Bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư: Nhiều nơi gặp khó

18/05/2022 12:00

Theo Hướng dẫn số 04-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025, toàn tỉnh sẽ bố trí 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư.


TP Chí Linh đặt mục tiêu bố trí 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. Trong ảnh: Đảng viên Chi bộ Ninh Chấp 5, phường Thái Học bầu Trưởng khu dân cư làm Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025


Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương trên ở một số nơi đang gặp khó.

Khó tìm người gánh được cả “hai vai”

Toàn huyện Kim Thành hiện còn 10 trong tổng số 90 thôn, khu dân cư chưa bố trí được bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn. Trong huyện cũng có 8 chi bộ thôn, khu dân cư thực hiện bí thư chi bộ do cán bộ, công chức xã kiêm nhiệm. Hiện nay huyện đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị công tác nhân sự để bầu trưởng thôn, khu dân cư trước khi tiến hành đại hội chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025. Theo Ban Tổ chức Huyện ủy, qua rà soát ở các địa phương cho thấy để đạt mục tiêu 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư còn nhiều khó khăn. Trong nhiệm kỳ tới, tại một số thôn trong huyện vẫn phải thực hiện cán bộ, công chức xã kiêm nhiệm bí thư chi bộ thôn do khó khăn về nguồn nhân sự. "Trình độ, năng lực của người hoạt động không chuyên trách tại thôn, khu dân cư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Đảng viên ở các chi bộ nông thôn hầu hết đã cao tuổi, sức khỏe hạn chế nên rất khó khăn trong việc bố trí đảng viên tham gia đồng thời bí thư chi bộ và trưởng thôn", đồng chí Đào Quang Thuật, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Thành cho biết.

Vừa qua, 67 thôn, khu dân cư của 14 xã, thị trấn ở Ninh Giang đã tổ chức bầu cử trưởng thôn, khu dân cư nhiệm kỳ 2022-2024. Kết quả, có 3 thôn không bầu được trưởng thôn do người ứng cử không đủ số phiếu đồng ý theo quy định là thôn 4 (xã Vạn Phúc), thôn An Lý (xã Hưng Long) và thôn Thượng Đồng (xã Hồng Dụ). Theo tìm hiểu của phóng viên, các nhân sự được giới thiệu bầu trưởng thôn tại những nơi này đều là đảng viên. Tuy nhiên, do uy tín chưa cao nên những người này đều có số phiếu đồng ý đạt dưới 50%. Đồng chí Nguyễn Đức Tráng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Dụ cho biết: "Không dễ tìm người gánh vác được cả “hai vai” vì yêu cầu về sức khỏe, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành; am hiểu công tác Đảng, có kinh nghiệm, uy tín cao trong Đảng, trong nhân dân. Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự ở thôn Thượng Đồng khó khăn là do người muốn làm thì chưa đủ uy tín, còn người có uy tín thì lại không đủ tâm huyết. Hiện cấp ủy xã đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để chi bộ, ban công tác Mặt trận thôn xây dựng lại phương án nhân sự, tổ chức bầu lại theo quy định".

Cần có đặc thù

Huyện Cẩm Giàng là địa phương có tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư thấp nhất tỉnh (đạt 65,4%). Ngoài những hạn chế chủ quan của cấp ủy cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị công tác nhân sự thì ở những thôn, khu dân cư có diện tích rộng, dân số đông, nhiều thành phần dân cư sinh sống, việc thực hiện mô hình trên không dễ. Đồng chí Nguyễn Tiến Chức, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) cho biết: "Thôn Văn Thai của xã hiện có 5 xóm với gần 7.000 dân. Nếu thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn thì khối lượng công việc giao cho một người sẽ rất lớn. Việc quản lý dân số và thực hiện các nhiệm vụ của thôn rất khó khăn. Trong khi đó, Trưởng thôn hiện nay cũng là Chi ủy viên nên vẫn bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với các công việc của thôn. Xã sẽ quyết tâm thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện nhưng cũng mong muốn cấp trên có cơ chế đặc thù với thôn, khu đông dân cư, địa bàn rộng như thôn Văn Thai".
Cùng khó khăn như trên, nhiều địa phương cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về quy định độ tuổi nhân sự được giới thiệu ứng cử chức danh bí thư chi bộ (kể cả các đồng chí tham gia lần đầu và các đồng chí tái cử) không quá 65 tuổi tính đến thời điểm tổ chức đại hội chi bộ để có căn cứ thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. Thực tế cho thấy việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu dân cư có nhiều ưu điểm như phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu thôn; khắc phục tình trạng “lệch pha” giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn, khu dân cư trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở; tinh gọn cơ cấu bộ máy từ cơ sở... 

Theo lãnh đạo nhiều địa phương làm tốt chủ trương trên, để phát huy hiệu quả mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư, cấp ủy, chính quyền cấp xã cần chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự, có quy trình chặt chẽ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận cả trong quần chúng và trong tổ chức đảng. Sau khi nhất thể hóa cần sớm xây dựng quy chế làm việc của chi bộ, thôn. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ban công tác Mặt trận, thực hiện thường xuyên để tránh lạm quyền, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ. Các địa phương cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận tại cơ sở, nhất là đối với các đảng viên trẻ. 

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư: Nhiều nơi gặp khó