Cần tiếp thu cái mới, mạnh dạn gạt bỏ cái lạc hậu, trì trệ, biết tích hợp giữa truyền thống và hiện đại, thường xuyên hợp tác chặt chẽ, trao đổi thông tin kịp thời...
Thông thường, với bất kỳ một con người thành đạt nào cũng được sống, học tập và rèn luyện trong một môi trường giáo dục với sự tác động thống nhất của các lực lượng giáo dục. Bởi vậy, khi bước vào năm học mới, chúng ta cần xây dựng được môi trường giáo dục trong đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa các bậc phụ huynh học sinh với các thầy cô giáo và các tổ chức đoàn thể trong xã hội. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện thành công bốn nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2011 - 2012, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, trước mắt là thực hiện việc giảm tải chương trình giáo dục các cấp.
Sự đổi mới toàn diện của đất nước có ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Là một bộ phận trong môi trường giáo dục thống nhất, các bậc phụ huynh phải thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức đoàn thể trong xã hội để kịp thời nắm bắt các thông tin về con cháu, trên cơ sở đó có biện pháp giáo dục thích hợp. Nhiệm vụ chủ yếu của các bậc phụ huynh trong mối liên kết tay ba của môi trường giáo dục thống nhất là xây dựng cho các cháu những nền nếp mang tính chất gia phong, dựa trên những tiêu chí của gia đình văn hóa, gia đình hiếu học. Gia đình cùng với những mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ, ông bà và cháu chắt, anh chị và các em chính là trường học đầu tiên giáo dục các hành vi đạo đức, phẩm chất trí tuệ, thẩm mỹ và thể chất cho các cháu. Đó là những tiền đề quan trọng để hình thành nhân cách của mỗi con người.
Xét về phía nhà trường, cần tạo ra không gian sư phạm mẫu mực với sáu giá trị cơ bản: Trật tự và kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương, khuyến khích sáng tạo và hiệu quả. Cần tăng cường chất lượng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Sự phát triển của xã hội trong thời đại ngày nay, cũng như sự mong mỏi của các bậc phụ huynh đòi hỏi nhà trường mà trong đó lực lượng nòng cốt là các thầy cô giáo phải đồng tâm, quyết chí trong quá trình thực hiện phương châm : “Dạy thật - Học thật - Thi thật - Chất lượng thật”. Có làm được như vậy nhà trường mới lấy được niềm tin của nhân dân. Đó cũng là cách làm tốt nhất góp phần đổi mới thực trạng giáo dục hiện nay.
Tính lô-gích của môi trường giáo dục thống nhất đòi hỏi gia đình và nhà trường phải thường xuyên có sự liên hệ chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể trong xã hội. Vì đó là những lực lượng không thể thiếu trong quá trình thực hiện quan điểm “xã hội hóa giáo dục”. Đó cũng là cánh tay nối dài của nhà trường trong khi thực hiện nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với thực tiễn”. Các tổ chức đoàn thể trong xã hội là bộ phận quan trọng để thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục và xây dựng xã hội học tập.
Kinh nghiệm thực tiễn cho hay, ở những nơi nào xây dựng được môi trường giáo dục thống nhất giữa gia đình, nhà trường và các lực lượng xã hội, đồng thời tạo ra được những hoạt động chung giữa các bậc phụ huynh với các thầy cô giáo và học sinh thì hiệu quả giáo dục sẽ đạt được kết quả cao.
Cần nhạy cảm tiếp thu cái mới, mạnh dạn gạt bỏ cái lạc hậu, trì trệ, biết tích hợp giữa truyền thống và hiện đại, thường xuyên hợp tác chặt chẽ, trao đổi thông tin kịp thời, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng đơn vị, trong đó nhà trường giữ vai trò chủ đạo, nhất định chúng ta sẽ sớm xây dựng được môi trường giáo dục thống nhất, lành mạnh, có hiệu quả.
TS. PHẠM TRUNG THANH(Đại học Thành Đông)