” năm 2022 do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phát động đã góp phần chăm lo tốt hơn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế được phần nào hành vi bạo hành trẻ. Nhiều mô hình, chương trình chăm sóc trẻ em cũng được thực hiện như: “Gia đình an toàn”, “Gia đình văn hóa”, “Trường học hạnh phúc”… Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 70% số xã, phường phù hợp với trẻ em. Ngay khi học sinh trở lại trường sau một thời gian nghỉ vì dịch Covid-19, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên và các nhà trường đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề nhằm trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân của trẻ em, phòng tránh bị xâm hại, bạo lực, xây dựng những mái ấm an toàn...

Trong tháng hành động vì trẻ em năm 2022, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tích cực truyền thông, tư vấn, hỗ trợ, giám sát phòng ngừa bạo lực trẻ em. Các địa phương huy động các nguồn lực để triển khai tháng hành động, tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, bảo đảm 100% số nạn nhân được phát hiện, hỗ trợ... Đây đều là các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức để chấm dứt bạo lực với trẻ em, giúp các em phát triển toàn diện.

Những vụ việc đau lòng liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em thời gian qua cho thấy điều quan trọng nhất là những người thân trong gia đình phải xóa bỏ tư tưởng giáo dục con bằng bạo lực. Cha mẹ cần kiềm chế cảm xúc, thường xuyên lắng nghe, đối thoại với các con để tìm ra cách giáo dục tốt nhất.

Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quý I.2022, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) đã tiếp nhận 202.098 cuộc gọi đến; tư vấn 10.603 ca, tăng 3.333 ca tương ứng với 45,8% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đáng quan tâm là số trẻ em bị bạo lực do chính những người thân trong gia đình có xu hướng tăng và chiếm đến hơn 70% số ca gọi điện đến thông báo, tư vấn. 

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây những mái ấm yêu thương cho trẻ