Tổng Bí thư: Các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm" sắc bén

15/09/2021 10:49

Các cơ quan nội chính là lực lượng nòng cốt, trung kiên, là "thanh bảo kiếm" sắc bén và "lá chắn" vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 15.9, Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối 138 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các quân khu, quân chủng, binh chủng, bộ tư lệnh và các đơn vị tương đương thuộc Bộ Quốc phòng. Tham dự Hội nghị có hơn 4.600 đại biểu đại diện các cơ quan nội chính Trung ương và địa phương. 

Tại điểm cầu Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan nội chính ở Trung ương.

Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan nội chính tỉnh cùng dự tại điểm cầu Hải Dương. 

Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung ương Phan Đình Trạc trình bày Báo cáo tóm tắt “Tình hình, kết quả công tác nội chính nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Góp phần từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, các cơ quan nội chính đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nổi bật là, các cơ quan nội chính, tích cực, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn về nội chính, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Các cơ quan nội chính đã tích cực, chủ động tham mưu sơ kết, tổng kết kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; nghiên cứu, tham mưu nhiều chủ trương, chính sách lớn, có ý nghĩa cơ bản, chiến lược, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.

Các cơ quan nội chính đã nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ ban hành gần 200 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; hoàn thiện hệ thống pháp luật… góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tạo cơ sở chính trị- pháp lý siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, xử lý vi phạm và tội phạm; từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Các cơ quan nội chính thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Các cơ quan nội chính, nhất là lực lượng Quân đội, Công an đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; nắm chắc tình hình, tham mưu, xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Quân đội, Công an luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của nhân dân... Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, cùng với ngành y tế là ba lực lượng trọng yếu, tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ an sinh xã hội, xứng đáng là Quân đội của nhân dân, Công an của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Công tác tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khắc phục oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc đạt cao, năm sau cao hơn năm trước và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, nhất là điều tra, xử lý kịp thời nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào một nền tư pháp dân chủ, công bằng, nghiêm minh (tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự đạt trên 82%, tỷ lệ giải quyết các vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra đạt trên 94%; tỷ lệ truy tố các vụ án hình sự đạt trên 98%; tỷ lệ giải quyết vụ việc, xét xử các vụ án đạt gần 98%). Công tác thi hành án hình sự và dân sự tiếp tục được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ thi hành án dân sự hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao. 

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87.000 đảng viên vi phạm. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh của Đảng. Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 580 nghìn tỷ đồng, gần 9.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 9.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị khắc phục nhiều sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.


Các cơ quan nội chính thực hiện tốt vai trò tiên phong, chủ công trong đấu tranh, tạo bước đột phá phát hiện, xử lý tham nhũng, góp phần từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cơ quan nội chính đã quán triệt và thực hiên nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp, kịp thời phát hiện, tham mưu chỉ đạo xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thực hiện: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào”. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 1.202 vụ/2.649 bị can, truy tố 1.141 vụ/2.731 bị can, xét xử sơ thẩm 1.100 vụ/2.663 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 18 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên, đạt tỷ lệ trung bình hằng năm hơn 32% so với số tiền có điều kiện thi hành, tăng gấp 03 lần so với nhiệm kỳ trước. 

Tổ chức bộ máy của các cơ quan nội chính được củng cố, kiện toàn, ngày càng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nội chính và với các ban, bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Cac co quan noi chinh phat huy vai tro nong cot xay dung va bao ve TQ hinh anh 1

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Từ thực tiễn công tác nội chính trong thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, các cơ quan nội chính rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện của Đảng đối với các cơ quan nội chính nói chung; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang nói riêng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, phải luôn giữ vững định hướng chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Các cơ quan nội chính phải thường xuyên gắn bó mật thiết với nhân dân, quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, là trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động tấn công; phát hiện, đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, phạm tội. Trong đó, giữ vững bên trong, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, cơ bản, lâu dài, giữ nước từ khi nước chưa nguy; phát hiện, xử lý kịp thời là đột phá, quan trọng.


Các cơ quan nội chính với nhau và với các cơ quan, tổ chức liên quan phải có sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, kịp thời và với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở quy định của Đảng, Nhà nước; thường xuyên tổng kết thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm, bổ sung những vấn đề mới, cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện lý luận về công tác nội chính. 

Các cơ quan nội chính thường xuyên xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, chăm lo đội ngũ cán bộ, coi đây là nhiệm vụ then chốt. Cán bộ, chiến sĩ các cơ quan nội chính phải gương mẫu, tâm huyết, phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cái sai; giữ mình trong sạch, liêm chính; đồng thời phải nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có hiểu biết tương đối toàn diện, xử lý, giải quyết công việc một cách khoa học, biện chứng, thấu lý, đạt tình.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cơ quan nội chính Trung ương chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách lớn về công tác nội chính; phát huy tốt hơn nữa vai trò nòng cốt bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Các cơ quan nội chính phát huy hơn nữa vai trò chủ công, nòng cốt, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng; xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính thực sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường hợp tác quốc tế về công tác nội chính.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương

"Thanh bảo kiếm" sắc bén và "lá chắn" vững chắc

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của các cơ quan nội chính trong hệ thống chính trị, với nhiệm vụ chung, bao trùm là tham mưu cho Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. “Các cơ quan nội chính là lực lượng nòng cốt, trung kiên, là "thanh bảo kiếm" sắc bén và "lá chắn" vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của các cơ quan nội chính trong nhiệm kỳ XII của Đảng, nhất là thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Các cơ quan nội chính thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân. Các cơ quan nội chính tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính được củng cố, kiện toàn; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nội chính ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. 

Ghi nhận và biểu dương sự lao động, chiến đấu, hy sinh quên mình của bao lớp cán bộ, chiến sĩ, công chức trong các cơ quan nội chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nêu rõ: “Các đồng chí là đội quân xung kích, nòng cốt, đội quân của sức mạnh và ý chí tiến công cách mạng, sẵn sàng có mặt ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi nhân dân cần, Đảng phân công và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các đồng chí là đội quân có kỷ luật, luôn trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.... Các đồng chí đã tạo dựng được hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong lòng nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.”

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, các cơ quan nội chính phải luôn nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải “đúng vai thuộc bài”; thực sự am hiểu, nắm vững, nắm chắc các nguyên tắc, pháp luật, quy chế, quy định; chủ động dự báo sớm, đánh giá đúng tình hình, nhận diện rõ các nguy cơ để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các giải pháp bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự, có chương trình hành động cụ thể, chặt chẽ, bài bản, khoa học.

Các cơ quan nội chính tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước; xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, cần tập trung triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, trật tự, chủ động ngăn ngừa, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, không được để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không để hình thành các "điểm nóng" về an ninh trật tự.”

Phối hợp “hiệp đồng tác chiến” 

Nhấn mạnh nhiệm vụ công tác nội chính hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phối hợp, "hiệp đồng tác chiến" giữa các cơ quan nội chính và giữa các cơ quan nội chính với các cấp, các ngành, bảo đảm chặt chẽ, thường xuyên, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng ở đây không có nghĩa là "dĩ hòa vi quý", nhân nhượng vô nguyên tắc, cùng bỏ qua sai phạm của nhau, mà phải gắn liền với thực hiện kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ. Trong thực thi nhiệm vụ phải công tâm, khách quan, tuân thủ pháp luật, có dũng khí, có bản lĩnh, động cơ trong sáng, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Khi có vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì các cơ quan cùng ngồi lại bàn bạc, tìm tiếng nói chung, thống nhất để cùng triển khai thực hiện, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây"; mọi vấn đề vướng mắc phải được bàn bạc, giải quyết triệt để, thấu đáo, hợp lý, hợp tình, có sức thuyết phục, trên tinh thần đồng chí, anh em, tuân thủ pháp luật và quy định của Đảng.”

Các cơ quan nội chính đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững; tập trung xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Các cơ quan nội chính cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với những vi phạm, bất kể người đó là ai; gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần được đẩy mạnh, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.

Khước từ mọi cám dỗ, giữ danh dự người cán bộ nội chính

Các cơ quan nội chính phải luôn luôn tôn trọng nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, học hỏi nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết yêu cầu công việc của dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quân đội của chúng ta là Quân đội nhân dân, Công an là Công an nhân dân, Viện kiểm sát là Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án là Tòa án nhân dân, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ,… có nghĩa là chúng ta đều là công bộc, là đầy tớ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Do vậy, chúng ta phải luôn luôn gắn bó với nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết; cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải tránh, phải cương quyết ngăn ngừa; thậm chí ai vi phạm thì phải bị trừng trị”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các cơ quan nội chính tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Các cấp ủy và tổ chức đảng phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ của ngành Nội chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành Nội chính hoàn thành tốt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa trọng trách của mình trước yêu cầu mới của giai đoạn mới. 

Cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính luôn cảnh giác, tỉnh táo, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, lối sống; phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng; bản thân phải liêm, phải sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào; thực sự công tâm, khách quan “phụng công thủ pháp”, chí công vô tư; phải là những “bao công” trong thời đại mới. “Phải có trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng hành động vì nước, vì dân; có cái đầu đầy bản lĩnh và trí tuệ để khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; có đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để đứng vững, đứng thẳng và khước từ mọi sự cám dỗ tầm thường, giữ danh dự của người cán bộ nội chính”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan nội chính sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TTXVN - PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng Bí thư: Các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm" sắc bén