Xây dựng chế độ liêm chính để phòng chống tham nhũng

01/11/2018 07:30

Việc cụ thể hóa các quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn được xem như giải pháp mang tính chủ động, tạo dựng nền tảng đạo đức công vụ...

Việc cụ thể hóa các quy tắc, ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thành các điều luật là một trong những điểm đáng chú ý của dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Bởi lẽ việc xây dựng chế độ liêm chính gắn với đạo đức cán bộ được xem là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa phòng ngừa lâu dài trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN). 

Dự án Luật PCTN (sửa đổi) gồm 11 chương, 98 điều quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN. Dự kiến luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Những nội dung thảo luận liên quan đến việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, xác minh và xử lý tài sản tham nhũng… nhận được sự quan tâm của các đại biểu, cử tri. Đặc biệt là việc xây dựng riêng một mục gồm 4 điều trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của luật hiện hành để cụ thể hóa về “xây dựng liêm chính” trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được đánh giá là một bước tiến, nhằm từng bước hoàn thiện các chuẩn mực trong hoạt động công vụ. 

Ở chương II: Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, tại mục 3 về thực hiện quy tắc, ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ điều 20 đến điều 23) đã cụ thể hóa những việc không được làm, việc tặng và nhận quà, kiểm soát xung đột lợi ích... Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử. Quy tắc này bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn phải được công khai.

Trước đó, chuẩn mực trong hoạt động công vụ đã được quy định tại các luật như: Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật PCTN năm 2005, sửa đổi các năm 2007, 2012… Trong đó, Luật PCTN có nhiều quy định về chuẩn mực liêm chính của người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời có quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Điểm mới về thực hiện quy tắc ứng xử của Luật PCTN (sửa đổi) lần này so với các luật hiện hành là đã tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định về thực hiện quy tắc, ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm tạo ra sự thống nhất và chặt chẽ hơn. Cụ thể, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được: Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh đối với tổ chức, cá nhân, nhũng nhiễu trong giải quyết công việc. Không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, HTX, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Không được tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết. Không được sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong một số trường hợp cần thiết khác. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Đây là những quy định tại điều 22 về tặng quà và nhận quà tặng. 

Bên cạnh xây dựng các phương án xử lý nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, việc cụ thể hóa các quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn được xem như giải pháp mang tính chủ động, tạo dựng nền tảng đạo đức công vụ, xây dựng hệ thống miễn dịch cho nền công vụ trước sức tàn phá của tham nhũng. 

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng chế độ liêm chính để phòng chống tham nhũng