Xây dựng nhà máy chế biến củ cải: Bắt tay gỡ khó cho nông dân

01/04/2018 07:24

Công ty Lavifood, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Công ty ILMI Hàn Quốc sẽ hợp tác xây dựng nhà máy thu mua và chế biến củ cải tại Hải Dương.

Ông Đinh Hùng Dũng, Phó Tổng giám đốc Lavifood cho biết, việc hợp tác xây dựng nhà máy, hứa hẹn giải quyết đầu ra cho nông dân trồng củ cải tại khu vực phía Bắc. Sản phẩm của nhà máy sẽ hướng tới các thị trường có văn hóa ẩm thực sử dụng nguyên liệu củ cải như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, hay những nước Hồi giáo như Indonesia, Malaysia. Sản phẩm của nhà máy sẽ đạt yêu cầu hội nhập quốc tế. Từ củ cải, có thể làm ra rất nhiều sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Khi nhà máy đi vào hoạt động ở Việt Nam, cũng cung cấp các sản phẩm liên quan đến củ cải, cải thảo, các loại kim chi, rau củ muối chua cho thị trường trong nước. Có thể hiện nay ít doanh nghiệp hoạt động trong ngành này, nhưng hứa hẹn khoảng 5 năm tới, lượng người tiêu dùng tăng, những ông lớn cũng sẽ nhảy vào, lúc đó tính cạnh tranh sẽ cao hơn. Càng cạnh tranh người nông dân càng có lợi.

Theo ông Dũng, nhà máy liên doanh giữa Lavifood và ILMI đặt tại khu công nghiệp VSIP ở Hải Dương, có công suất 15.000 tấn thành phẩm mỗi năm. Đây là vùng nông dân trồng nhiều loại rau củ khác nhau nên sản phẩm của nhà máy đa dạng, chủ yếu là củ cải, cải thảo, dưa leo, cà rốt... Với củ cải đường kính lớn, có thể cho ra sản phẩm cuốn, thay cho lá xà lách mà người Việt thường sử dụng. Loại có đường kính nhỏ hơn và ngắn sẽ cắt sợi mỏng, có thể muối chua hoặc để ăn sống như dưa leo, làm kim chi, phơi khô, sấy khô rồi muối... Từ các loại củ này có thể làm đến hàng trăm sản phẩm. Quy cách bao bì sản phẩm cũng tính đến sự thuận tiện trong sử dụng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh cuộc sống nhộn nhịp, bận rộn, mang tính chất công nghiệp.

Dự kiến vào tháng 8, nhà máy bắt đầu khởi công xây dựng, đến tháng 5-2019 là có thể đi vào hoạt động. Với công suất 15.000 tấn thành phẩm mỗi năm, cần vùng trồng nguyên liệu khoảng 600 ha, gồm củ cải, dưa leo, cải thảo, cà rốt. Trong đó củ cải chiếm khoảng 2/3, trung bình nguyên liệu cần khoảng 60.000-70.000 tấn củ cải. Dự kiến, các xã, huyện ven sông Hồng đang chuyên canh các loại rau củ đều phù hợp trồng củ cải, không nhất thiết chỉ tập trung ở Hải Dương. Trước mắt, nhà máy sẽ chọn các vùng trồng củ cải sẵn có để làm cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu, bởi nông dân đã quen trồng, hiểu cây củ cải và thị trường, nên dễ dàng tiếp cận việc chuyển đổi.

Về tình trạng nông sản thừa ế dẫn tới nhiều cuộc “giải cứu” như hiện nay, ông Đinh Hùng Dũng cho rằng, việc giải cứu chỉ góp phần giải quyết được một phần nhỏ chứ chưa làm tận gốc rễ. Xã Tráng Việt hiện nay đã được các ban, ngành, doanh nghiệp, chung tay giải cứu 1.500-2.000 tấn củ cải. Giờ còn sót lại khoảng hơn trăm tấn, Lavifood sẽ mua hết.

Ông Đinh Hùng Dũng cho rằng, để giải quyết được vấn đề gốc rễ cần phải có nhà máy chế biến, vừa giúp tiêu thụ ổn định nông sản địa phương, vừa góp phần làm tăng giá trị của nông sản, đồng thời có thể tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu. “Cùng một lúc chúng ta giải quyết được hai vấn đề vừa công nhân vừa nông dân, còn ở góc độ thương mại, chúng ta đã đa dạng hóa sản phẩm để có thể hòa vào dòng thương mại thế giới” – ông nói.

Khi nhà máy đi vào hoạt động, ông Đinh Hùng Dũng cho biết giá mua củ cải sẽ ký kết trên cơ sở hạch toán cụ thể để nông dân thấy được lợi nhuận. Khi cung cấp đúng loại giống đạt tiêu chuẩn, áp dụng khoa học kỹ thuật dưới hình thức cánh đồng lớn để tăng sản lượng, chất lượng, tiết giảm chi phí các công đoạn trồng trọt theo quy trình, thu hoạch bằng máy móc thì lợi nhuận sẽ cao. Mỗi năm củ cải có thể trồng hai vụ, tổng thời gian là sáu tháng, sáu tháng còn lại trồng các loại rau củ khác. Như vậy, đây là chìa khóa để chuyển đổi trên cơ sở hạch toán thực tế khi làm việc với nông dân trong tình trạng hiện nay thu nhập từ rau củ còn thấp.

Nhà máy tại Hải Dương là trong giai đoạn trước mắt là một nhà máy. Sau này, trong quá trình liên kết trồng với nông dân, sẽ có đánh giá từng giai đoạn thực hiện. Ông Dũng nói: “Về mặt lý thuyết thì một nhà máy không đủ. Nếu tăng công suất nhà máy ở Hải Dương để mua nguyên liệu của tất cả các vùng về chế biến thì sẽ bị hạn chế bởi hậu cần logistics, chi phí sẽ tăng, nên có thể phải có các cơ sở vệ tinh ở vùng khác”.

Củ cải là một trong những loại rau củ được ưa chuộng ở Hàn Quốc. Người Hàn Quốc sử dụng củ cải rất nhiều trong bữa ăn bằng các cách chế biến đa dạng. Ở Hàn Quốc còn sử dụng lá củ cải phơi khô bằng gió chứ không phơi nắng trực tiếp để muối chua, ăn cháo nóng.

Hiện tại, ILMI là công ty chuyên chế biến củ cải, kim chi, các loại rau củ muối chua có uy tín tại Hàn Quốc. Hiện nhà máy bên Hàn Quốc đã hết công suất và họ cũng đang mở rộng thị trường bán sản phẩm sang các nước Đông - Bắc Á, Đông - Nam Á, đặc biệt Trung Quốc. ILMI nhận ra một điểm sáng ở Lavifood là ngoài kinh doanh thuần túy, các nhà máy còn quan tâm tới các vấn đề xã hội, gắn liền với người nông dân. Ông Đinh Hùng Dũng tự tin cho rằng, liên doanh Lavifood và ILMI sẽ đi xa được với nhau. Ông cũng tự tin về hiệu quả khi so sánh tình trạng của người nông dân trước và sau khi hợp tác với nhà máy sẽ có sự khác biệt theo chiều hướng đi lên. “Trước mắt chúng ta phải hạch toán kỹ càng và làm tốt từng giai đoạn theo kế hoạch” – ông nói.

Theo Nhân dân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nhà máy chế biến củ cải: Bắt tay gỡ khó cho nông dân