Xây dựng 2 điểm tiểu thủ công nghiệp tập trung ở Gia Lộc: Tiến độ ì ạch

27/11/2018 12:44

Tiến độ xây dựng 2 điểm tiểu thủ công nghiệp tập trung (TTCNTT) để phát triển, mở rộng các làng nghề giày da ở xã Hoàng Diệu, mộc Đức Đại ở thị trấn Gia Lộc rất chậm...

Dự án ở xã Hoàng Diệu vẫn là bãi đất trống

Dân không sẵn sàng lo kinh phí

Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất da giày ở Hoàng Diệu đều nằm trong khu dân cư. Các hộ làm nghề tận dụng đất của gia đình để xây xưởng sản xuất. Diện tích chật hẹp, bí bách khiến nhiều hộ làm nghề mong muốn được chuyển đến một khu sản xuất tập trung, rộng rãi hơn. Anh Nguyễn Văn Công, chủ hộ sản xuất giày da ở thôn Trúc Lâm cho biết: “Năm 2016, UBND xã đã mời người dân lên để triển khai đề án xây dựng khu sản xuất tập trung cho làng nghề có địa điểm ở thôn Phong Lâm. Thế nhưng từ bấy đến nay chưa thấy dự án nhúc nhích gì thêm”.

Tháng 8.2016, ngay sau khi Huyện ủy Gia Lộc ban hành đề án số 02 “Quy hoạch, xây dựng 2 điểm TTCNTT để phát triển, mở rộng các làng nghề giày da xã Hoàng Diệu, làng nghề mộc Đức Đại thị trấn Gia Lộc, giai đoạn 2016 - 2020”, UBND xã Hoàng Diệu đã cho họp bàn và xin ý kiến nhân dân về chủ trương triển khai dự án. Đa số người dân đều đồng tình. Dự kiến dự án có diện tích khoảng 6 ha, thuộc khu đất của thôn Phong Lâm. 100 hộ sản xuất của 3 làng nghề da giày ở Hoàng Diệu sẽ được di chuyển ra khu vực này để sản xuất. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 11 hộ của xã đăng ký ra khu đất mới.

Nguyên nhân chủ yếu do nếu các hộ quyết định di chuyển ra khu sản xuất tập trung phải tự lo kinh phí giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và toàn bộ số tiền xây dựng nhà xưởng. “Đối với các hộ làm nghề nhỏ lẻ như gia đình chúng tôi thì khó có số tiền lớn như vậy để chuyển ra khu sản xuất tập trung. Hơn nữa, nếu chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền để giải phóng mặt bằng, xây nhà xưởng thì cũng không biết đến bao giờ dự án mới hoàn thành”, anh Nguyễn Văn Tuân, chủ một cơ sở sản xuất giày da ở thôn Phong Lâm nói.

Nhiều hộ làm nghề ở làng mộc Đức Đại, thị trấn Gia Lộc cũng muốn có một khu sản xuất tập trung bài bản, được đầu tư hạ tầng đồng bộ, đáp ứng được các yêu cầu sản xuất đồ gỗ ngày càng cao của người dân. Song đến nay, các hộ vẫn phải chờ vì phương án các hộ tự bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu sản xuất tập trung khó khả thi.  

Ông Phạm Văn Tuấn ở làng nghề mộc Đức Đại cho biết: “Diện tích sản xuất chật hẹp, phải để nguyên liệu tràn ra cả đường đi nên cũng ngại. Vì vậy chúng tôi mong dự án sớm triển khai. Nếu người dân không tự đóng góp được thì huyện cần tìm giải pháp khác để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng giúp chúng tôi sớm ổn định sản xuất”.

Lựa chọn doanh nghiệp đầu tư

Đến nay, xã Hoàng Diệu và thị trấn Gia Lộc đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai đề án. Các địa phương này đã khảo sát và đánh giá nhu cầu sử dụng thực tế của các hộ dân và hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng điểm TTCNTT, đồng thời đã thành lập ban quản lý và xây dựng được quy chế quản lý hoạt động của các điểm tiểu thủ công nghiệp này.

Mặc dù đã triển khai được những công việc nhất định nhưng so với kế hoạch được Huyện ủy giao thì tiến độ thực hiện các dự án còn chậm và cần được đẩy nhanh để sớm đưa dự án vào sử dụng theo dự kiến vào năm 2020. Ông Nguyễn Đức Chải, Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu cho biết: “Nhận thấy ý nghĩa quan trọng của điểm TTCNTT đối với sản xuất của làng nghề, UBND xã đang gấp rút triển khai những bước tiếp theo của đề án. Trước mắt, một tín hiệu vui là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vina Giày dự kiến sẽ về đầu tư cơ sở hạ tầng cho điểm TTCNTT của xã. Doanh nghiệp sẽ đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại để các cơ sở sản xuất trong làng có thể ra đó sản xuất, giải được bài toán về quỹ đất phục vụ làm nghề đang rất khó khăn hiện nay, đồng thời giảm được ô nhiễm môi trường trong khu dân cư”.

Theo ông Vũ Quý Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Gia Lộc, việc xây dựng 2 điểm TTCNTT để mở rộng quỹ đất cho các hộ sản xuất hiệu quả, bài bản, hướng đến nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm đã được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm. Để dự án sớm triển khai, UBND huyện đang tích cực phối hợp với các địa phương để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng. Đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến 2 dự án này và cam kết sẽ triển khai dự án sớm. Huyện đang cân nhắc, đánh giá để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, đáp ứng được các tiêu chí mà dự án đặt ra, bảo đảm được lợi ích của các hộ sản xuất làng nghề. Không để xảy ra tình trạng điểm TTCNTT xây xong rồi lại bỏ đó, các hộ không vào sản xuất sẽ rất lãng phí.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng 2 điểm tiểu thủ công nghiệp tập trung ở Gia Lộc: Tiến độ ì ạch