Xập xệ chợ Neo

04/04/2017 06:17

Mong muốn của người dân là chợ Neo sớm được quy hoạch lại, mở rộng để thuận lợi buôn bán, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.



Cổng vào chợ Neo chỉ là lối đi nhỏ hẹp khiến người mua ngại ra vào mua bán


Khung cảnh xập xệ, mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường không bảo đảm, nguy cơ cháy nổ cao... là những tồn tại ở chợ Neo từ nhiều năm qua khiến chợ vắng khách, người dân kinh doanh không hiệu quả.

Người bán gấp đôi người mua

Nằm sát đường trục chính sầm uất của thị trấn Thanh Miện, song cúi đầu lách qua một chiếc cổng nhỏ hẹp, sâu hun hút đi vào trong thì chợ Neo hoàn toàn khác biệt. Các ki-ốt nằm san sát nhưng mỗi gian hầu như chỉ có người bán hàng trong cảnh tranh tối, tranh sáng, còn chẳng có mấy người mua. Nếu không phải người dân ở đây thì khó mà biết phía trong có một cái chợ đã tồn tại gần bốn chục năm qua.
Cũng như nhiều người khác, từ hơn 10 năm nay, mỗi ngày bà Phạm Thị Bẩy, chủ ki-ốt bán băng đĩa nhạc chỉ làm bạn với chiếc radio hoặc chiếc điện thoại di động vì vắng khách. “Chợ này người bán lúc nào cũng nhiều gấp đôi người mua. Có khi cả ngày tôi không bán được ít hàng nào". Trước đây, để có được một gian hàng trong chợ, bà Bẩy phải bỏ ra 35 triệu đồng. Sau khi thu tiền, chủ đầu tư hầu như bỏ bẵng việc quản lý nên nhiều chủ ki-ốt bày hàng hóa lấn chiếm cả đường đi, rác thải trong chợ chưa được xử lý triệt để.

Có ki-ốt ngay phía cổng chợ nhưng việc buôn bán hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Cúc cũng chẳng khá khẩm hơn. Chị Cúc mua lại ki-ốt này của người khác với giá gần 50 triệu đồng. Hàng bán ế chỏng chơ nhưng hằng ngày chị vẫn phải cố gắng làm vì bỏ thì tiếc của. "Còn 7 năm nữa chúng tôi mới hết hạn hợp đồng nhưng chợ đã xuống cấp, đặc biệt là hệ thống điện. Ki-ốt của tôi nằm phía ngoài nên kéo điện nhờ từ ngoài vào. Những hộ buôn bán phía trong phải kéo chung đường dây điện, nhiều khi quá tải gây chập cháy. Nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì rất khó xử lý, vì nhiều hàng hóa dễ cháy và đường vào chợ rất nhỏ hẹp", chị Cúc lo lắng.

Đúng như lời chị Cúc, muốn đi một vòng quanh chợ, chúng tôi phải lách qua các gian hàng, dưới chân nước đọng lép nhép, hàng hóa hầu hết là đồ dễ cháy lấn chiếm đường đi. Tại chợ này, do hệ thống phòng cháy, chữa cháy yếu kém nên đã từng xảy ra hỏa hoạn lớn. Lúc 22 giờ 15 ngày 28.7.2014, ki-ốt bán quần áo, giày dép số 15A của ông Nguyễn Tiến Toan và bà Bùi Thị Dung đã bị lửa thiêu rụi hoàn toàn. Sau khi phát hiện, người dân đã hỗ trợ di chuyển hàng hóa ra xa đám cháy song hỏa hoạn vẫn gây thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng. Nghĩ lại vụ việc đó, chúng tôi không khỏi rùng mình bởi nếu không may chợ lại xảy ra hỏa hoạn thì người dân thoát nạn thế nào, lực lượng chức năng cứu hỏa ra sao? Ngoài ra, do việc bảo đảm an ninh trật tự tại đây không được chú trọng nên vẫn xảy ra mất mát hàng hóa. Đêm 22.9.2016, 4 đối tượng ở Hải Phòng, Hưng Yên đã phá khóa vào ki-ốt của chị Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Thoa lấy trộm quần áo, mỹ phẩm, đồ điện tử, tổng trị giá khoảng 130 triệu đồng.

Chờ chợ mới

"Chợ này người bán lúc nào cũng nhiều gấp đôi người mua. Có khi cả ngày tôi không bán được ít hàng nào."


Chợ Neo được xây dựng từ năm 1982 do UBND xã Lê Bình (nay là thị trấn Thanh Miện) đầu tư và quản lý. Sau khi chợ bị xuống cấp, ngày 6.1.2001, UBND thị trấn Thanh Miện (đại diện là ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch UBND thị trấn lúc đó) cùng ông Đỗ Đình Chiến ở số nhà 85 La Thành (Hà Nội) ký hợp đồng "Đầu tư quản lý nâng cấp chợ Neo". Sau khi được cải tạo, chợ giữ nguyên diện tích 3.000 m2.

UBND thị trấn khi đó tưởng rằng chủ đầu tư thu tiền thuê ki-ốt làm nhiều lần trong nhiều năm. Nhưng cải tạo, nâng cấp xong, ông Chiến thu một lần với nhiều mức, từ 10 triệu, 15 triệu, 25 triệu, 42 triệu đồng/ki-ốt... khiến các hộ đã ký hợp đồng thuê ki-ốt phản ứng vì hạ tầng kém, kinh doanh không hiệu quả. Đã thế sau khi cải tạo, ông Chiến ủy quyền cho 2 người ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) tổ chức, quản lý chợ. Việc phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, xử lý vi phạm lấn chiếm bị buông lỏng...

Mặc dù là chợ đầu mối lớn của cả huyện, từng thu hút rất đông người dân các xã lân cận đến mua bán, trao đổi, song hiện chợ Neo rất vắng vẻ. Từ khi tất cả các quầy kinh doanh thực phẩm trong chợ chuyển sang khu vực khác chợ lại càng vắng, từ 170 hộ kinh doanh, giờ chỉ còn khoảng 120 hộ. Nhiều hộ tràn ra đường bán hàng khiến giao thông lộn xộn... Kinh doanh không hiệu quả, nhưng vì tiền đã nộp một cục nên các hộ thuê ki-ốt đành cố gắng bám trụ để mong lấy lại vốn.

Mong muốn của nhiều người bán hàng ở đây cũng như chính quyền thị trấn là chợ sớm được quy hoạch lại, mở rộng để thuận lợi buôn bán, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và góp phần nâng cấp thị trấn Thanh Miện. Nhưng do một số ràng buộc giữa chủ đầu tư với người buôn bán chưa giải quyết xong nên dự định chưa thực hiện được.

Theo ông Đỗ Quý Can, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Miện, từ năm 2016 UBND huyện Thanh Miện đã có dự án đầu tư, mở rộng chợ Neo thành trung tâm thương mại với diện tích khoảng 5,5 ha thuộc khu dân cư Bất Nạo và Lê Bình. Địa phương đã phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành đo trích lục, khi hoàn thành sẽ báo cáo tỉnh để kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, để có thể xây dựng, mở rộng chợ Neo mới, chính quyền thị trấn Thanh Miện đã kiến nghị cấp có thẩm quyền hủy hợp đồng đã ký với ông Chiến. Đồng thời khởi kiện vụ án hành chính, bị đơn là chủ đầu tư chợ Neo. "Việc khởi kiện của UBND thị trấn đối với chủ đầu tư hiện chưa có kết quả. Do đó, việc buôn bán của bà con có thể tiếp tục gặp bất lợi, ít nhất là đến năm 2023 - khi hợp đồng kinh doanh của chủ đầu tư và hợp đồng thuê ki-ốt hết thời hạn", ông Can cho biết.

TIẾN HUY - TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xập xệ chợ Neo