Xác định độ tuổi trẻ em phù hợp

14/11/2015 08:13

Sáng 13-11, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.



Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng Chính phủ phải tính đến chiến lược phát triển ô tô trong nước
khi thuế nhập khẩu ô tô bằng 0


Luật hóa hành vi bị cấm trong tín ngưỡng, tôn giáo

Về lĩnh vực tín ngưỡng, các đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận), Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng tên gọi cũng như phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã bao quát cả lĩnh vực tín ngưỡng song chưa giải thích rõ thuật ngữ “tín ngưỡng” được sử dụng trong dự thảo.

Nội dung về tín ngưỡng trong dự thảo luật còn đơn giản, sơ sài, chưa bao quát được đầy đủ hoạt động tín ngưỡng đang diễn ra một cách đa dạng và phức tạp như hiện nay. Dự thảo luật mới đề cập đến các cơ sở tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở này mà chưa làm rõ các hình thức tín ngưỡng khác nhau. Thực tiễn hoạt động tín ngưỡng hiện nay đang hình thành các thiết chế tương tự như tôn giáo, có tổ chức, quy tắc, lễ nghi… song dự thảo luật còn thiếu các quy định điều chỉnh những nội dung này.

Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để bổ sung những quy định cụ thể về lĩnh vực này, nhằm bảo đảm hoạt động tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của một bộ phận lớn quần chúng nhân dân, vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời hạn chế các hoạt động tín ngưỡng lạc hậu, thiếu tính nhân văn.

Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu cho rằng cần thiết phải quy định nội dung này trong dự thảo luật, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì, đồng thời làm căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, một số hành vi bị nghiêm cấm còn khái quát, khó định lượng. Mặt khác, dự thảo luật mới chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm chung mà chưa làm rõ hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với cá nhân; hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với tổ chức.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm việc cấm lợi dụng quyền tự do tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, xâm hại thuần phong mỹ tục.

Đổi tên thành Luật Trẻ em

Thảo luận về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), các đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân, Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị), Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nhất trí đổi tên luật thành Luật Trẻ em như phương án 1 của Chính phủ trình và cho rằng: Tên gọi này ngắn gọn, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của luật và phù hợp với cách đặt tên của những luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù như: Luật Thanh niên, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật.

Thảo luận về độ tuổi trẻ em, đa số các đại biểu nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi theo lập luận nêu trong tờ trình của Chính phủ. Theo các đại biểu, việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên). Đồng thời, quy định như vậy phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông; là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội.

Đại biểu Thạch Thị Dân (Trà Vinh) cho rằng quy định như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, đối với một số nhóm trẻ chưa thành niên (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi), có một số vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đề xuất biện pháp giải quyết như: Nạn tảo hôn; tình trạng nạo phá thai của trẻ em vị thành niên; làm mẹ ở tuổi vị thành niên, nhất là các em ở vùng cao; xâm phạm tình dục, cưỡng bức lao động. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo đánh giá tác động việc thay đổi chính sách về độ tuổi và nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

Có ý kiến đề nghị giữ nguyên độ tuổi trẻ em như luật hiện hành. Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng, hiện nay quy định về độ tuổi trẻ em ở các văn bản pháp luật hiện hành đều có “độ vênh” và khác nhau. Bộ luật Dân sự quy định người thành niên là người đủ từ 18 tuổi trở lên. Nhưng Luật Thanh niên lại quy định thanh niên là người từ đủ 16 đến 30 tuổi. Còn Bộ luật Lao động lại quy định người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và giao kết hợp đồng lao động... Do đó, nếu nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi thì thống kê số trẻ em phạm tội sẽ tăng lên nhiều.

Chủ động với chính sách giảm thuế nhập khẩu ô tô

Chiều cùng ngày, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng: “Nếu như đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô bằng 0 thì ngành ô tô tại Quảng Nam mà cụ thể là doanh nghiệp ô tô Trường Hải sẽ không thể tồn tại. Sẽ có khoảng 10.000 công nhân thất nghiệp, khoảng 50% ngân sách của Quảng Nam bị hụt. Và nhiều hệ lụy khác về mặt xã hội sẽ xảy ra. Cho nên chúng tôi hết sức băn khoăn”.

Trở lại chính sách về thuế nhập khẩu ô tô trong nước, đại biểu Lai nói: “Với mức thuế như vậy, với sự cạnh tranh khốc liệt của nước ngoài, thì ngành ô tô của chúng ta mới ra đời, còn non trẻ, vốn đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, kinh nghiệm sản xuất ô tô chưa nhiều sẽ không theo kịp. Trong khi các nước trong khu vực đã có đầy đủ điều kiện chiến thắng chúng ta”. Đại biểu Lai đặt câu hỏi: “Chính phủ đã tính đến việc chiến lược phát triển ô tô của chúng ta trong đề án về phát triển ô tô trong nước có khả năng thất bại không? Đã tính đến việc vượt qua khó khăn và đã có giải pháp nào chưa?”. Đại biểu cho rằng Chính phủ cần cân nhắc chính sách thuế này. Phải tính đến “liều lượng” của chính sách để không xảy ra tình trạng “cái sảy nảy cái ung”.

TTXVN - TT

Sáng 14-11, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của QH ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Tiếp cận thông tin và dự án Luật Báo chí (sửa đổi).


(0) Bình luận
Xác định độ tuổi trẻ em phù hợp