Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành đã nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia để xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Không nằm ngoài xu hướng tất yếu của phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới, Việt Nam đã triển khai xây dựng Chính phủ điện tử từ những năm 2000. Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành cũng đã nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia để xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam
Mặc dù còn có những quan niệm khác nhau, song có thể hiểu một cách đơn giản: Chính phủ điện tử là sự ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông để các cơ quan chính phủ đổi mới, làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước. Nói cách ngắn gọn, Chính phủ điện tử là chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông.
Tham gia Chính phủ điện tử gồm 3 chủ thể: người dân, Chính phủ và doanh nghiệp. Các mối quan hệ tương tác giữa 3 chủ thể gồm: Quan hệ Chính phủ với người dân (G2C); Quan hệ Chính phủ với doanh nghiệp (G2B); Quan hệ các cơ quan Chính phủ với nhau (G2G).
Không nằm ngoài xu hướng tất yếu của phát triển Chính phủ điện trên thế giới, Việt Nam cũng đã triển khai xây dựng Chính phủ điện từ năm 2000 và đạt được một số kết quả nhất định. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2018 đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, so sánh với mặt bằng chung trong khu vực và trên thế giới, kết quả này vẫn còn khiêm tốn.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Việt Nam xác định, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử với quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”. Sau gần 4 tháng triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP, về cơ bản đã hoàn thành được các nhiệm vụ quan trọng được giao trong 6 tháng đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cùng với một số bộ, ngành, doanh nghiệp công nghệ thông tin mạnh trong nước cũng đi tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm về thực hiện Chính phủ điện tử tại các quốc gia như: Hàn Quốc, Singapore, Nga, Đức, Anh, Pháp, Estonia... để đánh giá thực trạng, chỉ ra những rào cản và đề xuất hướng đi đúng đắn trong giai đoạn tiếp theo.
Kinh nghiệm từ một số quốc gia
- Hàn Quốc
Hàn Quốc là quốc gia rất thành công trong việc xây dựng Chính phủ điện tử. Từ năm 2004 đến nay, Hàn Quốc luôn nằm trong nhóm 10 nước phát triển nhất về Chính phủ điện tử. Hàn Quốc đã triển khai rất bài bản ngay từ đầu, từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính phủ điện tử. Chính phủ Hàn Quốc đã thiết kế nhiều chương trình để hỗ trợ phát triển 3 yếu tố cơ bản là: công nghệ, nguồn nhân lực và các tiêu chuẩn Chính phủ điện tử.
Đối với doanh nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống Chính phủ vì doanh nghiệp, cổng dịch vụ một cửa dành cho doanh nghiệp: u-Trade Hub, dịch vụ hải quan điện tử, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp một lần…
Đối với người dân, Hàn Quốc chú trọng vào xây dựng một hệ thống thông tin quốc gia tạo thành một cơ sở dữ liệu nền tảng và hình thành thói quen tra cứu thông tin liên quan đến Chính phủ qua mạng. Từ năm 1995, các dịch vụ hành chính công của Chính phủ Hàn Quốc đã được đưa dần lên mạng internet, tập cho người dân thói quen làm việc theo các cơ chế “một cửa” và phong cách làm việc không giấy tờ.
- Singapore
Singapore hiện là quốc gia phát triển và rất thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông, đặc biệt là trong việc triển khai Chính phủ điện tử. Singapore đã bắt đầu xây dựng Chính phủ điện tử từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Một trong những thành công tiêu biểu của Singapore là việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung, tích hợp tất cả các dịch vụ hành chính công của các bộ/ngành. Với cơ sở dữ liệu này, người dân chỉ cần vào 1 cổng duy nhất để thực hiện tất cả các dịch vụ hành chính.
- Liên bang Nga
Liên bang Nga là nước có những chiến lược, chương trình xây dựng Chính phủ điện tử và đạt được nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng phục vụ Chính phủ điện tử như Cổng điện tử thống nhất các dịch vụ và chức năng của Chính phủ (EPGU), hệ thống thống nhất định danh và xác thực (ESIA), hệ thống phối hợp hành động điện tử liên bộ ngành (SMEV), hệ thống nền tảng quốc gia cho xử lý dữ liệu phân tán (NPROD)…
Sự thành công của Nga được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Nga năm 2018 xếp thứ 32/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, thuộc nhóm nước có chỉ số phát triển rất cao và xếp thứ 10 thế giới về an ninh mạng năm 2017.
- Đức
Tại Tọa đàm giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm của CHLB Đức về xây dựng Chính phủ điện tử, GS.TS Wilfried Bernhardt cho biết, Đức là một nhà nước liên bang nên không có chính quyền điện tử thống nhất. Tuy nhiên đã có rất nhiều nỗ lực trong chính phủ, cơ quan quản lý hành chính, giới khoa học và trong các doanh nghiệp làm cho sự không thống nhất này này không trở nên quá lớn và bảo đảm áp dụng Chính phủ điện tử hiệu quả nhất, hiệu lực nhất và thân thiện với người dân nhất, theo nguyên tắc thực hành tốt nhất.
Năm 2013, Luật Chính phủ điện tử của Liên bang có hiệu lực. Ngoài các quy định pháp luật của Đức về Chính phủ điện tử, còn có nhiều quy định của Liên minh châu Âu áp dụng cho các cơ quan quản lý và người dân, ví dụ như Nghị định eIADS (Nghị định EU số 910/2014 về nhận dạng điện tử và “dịch vụ tin tưởng” đối với các giao dịch điện tử trong thị trường nội khối).
Hiện nay, việc truy nhập lấy thông tin của cơ quan hành chính cũng như của các bộ là việc đương nhiên đối với người dân ở Đức. Ở tất cả các bang, thông tin được cung cấp thông qua các Cổng thông tin điện tử. Ngoài việc truy cập thông tin, người dân và doanh nghiệp còn nộp đơn điện tử đến các cơ quan quản lý nhà nước và nhận được các quyết định về đơn, cũng dưới dạng điện tử…
- Vương quốc Anh
Chính phủ điện tử bắt đầu được đưa ra bàn luận ở Anh từ năm 2010. Vào năm 2009, tại Anh có khoảng 350 trang mạng của các cơ quan tổ chức khác nhau thuộc chính phủ. Mỗi trang mạng này lại cung cấp một nội dung thông tin khác nhau. Do đó, khi bắt đầu triển khai Chính phủ điện tử, các nhà quản lý tại nước này nghĩ tới việc tạo ra một nền tảng duy nhất về dịch vụ công trực tuyến.
Kết quả là các dữ liệu mà chính phủ có được sau đó được chia sẻ công khai trên 1 trang web - data.gov.uk. Hiện có khoảng gần 800 bộ dữ liệu được tập hợp trên nền tảng này với hơn 1 tỷ giao dịch mỗi năm. Đó là nơi mà doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận và truy vấn dữ liệu khi cần thiết. Và mức độ an toàn đối với các tài liệu mật và các thông tin liên quan đến bí mật đời tư cũng được đảm bảo bằng những quy định cụ thể.
Để đơn giản các quy định về chia sẻ dữ liệu, mới đây Anh quốc đã công bố “Quy định chung về bảo vệ dữ liệu”, đề cập đến 6 điểm bao gồm các lý do, cơ sở cho phép chia sẻ dữ liệu. Luật này áp dụng cho cả cơ quan Chính phủ và khu vực tư nhân, đặt nguyên tắc “đồng thuận” lên hàng đầu
- Pháp
Để thúc đẩy môi trường Chính phủ điện tử, xã hội số, Pháp đã ban hành Luật Cộng hòa số.
Pháp xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống liên kết định danh quốc gia cho phép kết nối giữa các dịch vụ công trực tuyến với 1 lần đăng nhập duy nhất (France Connect). Với việc triển khai France Connect - hệ thống đăng nhập liên thông dựa trên sự liên thông giữa các dịch vụ công thông qua một định danh đã được kiểm định, công dân Pháp chỉ cần đăng nhập hệ thống này để có thể sử dụng tất cả các dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan nhà nước cung cấp.
Cùng với đó, Pháp xây dựng État Plateforme - nền tảng Chính phủ điện tử của Pháp với một kiến trúc mở cho phép dễ dàng trao đổi thông tin giữa các hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính. Nước này cũng đang thực hiện chính sách phi giấy tờ, áp dụng triệt để nguyên tắc 1 vào 2 ra (ban hành 1 văn bản mới thì phải bãi bỏ 2 văn bản cũ), áp dụng công nghệ thông tin để số hóa các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa; xử lý số hóa tại Văn phòng Chính phủ.
- Estonia
Để xây dựng Chính phủ điện tử, Estonia đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật về thông tin công cộng, Luật về chữ ký số, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân... Đồng thời Estonia xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia để cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp (1.500 dịch vụ trực tuyến) và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử eID do Bộ Nội vụ quản lý, xác thực thông qua số điện thoại (MobileID). Đến nay, 99% công dân Estonia được cấp 1 mã số định danh duy nhất (eID) và 1 thẻ căn cước điện tử kèm chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước.
Estonia cũng xây dựng Hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ (e-Cabinet) theo dõi, quản lý lịch họp, nghiên cứu, xử lý tài liệu, hồ sơ điện tử qua mạng phục vụ Chính phủ và Hệ thống tham vấn chính sách (e-Consultation). Các hệ thống này giúp giảm thời gian, giấy tờ cho các cuộc họp của Chính phủ (có những cuộc họp Chính phủ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, cuộc họp ngắn nhất kéo dài 1 phút)…
Theo TTXVN