Từng bị bạo hành, thậm chí bị đuổi khỏi nhà, nhưng giờ đây nhiều phụ nữ đã có cuộc sống an toàn trong chính ngôi nhà của mình.
Hải Dương đã có nhiều hoạt động trong phòng chống bạo lực gia đình. Trong ảnh: Một hoạt cảnh tại Hội thi Câu lạc bộ Phát triển gia đình bền vững tỉnh Hải Dương năm 2022 góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực gia đình cho người dân
Hòa giải
Là người tỉnh khác về thị trấn Gia Lộc làm dâu, chị T., gần 40 tuổi đã từng bị mẹ chồng đánh, đuổi ra khỏi nhà cách đây 2 năm. Nguyên nhân vì chị T. và chồng xảy ra cãi vã, chị T. nghi ngờ chồng có người khác. Quê xa, không có họ hàng thân thích tại đây, khi bị đuổi chị T. không có nơi nào để nương nhờ. Lúc này chị T. được một số chị em chỉ đến ở nhờ tại một “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, mô hình do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị trấn Gia Lộc xây dựng dành cho phụ nữ bị bạo hành.
Chị Dương Thị Lụa, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Gia Lộc và một số cán bộ chi hội phụ nữ đã đến nói chuyện với mẹ chồng chị T. Lúc đầu, mẹ chồng chị rất bức xúc, cho rằng người xung quanh không hiểu chuyện gia đình bà, con dâu cãi lại… Tuy nhiên, khi được những cán bộ phụ nữ tận tình khuyên giải, bà đã bình tâm hơn. Mẹ chồng chị T. đã cho phép con dâu về nhà ngay trong ngày. Từ đó đến nay, gia đình chị T. đã êm ấm trở lại.
Cũng như chị T., đến nay vợ chồng chị D. cùng ở thị trấn Gia Lộc đã vui vẻ, hạnh phúc sau nhiều chông gai. Chị D. nhớ lại, nhiều năm trước có khi 1 tháng ít nhất chị bị chồng đánh 1 lần, có lần còn chảy máu đầu. Theo chị, mâu thuẫn gia đình từ việc chồng chị có quan hệ với người phụ nữ khác mới dẫn đến tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Không biết nhờ cậy ai, chị D. tìm đến cán bộ Hội LHPN ở địa phương để nhờ hỗ trợ. Sau nhiều lần cán bộ phụ nữ ở cơ sở đến nhà chị D. nói chuyện, hòa giải, 2 vợ chồng được chia sẻ mọi khúc mắc, sau đó mâu thuẫn đã được giải quyết. “Những năm gần đây, chồng tôi rất thương yêu vợ con, không còn nóng nảy như trước. Nếu không có sự can thiệp của các chị em cán bộ hội, chi hội, chắc giờ gia đình tôi không được yên ấm như này”, chị D. nhớ lại.
Dù không có được cái kết đẹp như vợ chồng chị T., chị D. thì nhiều người phụ nữ khác cũng tránh được cảnh bị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” trong chính ngôi nhà của mình. Một phụ nữ ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) cũng từng xảy ra cãi vã với gia đình chồng. Người này chia sẻ, vợ chồng chị có con nhỏ 1 và 2 tuổi, ở cùng bố mẹ chồng, tuy nhiên chồng không quan tâm vợ con, có mối quan hệ khác bên ngoài, khi mâu thuẫn còn bạo hành vợ. Nhận được thông tin này, chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Bình đã đến tận nhà tìm hiểu thực hư, khuyên vợ chồng họ bình tâm chuyện trò, chia sẻ để thấu hiểu nhau hơn. Sau đó, do không hợp nhau, vợ chồng người này đã “đường ai nấy đi”, tránh việc bạo hành nhau.
Nỗ lực từ các cấp hội
Thực tế có không ít phụ nữ bị bạo hành, ngược đãi trong ngôi nhà của chính mình. Tuy nhiên, tại Hải Dương những năm gần đây tình trạng bạo hành phụ nữ và trẻ em ngày càng giảm. Kết quả này không thể không nhắc đến nỗ lực của các cấp Hội LHPN trong phòng chống bạo lực gia đình. Những năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã xây dựng hàng trăm mô hình như “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, gia đình phát triển bền vững, mẹ chồng nàng dâu, nuôi dạy con tốt… thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia, góp phần tuyên truyền pháp luật hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em trong gia đình.
Chị Trịnh Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết thời gian tới công tác phòng chống bạo lực gia đình sẽ tiếp tục được các cấp hội quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua Cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 có, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động giai đoạn 2022-2026, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Từ tháng 9 năm nay, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng hướng dẫn thực hiện cuộc vận động này, trong đó nếu như tiêu chí “3 sạch” vẫn giống ở cuộc vận động giai đoạn trước (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) thì tiêu chí “5 có” nay là "có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa". Trong đó, một trong những tiêu chí của "có ngôi nhà an toàn" là môi trường sống an toàn để các cá nhân trong gia đình được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành; các thành viên trong gia đình được yêu thương, chia sẻ, bình đẳng, tôn trọng, gắn kết và bảo đảm an toàn về tính mạng, thân thể, tinh thần, sức khỏe, an toàn trong gia đình và trong không gian mạng; không bạo lực, xâm hại về thể chất, tinh thần, kinh tế.
Nhiều năm qua, các cán bộ phụ nữ trong tỉnh, vốn là những người vợ, người mẹ, bằng sự thấu hiểu, tận tâm của mình đã tham gia nhiều mô hình phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả, góp phần trả lại “ngôi nhà an toàn” cho chính những người phụ nữ từng bị bạo hành. Cuộc vận động xây dựng "gia đình 5 có, 3 sạch” dù mới được các cấp Hội LHPN khởi xướng, nhưng trên nền những mô hình cũ hiệu quả, tin rằng sẽ đạt kết quả cao, góp phần phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
BÌNH AN