Hai năm qua, ngành du lịch trong cả nước lâm vào tình trạng gần như “chết lâm sàng” vì đại dịch Covid-19.
Hải Dương cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Năm 2020, toàn tỉnh đón gần một triệu lượt khách du lịch, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, số khách tham quan chỉ đạt khoảng 13.690 lượt, giảm 98% so với năm 2020. Toàn tỉnh có 345 cơ sở lưu trú thì hầu hết dừng hoạt động trong 2 năm 2020-2021. Tất cả các doanh nghiệp lữ hành đều cơ bản dừng hoạt động.
Những người làm dịch vụ trong ngành này mà tôi quen đã không thể cầm cự mà chuyển sang nghề khác. Có giám đốc công ty du lịch đi làm môi giới bất động sản. Có hướng dẫn viên du lịch chuyển qua bán hàng online. Có người thuê khách sạn để kinh doanh gần như phá sản… Không chỉ có nguồn nhân lực bị hao hụt mà cơ sở hạ tầng, các phương tiện phục vụ du lịch “đắp chiếu nằm đấy” trong 2 năm qua cũng bị hư hỏng ít nhiều.
Từ dịp Tết Nguyên đán vừa qua, với những quy định mới về phòng chống dịch, nhiều địa điểm du lịch trong cả nước đã đông khách trở lại. Trong 9 ngày nghỉ dịp lễ (từ ngày 29.1- 6.2.2022), ngành du lịch đã đón khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, tổng thu ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Các điểm du lịch tại Hải Dương cũng thu hút đông đảo khách tham quan. Đây là dấu hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành du lịch.
Ngày 16.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến các bộ, cơ quan về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15.3.2022. Theo đó, từ ngày 15.3, việc cấp visa cho khách nước ngoài không còn bị hạn chế, trở về như trước khi có dịch Covid-19, tạo điều kiện cho du khách nước ngoài. Trên internet, tôi đã thấy các công ty du lịch vui mừng thông báo nhận khách đăng ký tour.
Song để phục hồi sau một thời gian dài ngưng trệ, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người làm du lịch vực dậy để tiếp tục làm nghề như giảm thuế, giảm tiền ký quỹ, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên... Và khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp thì các hoạt động du lịch phải có những thay đổi thích ứng với trạng thái bình thường mới. Những thay đổi này đều hướng tới việc bảo đảm an toàn cho du khách, không khiến dịch bệnh lây lan, đồng thời không đánh mất sự hấp dẫn của chuyến đi.
Tại các điểm tham quan, nơi lưu trú, dịch vụ ăn uống… cần ứng dụng nhiều thiết bị không tiếp xúc hiện đại như vòi nước cảm ứng, cửa đóng/mở tự động… và thực hiện các dịch vụ “không chạm” để hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Ví dụ du khách có thể nhận và trả phòng mà không cần tiếp xúc với nhân viên hướng dẫn, dọn dẹp. Việc bán vé thực hiện qua các ứng dụng điện tử để tránh tập trung đông người… Cần đầu tư, phát triển các loại hình du lịch có tính an toàn cao như “một điểm đến, đa trải nghiệm”; các loại hình du lịch về những nơi hoang sơ, biệt lập như vùng núi, đảo kết hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thể thao cá nhân; du lịch theo nhóm nhỏ và trải nghiệm theo chuyên đề…
Trong năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch gồm 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 400.000 tỷ đồng. Để có thể biến những con số này thành hiện thực thì cần có sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, đội ngũ doanh nghiệp và người lao động cùng xây dựng bộ mặt mới an toàn và hấp dẫn cho du lịch Việt Nam.
THÁI HÒA