Cũ kỹ, xuống cấp là thực trạng chung của hầu hết trạm bơm do các HTX Dịch vụ nông nghiệp quản lý trên địa bàn tỉnh. Không chỉ làm hạn chế năng lực tưới mà những trạm bơm này gây ra nhiều mối nguy hại cho người trực tiếp quản lý, vận hành.
6 trong tổng số 9 trạm bơm ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) đã xuống cấp nghiêm trọng
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, 1 trạm bơm mới nhất của địa phương xây dựng cách đây gần 20 năm, còn lại đều xây vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Máy bơm cũ, lạc hậu nên thường xuyên hỏng hóc nhưng không có kinh phí thay nên HTX chỉ có cách hỏng đâu sửa đó. Việc sửa chữa chắp vá lâu dài rất tốn kém song HTX không có nguồn kinh phí dự phòng nên bắt buộc phải làm theo cách này.
“Hằng năm, HTX đều phải giật gấu vá vai, căn ke từ nguồn thuỷ lợi phí eo hẹp để sửa máy bơm. Tuy phải bỏ ra số tiền lớn từ 50-70 triệu đồng mỗi năm nhưng hiệu quả không cao, nhiều lúc sản xuất bị gián đoạn do máy bơm trục trặc”, ông Hưng cho biết.
6 trong tổng số 9 trạm bơm ở xã Ứng Hoè (Ninh Giang) đã xuống cấp nghiêm trọng phải tu sửa nhiều lần. Tuy nhiên do không có kinh phí, HTX chỉ thực hiện sửa chữa nhỏ mỗi khi máy bơm gặp sự cố mà không bảo dưỡng toàn hệ thống. Vì thế máy móc không đáp ứng được yêu cầu sản xuất.
Theo anh Nguyễn Văn Quyến, công chức phụ trách giao thông, thuỷ lợi, nông nghiệp, nông thôn xã, địa phương có diện tích đất sản xuất lớn, hơn 650 ha, có thời điểm nhiều máy bơm hỏng cùng lúc làm ảnh hưởng tới gần 1/3 diện tích sản xuất. Thời vụ gấp gáp trong khi việc vận hành các trạm bơm mất nhiều thời gian, phải dùng đủ cách thủ công để mồi nước thì máy bơm mới hoạt động. Địa phương mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để thay mới hoặc tu sửa đồng bộ những trạm bơm xuống cấp nhằm tạo thuận lợi hơn trong sản xuất.
Gần 10 năm làm công việc quản lý trạm bơm ở thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt (Thanh Hà), ông Phạm Văn Khương nghi ngại nhất là nỗi lo về điện. Máy bơm cũ, thường xuyên phải tháo ra lắp vào để kiểm tra, sửa chữa nên tiêu tốn điện năng. Nhiều thiết bị hoen gỉ nên không còn bảo đảm an toàn về điện. Nhà trạm xập xệ, tường nhà, trần nhà có nhiều vết nứt sâu, lớp bê tông bong tróc, hễ mưa là dột.
Ông Khương phàn nàn: “Trạm cũ quá nên những ngày mưa nước rò rỉ ẩm thấp, nếu không cẩn thận sẽ bị điện giật. Mấy năm nay nguồn thu của HTX hạn chế, chi tiêu cũng eo hẹp. Những người nhận trông trạm bơm không còn được cấp bảo hộ lao động nên cũng thêm phần lo ngại”.
Hiện toàn tỉnh có 959 trạm bơm do HTX Dịch vụ nông nghiệp quản lý với tổng công suất bơm 900.890 m3/giờ. Các trạm bơm này đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước tưới lưu vực nhỏ, bảo đảm nguồn nước tưới cân đối giữa các vùng. Tuy nhiên, phần lớn các trạm bơm đều xây dựng trước năm 1995, máy móc lạc hậu, phần công trình xuống cấp. Nếu xảy ra tình huống bất lợi về thời tiết hay giai đoạn cao điểm mùa vụ thì nguy cơ xảy ra sự cố công trình rất lớn. Việc cải tạo cũng rất khó khăn vì thiếu kinh phí. Các HTX chỉ có nguồn duy trì từ thuỷ lợi phí mà kinh phí này phải sử dụng cho nhiều dịch vụ khác. Việc huy động nông dân đóng góp cũng không khả thi vì có sự chênh lệch giữa các địa phương.
Theo ông Lê Văn Điền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, trạm bơm cấp xã do địa phương sử dụng và quản lý nên các địa phương có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần thông qua nguồn thuỷ lợi phí chứ không hỗ trợ hoàn toàn. Các địa phương cần chủ động phương án khắc phục, tránh để trạm bơm ngày càng xuống cấp.
PV