Xây dựng nông thôn mới không chỉ có làm hạ tầng

28/06/2016 20:17

Trong phiên thảo luận tổ chiều 28-6, các đại biểu giành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề xây dựng nông thôn mới.



Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Chung

Phải khảo sát đời sống ở những xã NTM

Ông Vũ Doãn Quang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng việc xây dựng nông thôn mới (NTM) phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân nhưng thời gian qua việc xây dựng NTM mới ở tỉnh ta chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Chưa có một khảo sát nào về đời sống nhân dân ở những xã đã NTM. Đi đôi với đó là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở nhiều nơi đáng báo động. Do đó, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng NTM, tổ chức tổng kết những việc đã làm được và chưa làm được, để từ đó đề xuất các biện pháp nâng cao đời sống nhân dân, hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Đại biểu Nguyễn Văn Hồng (Chí Linh) kiến nghị khi nhân dân hiến đất làm đường, lùi nhà, tường bao vào đã xảy ra tình trạng cột điện nằm giữa đường. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thị xã. Lãnh đạo thị xã đã nhiều lần kiến nghị với ngành điện có biện pháp giải quyết tình trạng này nhưng ngành điện nói rất khó khăn, phải làm kế hoạch, dự án…

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Vũ Hồng Khiêm (Cẩm Giàng) cho biết huyện Cẩm Giàng cũng đã nhiều lần đề nghị ngành điện giải quyết vấn đề này nhưng ngành điện nói chỉ có thể hỗ trợ kỹ thuật, còn nhân lực, chi phí di dời địa phương phải tự lo.

Ông Nguyễn Văn Tường, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản ở nông thôn đáng báo động. Nhiều địa phương không huy động được sức dân khiến nợ đọng rất lớn. Nhiều xã làm xong NTM nhưng nợ đọng quá nhiều, không có khả năng thanh toán. Đây là gánh nặng cho ngân sách của tỉnh.

Đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) đề nghị tỉnh cần tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ xi măng để hoàn tất hệ thống đường giao thông nông thôn, đặc biệt giao thông nội đồng. Khi hệ thống giao thông nội đồng hoàn thiện sẽ tạo thuận lợi cho người dân tiêu thụ nông sản. Đại biểu Mạnh cho rằng trong xây dựng NTM rất cần hỗ trợ từ ngân sách, chỉ huy động sức dân không thấm tháp vào đâu. "Một xã của huyện có 8.600 dân. Xã huy đã động từ người già đến trẻ em đóng góp 1 triệu/người mới được hơn 8 tỷ đồng. Con số này chẳng thấm tháp vào đâu khi kinh phí xây dựng 1 xã NTM từ 30-40 tỷ đồng. Do đó cần phải có sự hỗ trợ từ ngân sách, từ các doanh nghiệp", đại biểu Mạnh nói.

Đại biểu Mạnh cho biết trên thị trường, phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng diễn ra phức tạp. Thị trường đang xuất hiện loại phân bón trung tính nhưng không rõ thành phần, đăng ký lập lờ nhưng vẫn tồn tại trên thị trường. Thị trường thuốc trừ sâu cũng rất phức tạp, người dân không phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả.

Cần có cơ chế thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Việc sản xuất nông sản sạch được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách) cho biết phải có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lĩnh vực chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Cơ chế, chính sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất nông sản sạch chưa tốt. Tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như hỗ trợ việc tích tụ đất, thuế sử dụng đất... "Chúng ta ký kết nhiều hiệp định thương mại tư do song phương, đa phương và chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên nông sản của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu chúng ta không thu hút được doanh nghiệp vào lĩnh vực này thì sản phẩm của chúng ta làm ra sẽ rất khó bán", đại biểu Phạm Mạnh Hùng nói.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) đề nghị tỉnh sớm có cơ chế thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản. Huyện Kinh Môn đang thu hút dự đầu tư chế biến sắn dây, song tỉnh vẫn chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ. Theo đại biểu Hùng, ngay từ bây giờ cần tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu nông sản Hải Dương. Nếu không, khi gia nhập TPP, nông sản Hải Dương sẽ gặp khó khăn. Cần kiên quyết thực hiện việc sản xuất nông sản sạch, an toàn với người tiêu dùng. Đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi tư tưởng chỉ biết lợi trước mắt của nông dân. Nên chọn mô hình điểm, chấp nhận hụt thu trong thời gian đầu. Cùng quan điểm, ông Lê Đức Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho rằng cần ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiêu thủ công nghiệp của địa phương như giầy da Hoàng Diệu...

Đại biểu Vũ Hồng Hiên (Bình Giang) cho rằng cần phải tính toán trước những khó khăn khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Một tập đoàn khá lớn đang muốn đầu tư trồng rau sạch ở Bình Giang nhưng việc tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp này đang gặp khó khi người dân chưa đồng tình.
Đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) cho rằng sau dồn điền đổi thửa người dân rất phấn khởi nhưng lại đang phát sinh vướng mắc mới. "Khi ruộng to thì phải sản xuất theo quy môn lớn. Đơn cử việc tưới cũng gặp nhiều khó khăn. Khi hình thành các vùng chuyên canh cây rau màu thì phải có hệ thống tưới tự động mà kinh phí lớn nên người dân không đủ lực để đầu tư. Vừa rồi, huyện cố gắng mới chuyển được 100 ha chuyển sang trồng cây rau màu mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn nhưng kinh phí hạn chế, không thực hiện được trên diện tích rộng". Đại biểu Mạnh đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng sau khi dồn điền đổi thửa.

NHÓM PV


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nông thôn mới không chỉ có làm hạ tầng