Tỉnh ta đã quy hoạch được một số vùng chăn nuôi tập trung (CNTT) có quy mô từ 3 ha trở lên, để nuôi gia cầm giống và gia cầm thịt, nuôi lợn xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao, an toàn dịch bệnh so với chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán.
|
Trang trại Tám Lợi ở xã Ái Quốc (TP Hải Dương) nuôi 90 nghìn con gà đẻ trứng thương phẩm và 60 nghìn con gà hậu bị, thu lãi hằng năm trên 700 triệu đồngẢnh: Thành Chung
|
Hiện tại, các huyện Kim Thành, Gia Lộc, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Bình Giang và Nam Sách đã thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi lợn phục vụ xuất khẩu. 8 huyện, thị xã phát triển được vùng chăn nuôi gia cầm giống, gia cầm thịt tập trung. 5 huyện quy hoạch khu CNTT với diện tích 3 ha trở lên gồm: 2 dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại ở xã Bình Xuyên (Bình Giang); dự án đầu tư xây dựng khu CNTT giống lợn ông bà và giống lợn thịt công nghệ cao ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ), dự án trang trại kinh tế nông nghiệp (xã Đồng Lạc, Nam Sách) và dự án xây dựng khu công nghiệp tập trung giống gia cầm thiết bị kỹ thuật hứng trứng (xã Ninh Thành, Ninh Giang). Trong 5 dự án này đã có 3 khu đi vào hoạt động cho hiệu quả tốt, còn 2 khu đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết bị chăn nuôi và nhập lợn.
Cùng với các khu CNTT, tỉnh ta đã có 24.407 hộ nông dân tổ chức chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại; với 655 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Trong đó, có 102 trang trại chăn nuôi lợn, 25 trang trại chăn nuôi gia cầm, 528 trang trại chăn nuôi tổng hợp. Có 565 hộ tham gia dự án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, quy mô 5 con trở lên/hộ, với tổng số 5.942 con. Điều dễ nhận thấy là, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung đã tạo điều kiện để áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chất lượng con giống và sản phẩm đầu ra được bảo đảm... CNTT tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường; trình độ nhận thức về chăn nuôi và công tác thú y của các chủ trang trại được nâng cao; việc phòng, chống dịch bệnh thuận lợi và bảo đảm. Đây là những yếu tố tích cực thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững.
Về hiệu quả kinh tế, tại các vùng CNTT, lợn nái giống 100% máu ngoại có trọng lượng xuất chuồng 12-16 kg, cao hơn lợn thường (50% máu ngoại) 4 kg. Hiện dự án của tỉnh hỗ trợ 204 con nái ngoại, mỗi năm doanh thu tăng 642 triệu đồng. Bò thịt chất lượng cao 22 tháng tuổi đạt trọng lượng 220-250 kg/con, cao hơn khoảng 60 kg/con so với giống bò vàng địa phương. Với mức giá 45.000 đồng/kg thịt bò hơi, thì mức thu nhập tăng thêm do tăng trọng bình quân của 5.942 con đạt khoảng 16 tỷ đồng. Hằng năm, số lượng giống gia cầm tiến bộ kỹ thuật được sản xuất có giá bán cao hơn con giống thường khoảng 3.000 đồng/con. Một trang trại xuất bán bình quân 10.000 con gà giống/năm, có mức tăng thu nhập do chênh lệch giá bán là 30 triệu đồng/năm/trang trại, cả tỉnh là 750 triệu đồng (25 trang trại).
Bên cạnh những thuận lợi, phát triển CNTT trên địa bàn còn gặp khó khăn: Mặc dù các khu CNTT đều có hệ thống xử lý chất thải nhưng do không được giải quyết triệt để nên môi trường không khí, nguồn nước xung quanh các khu trang trại và gia trại vẫn thường xuyên bị ô nhiễm. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi thường tăng cao, giá bán sản phẩm không ổn định và dịch bệnh chưa được khống chế là những yếu tố bất lợi để khuyến khích chăn nuôi phát triển. Mặt khác, CNTT thường đòi hỏi một lượng vốn lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức tín dụng thì rất khó phát triển.
Từ thực tế trên, để CNTT ở tỉnh ta phát triển theo hướng bền vững, các cấp, các ngành cần phải có quy hoạch và tạo điều kiện hỗ trợ nông dân về giống, vốn; đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp; tăng cường tập huấn hướng dẫn kỹ thuật để người chăn nuôi có lãi và yên tâm sản xuất… tạo tiền đề để chăn nuôi của tỉnh trở thành lĩnh vực sản xuất chính và chiếm một tỷ trọng lớn trong ngành nông nghiệp.
TRẦN TIẾN DUẨN