Năm 2016, huyện Kim Thành chọn xã Cổ Dũng để xây dựng xã tiên tiến về y dược cổ truyền (YDCT).
Trung bình mỗi tháng, Trạm Y tế xã Cổ Dũng bốc khoảng 200-300 thang thuốc đông y cho bệnh nhân
Từ những ưu thế vốn có cùng với nỗ lực hoàn thiện những tiêu chí còn thiếu, đến nay, Cổ Dũng là xã đầu tiên và duy nhất của Hải Dương đạt tiêu chí tiên tiến về YDCT.
Để xây dựng xã tiên tiến về YDCT, Đảng ủy xã đã có nghị quyết và hằng năm UBND xã đều cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các đoàn thể tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện. Cán bộ y tế thôn đến từng gia đình khảo sát các loại cây thuốc nam được người dân trồng hoặc có sẵn trong vườn nhà; tuyên truyền về lợi ích của những loại thuốc nam phổ biến để người dân nhận biết, sử dụng. Trong quá trình khảo sát, cán bộ y tế thôn cũng bổ sung những loại cây thuốc mà vườn thuốc của Trạm Y tế chưa có. Việc khảo sát không chỉ phục vụ mục đích hoàn thiện tiêu chí xây dựng xã tiên tiến về YDCT mà còn mang lại hiệu quả thực sự khi các cán bộ, nhân viên của trạm cơ bản nắm được những hộ dân có những cây thuốc thông dụng nào để hướng dẫn họ sử dụng. Hiện nay, vườn thuốc nam của Trạm Y tế có 62 loại cây thuốc và thường xuyên được chăm sóc.
Từ lâu, việc khám chữa bệnh bằng YDCT đã không còn xa lạ với người dân xã Cổ Dũng, bởi Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nguyễn Hữu Thân là y sĩ YDCT từng được người cha truyền lại nhiều bài thuốc nam chữa bệnh. Khám chữa bệnh bằng YDCT hoặc y học hiện đại đều được các cán bộ, nhân viên của trạm thực hiện hài hòa với phương châm "lấy người bệnh làm trung tâm". Khi người dân đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã, nếu gặp các bệnh có thể chữa bằng phương pháp YDCT thì các y, bác sĩ đều đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân sử dụng phương pháp này bởi chi phí rẻ hơn, thường không có tác dụng phụ trong khi hiệu quả có thể tương đương với y học hiện đại.
Năm 2016, UBND xã Cổ Dũng đầu tư khoảng 30 triệu đồng để mua sắm một số trang thiết bị cho phòng khám YDCT của Trạm Y tế. Có thế mạnh với những bài thuốc tiêu độc, chữa cảm sốt, đau xương khớp, Trạm Y tế xã Cổ Dũng không chỉ thu hút người dân trong xã mà còn là địa chỉ tin cậy đối với người dân ở các địa phương khác. Trung bình mỗi năm, Trạm Y tế xã khám và điều trị cho hơn 7.000 lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 40% số người khám chữa bệnh bằng YDCT kết hợp y học hiện đại. Trung bình mỗi tháng, trạm bốc khoảng 200-300 thang thuốc đông y cho bệnh nhân.
Bà Nguyễn Thị Thuần (48 tuổi) ở thôn Bắc cho biết: “Trước đây, tôi chưa thực sự quan tâm đến những cây thuốc có sẵn trong vườn nhà. Khi cán bộ y tế thôn tới tuyên truyền về công dụng của những loại cây thuốc này, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu để có thể tận dụng tối đa tác dụng của chúng và sẵn sàng chia sẻ cho hàng xóm, láng giềng khi họ cần. Tôi cảm thấy yên tâm khi được điều trị các bệnh thông thường bằng phương pháp YDCT tại trạm”.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cổ Dũng cho biết, thời gian tới trạm tiếp tục phát triển tổ chức mạng lưới y tế, dược cổ truyền từ xã đến thôn, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về YDCT, giúp họ biết cách trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình.
HUYỀN TRANG