Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”.
Rất nhiều những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, về sự tận tâm, tận lực của những cô giáo, thầy giáo sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, hy sinh cho sự nghiệp trồng người đang cần được nhân lên mỗi ngày. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
Theo đó, 100% trường học phải xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử.
Học ứng xử từ những điều nhỏ nhất
Học sinh phải được dạy văn hoá xếp hàng, tự phục vụ, sử dụng mạng xã hội lành mạnh, đó là những điều tưởng nhỏ, tưởng như được học lại nhưng vẫn sẽ là phần quan trọng trong Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” vừa được Chính phủ thông qua.
Mục tiêu chung của đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa.
Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, bộ quy tắc không quy định chung chung kiểu như học sinh phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như học sinh gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay giáo viên gặp học sinh phải niềm nở, vui vẻ… có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát, đánh giá được.
Cụ thể, giai đoạn 2018–2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử đó phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, ban hành quy định về quy tắc ứng xử trong trường học, sử dụng từ năm học 2018-2019; ban hành Quy định tiêu chuẩn trường học xanh, sạch, đẹp.
Hàng năm có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; có ít nhất 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.
Giai đoạn 2021–2025, các tỷ lệ tương ứng là 100%, 95% và 95%.
Đề án cũng đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức trong trường học về xây dựng văn hóa ứng xử; Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử; Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử; Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử; Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.
Trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học, như: văn hóa xếp hàng nơi công cộng, triển khai nguyên tắc tự giáo dục (tự phục vụ) trong các hoạt động liên quan (thư viện, căng tin, trực nhật...).
Đáng chú ý, việc đưa ra những quy định, giáo dục học sinh, sinh viên việc sử dụng mạng xã hội được đề ra tại Đề án lần này. Theo đó, từ chính thực tiễn cuộc sống, Đề án yêu cầu tăng cường giáo dục, định hướng để học sinh, sinh viên sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, khởi nghiệp, giải trí lành mạnh; thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng.
Xây dựng chuyên đề, tài liệu, giáo dục tổ chức các hoạt động về giáo dục văn hóa ứng xử trong chương trình đào tạo giáo viên trong các cơ sở đào tạo sư phạm để xây dựng đội ngũ nhà giáo gương mẫu, có lòng tự trọng, nhân cách và lối sống văn hóa.
Tăng tính hiệu quả của văn hóa ứng xử trong trường học
Trên thực tế, việc xây dựng văn hóa ứng xử đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ lâu dưới nhiều hình thức tuy nhiên kết quả mang lại chưa cao. Từ những vụ việc không mong muốn xảy ra trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo gấp rút đưa ra đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025, một mặt yêu cầu tăng cường an toàn trường học, một mặt yêu cầu tăng cường văn hóa ứng xử, quy tắc ứng xử trong nhà trường, giữa thầy cô và học sinh, giữa học sinh và học sinh cũng như giữa thầy cô và phụ huynh.
Giáo sư, Tiến sỹ Dương Xuân Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về vấn đề văn hóa ứng xử giữa thầy và trò: “Đã đến lúc tất cả những mong muốn tốt đẹp cần thiết được quy chế hoá để nó có cơ sở hiện thực hoá và bảo đảm không bị biến dạng. Những quy định về mối quan hệ thầy- trò trong sáng, lành mạnh, cao đẹp và công bằng cần được phổ biến cho toàn thể xã hội cũng nhận thức và thực hành ứng xử, trước hết để thầy và trò cùng nhau thể hiện tạo nên nét đẹp văn hoá thầy trò, văn hoá học đường và dần trở thành truyền thống, đạo lý của người Việt Nam hiện đại, hành trang của con người Việt Nam trong hội nhập quốc tế.”
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, việc xây dựng và triển khai đề án là hết sức cần thiết. Hiện nay các trường sư phạm đang “bỏ quên” việc dạy đạo đức, kỹ năng ứng xử sư phạm cho những giáo viên tương lai.
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, trong quy tắc ứng xử trong trường học nhất thiết phải đề cao giá trị tôn trọng. Giáo viên tôn trọng học sinh, cho học sinh quyền được lên tiếng, bày tỏ suy nghĩ của mình. Ngược lại, học trò cũng phải tạo điều kiện để người thầy làm việc, phát huy sáng tạo của mình. Chỉ khi nhà trường thực sự dân chủ, ứng xử trên nguyên tắc biết lắng nghe nhau, tôn trọng nhau thì mới có thể ngăn chặn được vấn nạn bạo lực học đường.
Nêu quan điểm về những vấn đề trên, thầy giáo già Nguyễn Trà - người có hơn 40 năm đứng trên bục giảng, gần 30 năm sau khi về hưu gắn bó với các cô cậu học sinh còn nhiều khó khăn, cho rằng, quan trọng hơn cả là việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Khi ấy, chương trình giáo dục phổ thông mới với việc tăng thời lượng dành cho các môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác được xây dựng chú ý đến thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn văn hóa ứng xử trong trường đóng vai trò làm cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”.
Thầy Trà chia sẻ, “Tiên học lễ, hậu học văn” bắt nguồn từ những điều tưởng đơn giản nhất, như cách xưng hô giữa thầy và trò. Dạy kiến thức có thể dễ nhưng dạy làm người mới là điều khó hơn tất thẩy.
Theo nhiều chuyên gia góp ý tại Hội thảo "Góp ý dự thảo Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học", muốn Đề án đi vào cuộc sống tốt, cần xác định người thầy đóng vai trò dẫn lối. Thầy không chỉ dừng lại ở truyền thụ kiến thức mà còn xây dựng nét đẹp văn hóa người thầy để làm gương cho học sinh. Những điển hình hay, những gia đình, những trường học giáo dục được lòng tự trọng hiệu quả cho học sinh trong thời gian qua cần được nhân rộng được một cách có thực chất, hiệu quả.
L.SƠN (Báo Tin tức)