Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng là năm chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song không vì thế mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lơ là hay chậm lại.
Tiếp đà của nhiệm kỳ khóa XII, ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương lại bắt tay vào việc hoàn thiện các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng tiếp tục được đẩy mạnh. Những đảng viên, tổ chức đảng sai phạm lần lượt bị xử lý theo đúng quy định.
Cập nhật, bổ sung “công cụ” để lấp các lỗ hổng, bịt các “khe hở”
Với những ai quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều có thể nhận ra những bước chuyển quan trọng trong việc hoàn thiện các quy định của Đảng nhằm lấp đầy những “khoảng trống”, những “lỗ hổng”. 3 nhiệm kỳ liên tiếp, sau khi kiện toàn nhân sự, Trung ương lại bắt tay vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đánh dấu bằng Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Hội nghị Trung ương 4 gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị; bổ sung thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ “phòng ngự” sang “phản công”... Những bước tiến mới đó tiếp tục cho thấy sự kiên trì, kiên quyết của Đảng nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị là một yêu cầu khách quan bởi lẽ Đảng tuy giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội nhưng Đảng không đứng ngoài hệ thống chính trị, không phải là nhân tố độc lập hoàn toàn với hệ thống chính trị. Đây cũng là yêu cầu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Hội nghị Trung ương 4 làm rõ hơn những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, “tiêu cực” sát hợp với tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh…
Sau Hội nghị lần thứ 4, Trung ương đã ban hành Kết luận 21-KL/TW về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ký ban hành Quy định 37- QĐ/TW ngày 25.10.2021 về những điều đảng viên không được làm, thay thế cho Quy định hiện hành có hiệu lực cách đây 10 năm.
Tuy vẫn giữ nguyên 19 điều đảng viên không được làm song Trung ương đã bổ sung thêm những nội dung mới như: đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; tư duy nhiệm kỳ; Đảng viên không được can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…”.
Đây là những điểm mới, rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Cùng với đó, Trung ương cũng ban hành Quy định 22 về kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; Quy định 24 về thi hành điều lệ Đảng; Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Kết luận 23 về tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp; Quy định 32 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Đánh giá về những Quy định, Kết luận liên quan công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong năm 2021, PGS-TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: ‘“Những quy định, kết luận mới của Đảng được ban hành có thể hiểu là cách Đảng ta cập nhật, bổ sung “công cụ” để lấp các lỗ hổng, bịt các khe hở, không để những người có dụng ý không tốt lợi dụng. Thực chất là những gì chúng ta đã làm tốt thì làm cho tốt hơn, những cái chưa tốt thì khắc phục, cái gì chưa có thì đưa quy định vào để điều chỉnh. Đó là sự tất yếu và rất cần thiết cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, phù hợp với sự vận động không ngừng của lịch sử xã hội”.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng: Xử lý nhiều tổ chức, cá nhân
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là công tác thường xuyên, liên tục, kịp thời theo tinh thần chung là làm quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Năm 2021 tiếp tục ghi nhận những diễn biến mới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Hàng loạt tổ chức đảng và đảng viên sai phạm đã bị kỷ luật kịp thời, nghiêm khắc.
Chỉ riêng ở cấp Trung ương, từ tháng 1.2021-11.2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, xử lý kỷ luật và kiến nghị, yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (trong đó có 3 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Thứ trưởng, 1 nguyên Chủ tịch tỉnh, 1 nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Chưa bao giờ, hàng loạt cán bộ cao cấp của ngành Y tế bị kỷ luật như năm nay. Trong đó có Thứ trưởng Trương Quốc Cường, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Thứ trưởng Cao Minh Quang, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh…
Đối với lực lượng thực thi pháp luật trên biển, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng uỷ Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020, cách chức 7 tướng, khai trừ Đảng 2 tướng. Trong đó, Thiếu tướng Lê Xuân Thanh - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và Thiếu tướng Lê Văn Minh - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã bị khai trừ khỏi Đảng.
Liên quan đến việc giảm án, tha tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam, cơ quan chức năng đã kiểm tra, làm rõ các sai phạm, tiêu cực, xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với 9 tập thể, 29 cá nhân có liên quan .
Đó là những diễn biến mới trong công tác xử lý, kỷ luật Đảng trong năm 2021. Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Y tế có những đóng góp lớn trong công tác kiểm soát dịch song những tổ chức, cá nhân vi phạm ở thời điểm hiện tại và quá khứ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vẫn bị xử lý, đảm bảo tính nghiêm minh trong công tác kỷ luật của Đảng. Đặc biệt, hàng loạt cán bộ lãnh đạo Cảnh sát biển bị kỷ luật đã chứng minh cho quyết tâm làm trong sạch Đảng không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ.
Các quyết định kỷ luật của Đảng được nhân dân đồng tình, ủng hộ, thể hiện sự công minh, rõ đến đâu xử lý đến đó, góp phần làm trong sạch Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
Kiểm tra, kỷ luật Đảng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong nhiệm kỳ khóa XII, hơn 25.000 đảng viên các cấp đã bị kỷ luật vì suy thoái về đạo đức, lối sống; suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… (chiếm khoảng 0,5% tổng số đảng viên trên toàn quốc).
Ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn tiếp tục được quan tâm và chỉ đạo rốt ráo. Đại hội XIII của Đảng đã xác định ba giải pháp đột phá về xây dựng Đảng là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức cán bộ; Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan cán bộ, đảng viên vi phạm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân sẽ góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Theo VOV