Bên cạnh nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm của HTX đã và đang phát huy hiệu quả cao thì vẫn còn những mô hình thiếu tính bền vững.
Nhiều sản phẩm của HTX Dịch vụ thương mại xuất, nhập khẩu nông sản nông nghiệp Việt vẫn phải tiêu thụ trôi nổi trên thị trường
Liên kết lỏng lẻo
HTX Dịch vụ thương mại xuất, nhập khẩu nông sản nông nghiệp Việt ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) là một trong số ít HTX của tỉnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. HTX hiện có 6 ha đất canh tác tại thôn Cổ Chẩm với sản phẩm chủ lực là ớt, đậu bắp, cà chua, bí ngô. Mặc dù đã hoạt động được 3 năm nhưng HTX vẫn không có bao bì, nhãn mác riêng nên chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhiều nông sản của HTX được cung cấp cho hệ thống cửa hàng Vinmart+ nhưng lại qua đơn vị trung gian và được gắn mác là HTX Hội Nông dân Liên Mạc. HTX sản xuất cũng theo đơn đặt hàng của đơn vị khác nên khá bị động.
Ông Nguyễn Công Huy, Giám đốc HTX Dịch vụ thương mại xuất, nhập khẩu nông sản nông nghiệp Việt thừa nhận: "Liên kết lỏng lẻo, chỉ ký hợp đồng miệng hoặc các điều khoản trong hợp đồng không rõ ràng là một trong những nguyên nhân khiến HTX gặp nhiều khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm". Năm 2019, HTX thua lỗ 200 triệu đồng vì nhiều nông sản không tiêu thụ được buộc phải bỏ đi do đối tác không thu mua như đã cam kết. HTX đã hủy bỏ liên kết và đang tìm doanh nghiệp khác để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ớt đang được một doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu, phần lớn các sản phẩm của HTX vẫn phải bán tự do trên thị trường.
Nhiều năm nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Kết (Thanh Miện) vẫn ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp để bao tiêu thóc thương phẩm và thóc giống cho nông dân trong vùng. Giá thu mua cao hơn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg so với ngoài thị trường. Mỗi vụ, HTX ký hợp đồng cam kết cung ứng từ 50 - 70 tấn thóc cho doanh nghiệp nhưng không vụ nào đủ số lượng để cung cấp. "Mỗi vụ, chúng tôi ký hợp đồng với 120 - 150 hộ dân và quy vùng sản xuất từ 3 - 5 ha để bao. Dù vậy, vụ nhiều nhất chúng tôi cũng chỉ cung ứng được khoảng 70% số lượng thóc theo thỏa thuận. Nguyên nhân do các hộ nông dân chỉ bán một phần thóc cho HTX, phần còn lại thì cất trữ trong nhà. Việc này gây khó khăn rất lớn cho HTX dù đã có hợp đồng", ông Phạm Văn Sang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Kết nói.
Cần chủ động hơn
HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Kết hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc lúa trong vùng bao tiêu sản phẩm
Toàn tỉnh có gần 40 HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, HTX đóng vai trò là trung gian đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Đây cũng là đầu mối cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho thành viên, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác. Nhiều HTX đã làm tốt việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân tăng thu nhập nhưng cũng có không ít HTX vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng nguyên nhân dẫn đến hoạt động kém hiệu quả của những mô hình này là do HTX có tiềm lực kinh tế hạn chế, khả năng huy động vốn kém, không chủ động được trong các khâu sản xuất, phải phụ thuộc nhiều vào đối tác, doanh nghiệp. Số ít cán bộ quản lý HTX trình độ hạn chế nên chưa đủ khả năng thực hiện các khâu trong chuỗi liên kết. Một số chính sách hỗ trợ HTX chưa thiết thực và kịp thời nên không khuyến khích thành viên HTX tham gia liên kết…
"Để các chuỗi liên kết bền vững và đạt hiệu quả cao, các HTX cần chủ động tìm hiểu thị trường để tạo ra sản phẩm an toàn phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Các HTX cũng cần chủ động tìm đối tác là các doanh nghiệp hoặc HTX cùng loại hình hoạt động để tạo ra các chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững, hạ giá sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm", bà Hương nói.
Ngoài những yếu tố trên, Liên minh HTX tỉnh cần tuyên truyền sâu rộng về các chính sách khuyến khích, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Các cấp, các ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay, xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với một số hàng hóa nông sản chủ lực; chuyển giao công nghệ chế biến, bảo quan sau thu hoạch, từ đó làm mô hình điểm để nhân rộng đến các địa phương. Chỉ có vậy các HTX mới phát triển vững chắc trong bối cảnh hiện nay.
TRẦN HIỀN