Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc thành lập thị xã Chí Linh là sự kiện có ý nghĩa lớn lao đối với tỉnh Hải Dương cũng như với đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chí Linh.
Một góc thị xã Chí Linh hôm nay. |
Vùng đất giàu tiềm năng
Huyện Chí Linh (trước đây) nằm ở phía tây bắc tỉnh Hải Dương, nằm trên quốc lộ 18, cách Thủ đô Hà Nội và TP Hạ Long (Quảng Ninh) khoảng 100 km, là nơi giao nhau của sáu con sông (lục đầu giang). Chí Linh có lợi thế nằm ở trung độ trục hành lang đô thị - công nghiệp - du lịch cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia, nối Thủ đô Hà Nội với cửa biển Hạ Long. Ðây còn là hành lang giao thông quốc tế và nằm trên trục kinh tế kỹ thuật, đô thị chủ yếu bắc - nam của tỉnh Hải Dương và trên vành đai 5 của vùng Thủ đô Hà Nội. Chí Linh có quỹ đất lớn phù hợp xây dựng công nghiệp, đô thị; có nguồn nước mặt phong phú, hệ sinh thái tốt, môi trường tự nhiên trong lành. Chí Linh còn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như đất sét, đất đồi, than.
Chí Linh có 59 di tích lịch sử và văn hóa; trong đó, có chín di tích được xếp hạng cấp quốc gia như: Côn Sơn, Kiếp Bạc, đền Chu Văn An, đền Gốm, đền Cao, chùa Thanh Mai, đền Sình, đền Quốc Phụ, đình Chí Linh; nổi bật là quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn liền với công trạng của Nguyễn Trãi và Trần Hưng Ðạo. Di tích Kiếp Bạc nay thuộc xã Hưng Ðạo, còn nổi tiếng với dãy núi Rồng bao lấp một thung lũng trù phú, thơ mộng và giáp vùng núi Phượng Hoàng, Phả Lại, Côn Sơn, lục đầu giang. Di tích Côn Sơn hiện tại xã Cộng Hòa, gắn liền với danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Tại đây còn có chùa Côn Sơn là nơi tu hành của nhà sư Huyền Quang, đệ tam tổ của Thiền Phái Trúc Lâm. Chùa Thanh Mai cũng là nơi tu hành của nhà sư Pháp Loa, đệ nhị Thiền Phái Trúc Lâm. Khu danh thắng Phượng Hoàng có tới 72 ngọn núi, có mộ và đền thờ nhà giáo Chu Văn An - Người thầy của muôn đời. Ngày 5-5-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QÐ-TTg xác định Chí Linh là trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế, là vùng du lịch văn hóa, lễ hội kết hợp với thắng cảnh. Ðó là những lợi thế lớn để Chí Linh phát triển du lịch, dịch vụ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Chí Linh còn có hệ thống giáo dục và y tế phát triển, đạt cấp độ cấp quốc gia, đáp ứng yêu cầu học tập và khám, chữa bệnh của nhân dân và hơn hai vạn học sinh, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề.
Phát huy lợi thế để phát triển
Sau khi được tái lập năm 1997, tỉnh Hải Dương đề ra phương hướng xây dựng huyện Chí Linh trở thành đô thị loại 4, đô thị trung tâm phía bắc của tỉnh để xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng đất này. Quyết tâm đó được thể hiện rõ nhất trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 14; Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Chí Linh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2005-2010. Cụ thể hóa chủ trương này, các cơ quan tham mưu của tỉnh, huyện sớm xây dựng đề án thành lập thị xã Chí Linh. Huyện ủy Chí Linh đã đề ra bảy chương trình hành động với 17 đề án phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng; quân sự địa phương; xây dựng Ðảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh; MTTQ và các đoàn thể vững mạnh; nâng cấp thị trấn Sao Ðỏ và thành lập thị xã Chí Linh.
Với sự quyết tâm cao, trong năm năm qua, Chí Linh đã khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế trong nước và thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Chí Linh vẫn đạt ở mức cao (9,6%/năm); trong đó, nông - lâm - thủy sản tăng 4%, công nghiệp - xây dựng 9,6%, thương mại - dịch vụ 13,6%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng CNH, HÐH (nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 14,8%; công nghiệp, xây dựng 69,9%; thương mại, dịch vụ 15,3%). Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 22 triệu đồng/năm. Ðến nay, nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt mức so Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện khóa 20, nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra.
Tuy gặp khó khăn do thời tiết, dịch bệnh và thiên tai, nhưng sản xuất nông nghiệp của Chí Linh vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, sản xuất theo hướng hàng hóa. Năm 2010, sản lượng lương thực của Chí Linh đạt 51.164 tấn, tăng hơn 3.000 tấn so mục tiêu; năng suất lúa ngày càng tăng (2,5%/năm); giá trị trên một ha đất canh tác đạt 54,5 triệu đồng, tăng 13,5 triệu đồng/ha so mục tiêu đề ra đến năm 2010. Ngoài cây lúa, thế mạnh của Chí Linh là phát triển kinh tế vườn đồi; trong đó, tập trung phát triển cây vải thiều và phát triển kinh tế trang trại. Ðến nay, Chí Linh có gần 100 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nhiều trang trại có thu nhập cao (250 đến 300 triệu đồng/trang trại/năm).
Với những tiềm năng, lợi thế, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng của Chí Linh trong những năm qua phát triển mạnh mẽ; góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HÐH. Ðến nay, Chí Linh đã có bảy khu và cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đi vào hoạt động, với tổng diện tích quy hoạch hơn 576 ha; 145 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thu hút gần 10 nghìn lao động; 1.300 hộ kinh doanh cá thể. Năm 2010, dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp của Chí Linh đạt 4.485 tỷ đồng, tăng hơn 63% so năm 2005. Trên địa bàn Chí Linh còn có Nhà máy nhiệt điện Phả Lại; sân gôn Ngôi sao Chí Linh; nhiều khu đô thị, dân cư hiện đại; có Trường đại học Sao Ðỏ và các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề. 20/20 xã, phường, thị trấn có trụ sở làm việc kiên cố; 80% số phòng học các cấp và trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 110 km đường giao thông được nâng cấp; 88,5% số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Chí Linh có lợi thế là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa và đã được địa phương khai thác có hiệu quả để phát triển dịch vụ du lịch. Năm 2010, doanh thu từ lĩnh vực thương mại - dịch vụ của Chí Linh dự kiến đạt hơn 570 tỷ đồng, tăng hơn 88% so năm 2005; trong đó, doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng 13,5%/năm; lượng khách du lịch đến địa phương tăng 25%/năm. Từ năm 2005, UBND tỉnh Hải Dương đã triển khai đề án nâng cấp lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành lễ hội cấp quốc gia. Theo đó, tỉnh Hải Dương đã dành nguồn vốn đáng kể đầu tư cho việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo, phục dựng các lễ hội của quần thể di tích này. Mỗi năm, quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thu hút từ 1,2 đến 1,3 triệu du khách đến dâng lễ và tham quan, chủ yếu vào hai dịp lễ hội mùa xuân và mùa thu. Tỉnh Hải Dương đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch đến năm 2020.
Cùng với việc nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Chí Linh còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Nổi bật trong nhiệm kỳ qua, Chí Linh đã tích cực triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Qua hơn ba năm triển khai, Cuộc vận động lớn của Ðảng đã tạo được nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân. Nhờ vậy, Chí Linh có hàng trăm điển hình tiên tiến trong học tập, công tác, sửa đổi lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống lãng phí... Việc triển khai Cuộc vận động trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng. Chí Linh hiện có 58 tổ chức cơ sở đảng, với 7.430 đảng viên. Trong nhiệm kỳ qua, Chí Linh kết nạp 1.243 đảng viên, hằng năm có 82 đến 88% số đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, hơn 65% số cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh.
Đô thị trung tâm phía bắc của Hải Dương
Sau hơn 20 năm đổi mới, Chí Linh đã có bước phát triển nhanh trên tất cả các lĩnh vực; nhất là các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, giao thông, công nghiệp, du lịch và dịch vụ; đã hội tụ đầy đủ các yếu tố của một thị xã. Ngày 12-2-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc thành lập thị xã Chí Linh, thành lập các phường thuộc thị xã Chí Linh. Ðây là thời cơ mới để Chí Linh tiếp tục phát triển trong những năm tới, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của vùng đất này. Theo quy hoạch chung xây dựng thị xã Chí Linh do Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) lập, Chí Linh là đô thị trung tâm tổng hợp (hành chính, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và giao dịch) phía bắc tỉnh Hải Dương. Chí Linh còn là trung tâm năng lượng cấp vùng và cấp quốc gia (tổ hợp nhà máy nhiệt điện, các đường dây và trạm điện cao thế 110-220-500 KV phân phối đi các nơi, trong tỉnh và khu vực); là trung tâm du lịch tỉnh Hải Dương gồm các vùng di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng; là trung tâm công nghiệp - thương mại - dịch vụ cấp tỉnh và khu vực; là đầu mối giao thông đường sắt, thủy, bộ khu vực cấp tỉnh và khu vực; có vị trí quan trọng trên hành lang giao thông quốc tế, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, trục đô thị - công nghiệp - dịch vụ dọc quốc lộ 18 nối Thủ đô Hà Nội với cảng biển Cái Lân - Hạ Long và vị trí quốc phòng - an ninh quan trọng.
Ðể xứng tầm với một đô thị trung tâm tổng hợp phía bắc của tỉnh Hải Dương, trong nhiệm kỳ tới (2010-2015), Chí Linh tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; khai thác mọi tiềm năng, lợi thế và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Chí Linh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,4%/năm; thu ngân sách tăng bình quân 6%/năm. Ðến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt hơn 26,3 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HÐH (nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 12,4% - công nghiệp, xây dựng 68,5% - thương mại, dịch vụ 19,1%)... Những ngày này, Chí Linh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thành công đại hội đảng bộ cơ sở, tiến tới Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 15.
Thị xã Chí Linh (Hải Dương) Thị xã Chí Linh (Hải Dương) có diện tích tự nhiên 28.202,78 ha và 164.837 nhân khẩu. Thị xã có 20 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm tám phường (Sao Ðỏ, Phả Lại, Bến Tắm, Văn An, Cộng Hòa, Hoàng Tân, Thái Học, Chí Minh) và 13 xã (Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi, Hoàng Tiến, Kênh Giang, Văn Ðức, An Lạc, Tân Dân, Ðồng Lạc, Bắc An, Cổ Thành, Nhân Huệ, Hưng Ðạo). (Theo Nghị quyết số 09/NQ-CP, ngày 12-2-2010) |