3 năm trước, xã Thượng Đạt đã xây dựng mô hình Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho cây cà chua.
Trung bình mỗi sào cà chua ở xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) cho thu lãi từ 5-10 triệu đồng
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng chọn cà chua Thượng Đạt để thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất rau quả tươi an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm” nhằm xây dựng thương hiệu riêng cho loại quả này. Nhờ đó, cà chua Thượng Đạt đã được Công ty CP Nông sản thực phẩm Hải Dương Xanh phân phối, tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C, Intimex Hải Dương và nhiều cửa hàng bán nông sản an toàn. Tuy nhiên đến năm 2016, sau khi đề tài kết thúc, cà chua Thượng Đạt không còn xuất hiện trong siêu thị hay chuỗi cửa hàng nông sản an toàn do giấy chứng nhận VietGAP hết hiệu lực.
Để tìm lại giá trị của cà chua Thượng Đạt, đưa loại nông sản tiêu biểu của địa phương trở lại siêu thị sau một thời gian vắng bóng, ngay trong năm 2016, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thượng Đạt đã thuê gần 1 ha đất của người dân và giao cho các thành viên trong HTX sản xuất cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian tới, HTX sẽ xây dựng thí điểm 100 m2 nhà lưới và chủ động liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cà chua Thượng Đạt.
Hiện tại, TP Hải Dương đã phê duyệt Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, trong năm 2017-2018, UBND thành phố giao xã Thượng Đạt tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Cà chua Thượng Đạt” với quy mô 20 ha, trong đó có 0,5 ha sản xuất trong nhà lưới và 1 ha sản xuất ngoài trời được tưới tự động; còn lại sản xuất theo quy trình VietGAP. HTX Dịch vụ nông nghiệp có trách nhiệm liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, HTX sẽ liên kết với Công ty CP GreenFarm Mộc Châu (Sơn La) để cung ứng cà chua tại chuỗi các siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn.
Ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thượng Đạt cho biết để thương hiệu cà chua Thượng Đạt có chỗ đứng trên thị trường còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cần hoàn thiện các thủ tục để được cấp nhãn hiệu tập thể. “Trước mắt, chúng tôi cần sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện các thủ tục cấp nhãn hiệu. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ trực tiếp trồng cà chua. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để người dân nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm do chính họ làm ra”, ông Tuấn nói.
Xã Thượng Đạt hiện trồng 25 ha cà chua ở các thôn Đông Giàng, Thượng Triệt, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 900 tấn; nông dân thu lãi bình quân từ 5-10 triệu đồng/sào/vụ.
MAI LINH