Biến Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thành ấm no, hạnh phúc thực chất

16/01/2022 06:03

Theo giáo sư, tiến sĩ (GS-TS) Lê Hữu Nghĩa, muốn đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phải xây dựng các chương trình hành động phù hợp với thực tiễn và phải có tính khả thi.

Sau thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, điều mà cán bộ, đảng viên, nhân dân mong đợi là Nghị quyết Đại hội, những định hướng tốt đẹp cho tương lai của đất nước sẽ sớm trở thành hiện thực. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 có giá trị định hướng toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội. Nghị quyết là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ, ý chí nguyện vọng của toàn đảng, toàn dân, và toàn quân ta. Tinh thần nội dung Nghị quyết dù rất đúng và trúng nhưng điều quan trọng là Nghị quyết phải đi vào thực tế cuộc sống, biến thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể được triển khai đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Mang lại ấm no, hạnh phúc thực chất cho nhân dân mới là thành công của Đại hội”. GS-TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trao đổi với báo chí để cùng nhìn lại 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xung quanh chủ đề "Biến Nghị quyết của Đại hội thành của cải vật chất".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Để nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, chỉ một thời gian ngắn sau Đại hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới hơn 7.000 điểm cầu từ Trung ương tới cơ sở trên toàn quốc. Thưa GS-TS Lê Hữu Nghĩa, với cách triển khai học tập nghị quyết như lần này thì đã thể hiện tinh thần khẩn trương và đổi mới ra sao, thưa ông?

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Cách làm và triển khai, theo tôi vừa khẩn trương nhưng vừa đổi mới. Khẩn trương, bởi sau Đại hội gần 2 tháng, ngày 27-28.3, chúng ta tổ chức Hội nghị nghiên cứu bằng hình thức trực tuyến để học tập, nghiên cứu Nghị quyết, chứ không phải là xây dựng đội ngũ báo cáo viên như mọi lần. Như vậy sẽ rất mất thời gian và không phù hợp với điều kiện dịch bệnh. Thứ hai là cách làm đổi mới, lần này là cách làm đổi mới bằng hình thức trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin từ một điểm cầu ở Hà Nội, kết nối với 7.439 điểm cầu khác trong toàn quốc để 959.000 đảng viên, kể cả đảng viên ở cơ sở cùng tham dự trực tiếp.

Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức một cách học Nghị quyết với một quy mô lớn như vậy. Cách học này làm cho đảng viên cơ sở vừa có thể tiếp cận được thẳng tiếng nói của các đồng chí báo cáo viên. Đây là những đồng chí giữ trọng trách trong Bộ Chính trị, cho nên họ nắm được linh hồn Nghị quyết, nắm được ý kiến khác nhau trong trao đổi, thảo luận để xây dựng Nghị quyết. Do đó họ có thể truyền đạt tới người nghe, người học linh hồn của Nghị quyết và nó sinh động nên hiệu quả cao hơn.

- Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống quan trọng phải xây dựng được chương trình hành động sát với thực tiễn cuộc sống, GS-TS Lê Hữu Nghĩa có thể nói rõ hơn về tinh thần này?

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Việc nghiên cứu, học tập Nghị quyết hết sức quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Muốn đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phải xây dựng các chương trình hành động phù hợp với thực tiễn của các ngành, các địa phương và chương trình hành động này có tính khả thi. Việc xây dựng các chương trình hành động này, trước hết đòi hỏi các cấp ủy, người đứng đầu phải nắm bắt sát, đúng tinh thần của Nghị quyết, linh hồn của Nghị quyết và nắm bắt cụ thể những điều kiện về tự nhiên, kinh tế- xã hội, về tiềm lực phát triển, về văn hóa, để làm sao mà mình xây dựng chương trình đó nó phù hợp với địa phương.

Cùng với đó, đòi hỏi chúng ta phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện, thẳng thắn. Trên cơ sở như vậy, yêu cầu của việc xây dựng chương trình hành động phải xác định được mục tiêu vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII phù hợp trình độ phát triển của địa phương, sát hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, xã hội, văn hóa.

Đồng thời, khi xây dựng chương trình hành động, chúng ta phải xác định được các nguồn lực, điều kiện để thực hiện chương trình đó. Trong các nguồn lực đó, trước hết phải là nguồn lực về con người, cụ thể là nguồn lực cán bộ, lãnh đạo quản lý có thiếu không, yếu không, mạnh chỗ nào; Cùng với đó là nguồn lược về vật chất, hạ tầng, về tài chính. Nghĩa là cả nội lực và ngoại lực, chúng ta đều phải xác định rõ để từ đó xây dựng chương trình hành động thực sự xác đáng, thực sự khả thi. Chương trình hành động phải phù hợp với lòng dân.

GS-TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

GS-TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

- Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, bước đầu đã ghi nhận được những kết quả gì thưa ông?

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Đây chính là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thành tựu của Đại hội XIII đã tạo ra một xung lực mới, khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Trước hết là kế hoạch 5 năm, rồi chiến lược kinh tế-xã hội 10 năm. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, trong năm qua, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn từ khi tác động của đại dịch COVID-19, nhất là cuối tháng 4 dịch bùng phát với biến chủng Delta, lây lan rất nhanh, nguy hiểm và tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đại dịch tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, kinh tế- xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta. Thậm chí, đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta. Cho nên, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực, phấn đấu ở mức cao nhất các mục tiêu đặt ra. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, GDP năm 2021 tăng được 2,58 %; thu hút FDI tăng rất nhanh, mạnh, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào nước ta. Về công tác xây dựng Đảng, có nhiều bước tiến được ghi nhận. Qua đó, củng cố, tăng cường hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đặc biệt là đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

- Thưa GS-TS Lê Hữu Nghĩa, ông có góc nhìn ra sao về lộ trình cụ thể hóa Nghị quyết thành chương trình hành động của mỗi đơn vị, mỗi địa phương?

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội của Đảng đã viết: “Nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”. Như vậy, lần đầu tiên trong văn kiện, Đảng ta đã đưa vấn đề: "Nâng cao chỉ số hạnh phúc con người Việt Nam", đây là điểm rất mới, rất ngắn, rất quan trọng nhưng phù hợp với xu thế của thế giới. Phải làm sao để người dân được hạnh phúc, hưởng được những quyền lợi của mình. Trên cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình hành động đúng, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với lòng dân. Đó là cơ sở để thực hiện được Nghị quyết của Đảng, trong đó từng bước chúng ta có thể điều chỉnh cho phù hợp, thực sát hợp.

- Từ thực tế thì chúng ta có thể thấy là kế hoạch 10 phần, biện pháp 20 phần và quyết tâm phải có 30 phần. Cụ thể, phải biến những quyết tâm của Đại hội thành hiện thực, thành của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân. Ông suy nghĩ gì về điều này?

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Có biện pháp nhưng lãnh đạo, chỉ đạo phải tốt, phải đáp ứng được. Để thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành phải quyết tâm, kiên quyết, kiên trì, đồng thời phải biết tổ chức hành động và có những biện pháp phù hợp. Phải quyết liệt, mạnh bạo thực hiện tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Tư tưởng Hồ Chí Minh nói rằng:“không nên dài dòng, không nên đưa nhiều khẩu hiệu, phải làm sao thiết thực, phù hợp với thực tế và phải nỗ lực trong việc thực hiện những kế hoạch, chương trình, những Nghị quyết mà mình đã đề ra”.

- Như vậy, việc vận dụng, triển khai Nghị quyết vào thực tiễn đòi hỏi các tổ chức Đảng, các cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp lãnh đạo quản lý và người đứng đầu cần phải nêu cao ý thức, trách nhiệm. Năng lực, tổ chức thực hiện của cán bộ có ý nghĩa rất lớn trong việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết. Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của cán bộ trong việc hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống?

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Đội ngũ cán bộ, theo tôi có ý nghĩa quyết định trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Một là, cán bộ phải nhận thức đúng Nghị quyết, thông Nghị quyết và phải đi trước quần chúng về mặt nhận thức Nghị quyết để truyền đạt Nghị quyết cho quần chúng, để thấu hiểu.

Hai là, phải tố chức vận động phong trào quần chúng để thực hiện Nghị quyết bằng những hình thức phù hợp.

Ba là, phải có những giải pháp phù hợp, để đưa quần chúng nhân dân tham gia vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết, thông qua việc thực hiện các chương trình hành động, nhất là người đứng đầu. Nơi nào người đứng đầu quyết liệt, mạnh dạn và khách quan, tình hình phong trào khác và Nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn. Còn nơi nào người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm, không gương mẫu sẽ ảnh hưởng đến phong trào. Và rõ ràng Nghị quyết đi vào cuộc sống rất hạn chế, không hiệu quả, hoặc khó khăn.

- Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, mỗi cấp ủy địa phương có những cách vận dụng rất sáng tạo, GS-TS Lê Hữu Nghĩa nghĩ sao về sự năng động, sáng tạo khi triển khai Nghị quyết từ mỗi cấp ủy?

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Tôi tin rằng, chúng ta đưa Nghị quyết vào cuộc sống phải năng động, sáng tạo, chứ không thể bê nguyên si kinh nghiệm của địa phương này cho địa phương khác.

Theo dõi cách phòng chống COVID-19, chúng ta thấy mỗi địa phương có cách làm khác nhau, và rất sáng tạo. Đầu tiên, chúng ta theo dõi các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang họ chống dịch phương châm “3 tại chỗ”. Vào trong TP Hồ Chí Minh, họ có những điều chính phù hợp. Bởi, trong đó có những doanh nghiệp lớn, nếu áp dụng phương án “3 tại chỗ” chi phí quá lớn, họ không chịu nổi được, cho nên họ có điều chỉnh cho phù hợp. Đó là những điều chỉnh hết sức linh động, tùy theo sự phát triển, tiến triển của dịch bệnh và tùy điều kiện của địa phương cho phù hợp.

Thời điểm hiện nay, khi tình hình dịch bệnh có sự thay đổi, nếu như trước kia chúng ta thực hiện “giãn cách xã hội”, bây giờ chúng ta phải “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát, chặt chẽ, hiệu quả đối với dịch bệnh”. Điều đó nói lên, tức là phải sáng tạo, năng động, phù hợp với sự biến đổi của tình hình thực tiễn. Đó là vai trò người cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu là hết sức quan trọng

- Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, theo ông những mặt hạn chế nào cần khắc phục để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống chứ không chỉ là những Nghị quyết trên giấy?

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Sau 1 năm đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, chúng ta cũng có thể bước đầu tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm về vấn đề này. Trong đó, tổ chức thực hiện như thế nào cho hiệu quả. Đấy là khâu yếu mà chúng ta cần phải khắc phục. Cùng với đó, theo tôi, còn có bệnh thành tích, bệnh hình thức, bệnh này cũng khá nặng và cần phải khắc phục.

Bên cạnh đó, là phê bình và tự phê bình còn yếu. Tình trạng nể nang, né tránh còn khá phổ biến. Như vậy, làm sao có sức chiến đấu của cấp ủy Đảng. Do vậy, cần phải tăng cường tự phê bình và phê bình và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu chúng ta theo dõi các sai phạm bị xử lý kỷ luật thì đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Vai trò của người đứng đầu, người đứng đầu không gương mẫu làm sao có thể nói cán bộ, đảng viên và người khác nghe được.

- Thưa ông, thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta và đất nước ta, nhưng quan trọng hơn vẫn là những thành quả được hiện thực hóa từ Nghị quyết của Đại hội. Vậy theo ông, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung xây dựng những chương trình hành động cụ thể ra sao?

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Chúng ta phải quán triệt, thực hiện tốt các định hướng, chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII, phát huy những thành tựu của năm 2021.

Một là, chúng ta phải dự báo tình hình của năm 2022, nhất là dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, cho nên chúng ta không thể chủ quan, lơ là.

Cùng với đó, chúng ta phải dự báo tình hình biến động của quốc tế, khủng hoảng tài chính quốc tế, xung đột giữa các nước lớn, tác động đến nước ta… Những dự báo này rất quan trọng, để chúng ta kịp thời ứng phó, thích ứng với tình hình để có chủ trương phù hợp.

Thứ hai, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì xây dựng Đảng, liên quan đến sinh mệnh chính trị của Đảng, liên quan đến sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa. Cho nên, tiếp tục đẩy mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị “trong sạch, vững mạnh, toàn diện” như là tinh thần Đại hội XIII “kiên quyết, kiên trì hơn nữa”. Như Tổng Bí thư đã nói: “Đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa” để làm sao năm 2022 đạt thành tích tốt hơn năm 2021.

- Trân trọng càm ơn ông!

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thành ấm no, hạnh phúc thực chất