Trong khi các cấp, các ngành trong tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương phòng, chống dịch tai xanh trên lợn, thì xã Thái Hòa, huyện Bình Giang vẫn chưa làm tốt công tác phòng, chống dịch.
|
Nhiều xác lợn chết bị vứt rải rác trên sông Tiêu (xã Thái Hòa) |
Theo Chi cục Thú y tỉnh, dịch tai xanh trên lợn đã xuất hiện ở 4 huyện trên địa bàn tỉnh, với hơn 650 con bị bệnh, đã chết hơn 220 con. Trong đó, huyện Bình Giang có 5 xã có dịch là Tân Việt, Nhân Quyền, Thái Học, Hồng Khê và Vĩnh Tuy. Mặc dù dịch tai xanh đã gây thiệt hại cho huyện Bình Giang, làm hơn 164 con bị ốm, hơn 50 con lợn chết đã tiêu huỷ, song thực tế tại xã Thái Hòa, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn hết sức lơ là, chủ quan.
Theo quan sát của chúng tôi, trên đoạn sông Tiêu dài khoảng 2 km nằm trên trục đường chính đi vào xã Thái Hòa, có hàng chục bao tải hoặc lợn chết vứt rải rác. Nhiều lợn con, lợn nhỡ 30-40 kg bị “tông” thẳng xuống sông nằm trương phềnh, bốc mùi xú uế khó chịu. Ngoài ra, nhiều hộ dân còn vứt rải rác các bộ nội tạng lợn xuống các ao, mương quanh khu vực xã, gặp gió thổi dạt vào bờ, chó tha lên mặt đường trông rất mất vệ sinh. Đây chính là những nguyên nhân gây nên tình trạng lây lan dịch bệnh trong xã. Điều nguy hiểm là có nhiều hộ dân vì tiếc của đã bán tống bán tháo số lợn ốm chết; hoặc ra vớt xác lợn chết dưới sông đem về luộc lên làm thức ăn cho cá.
Anh Nhữ Văn Thơm, ở thôn Nhữ Thị cho biết: Gia đình anh đầu tư xấp xỉ 200 triệu để xây dựng chuồng trại, nuôi 80 con lợn. Lợn đang phát triển tốt, thì đầu tháng 4, có 2 con lợn nái bỏ ăn, đỏ toàn thân, da tím lịm. Mấy ngày sau 1 con lợn nái và hàng chục con lợn con bị chết. Anh Thơm đã báo cáo lên Trạm thú y xã Thái Hòa và đã có cán bộ xuống kiểm tra song họ không lấy mẫu xét nghiệm và chỉ khuyến cáo người dân rắc vôi bột, phun thuốc phòng trừ.
Cũng giống trường hợp của anh Thơm, hàng chục hộ chăn nuôi khác đang lâm vào cảnh dở khóc dở mếu. Đơn cử, anh Nhữ Văn Chung, có 6 con lợn nái, 10 con lợn choai, thì đã bị chết 3 con có trọng lượng khoảng 50 kg. Với số vốn đầu tư cho nuôi lợn khoảng 100 triệu đồng, hiện giờ anh Chung cầm chắc lỗ 60 triệu đồng. Anh Khúc Văn Thắng, nuôi 40 con lợn, đã chết 10 con, giờ còn 2 con lợn nái đang ốm. Chị Vũ Thị Lượng đầu tư khoảng 400 triệu đồng nuôi gần 100 con lợn lớn nhỏ. Hiện lợn nhà chị Lượng đã bị ốm 20 con, chết 15 con. Chị Lượng cho biết: Ngày nào gia đình cũng phun thuốc khử trùng, cho lợn ăn đường glucô, hong bồ kết, ép nước tỏi cho lợn uống nhưng lợn vẫn ốm chết. Chị Lượng đau đớn nghĩ, nếu toàn bộ số lợn bị chết, thì gia đình chị không biết đến khi nào mới trả hết nợ.
Theo anh Nhữ Văn Thơm và nhiều hộ chăn nuôi ở thôn Nhữ Thị: Lợn ốm trên địa bàn xã bắt đầu xuất hiện từ ngày 30-3, các hộ dân đã báo lên thú y xã. Trên huyện cũng đã có cán bộ về kiểm tra, song chỉ khuyến cáo người dân cách phòng trừ mà không lấy mẫu xét nghiệm, dẫn đến việc lợn ốm, chết hàng loạt, người dân phải bán tống, bán tháo, hoặc vứt bừa bãi gây mất an toàn vệ sinh và góp phần lây lan dịch bệnh. Theo nhiều hộ chăn nuôi có kinh nghiệm, lợn ốm chết ở xã Thái Hòa giống bệnh tai xanh như các xã đã công bố dịch trên địa bàn huyện Bình Giang. Một số người dân còn nói rằng: Họ bán tống bán tháo lợn ốm, chết vì lý do xót tiền của, gỡ gạc lại tý vốn. Bởi nếu đem tiêu huỷ hết thì bị nợ đầm đìa.
Đem việc này trao đổi với ông Nhữ Đình Hát, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, chúng tôi rất ngạc nhiên, vì ông Hát cho biết không có việc người dân vứt lợn chết xuống sông Tiêu. Khi chúng tôi đưa số ảnh chụp lợn chết, đặc biệt, nhiều ảnh lợn chết bị vứt ngay ở sông Tiêu trước trụ sở UBND xã Thái Hòa, ông Hát mới chỉ đạo cán bộ thú y xã đi kiểm tra. Ông Hát còn cho rằng: Nếu có lợn chết ở trên sông Tiêu thì là do người dân ở nơi khác đến vứt ở đây. Cách lý giải này của ông Hát là không hợp lý, bởi lẽ dù lợn bị bệnh chết mang từ nơi khác đến thì chính quyền xã cũng phải biết để kịp thời ngăn chặn. Có chăng, đây chỉ là cách nói bao biện của lãnh đạo xã trước tình hình dịch bệnh trên lợn đang bùng phát tại xã Thái Hòa.
Bà Nhữ Thị Thanh, Trạm trưởng Thú y xã Thái Hòa cho biết: Từ ngày 1-4, trên địa bàn xã đã có lợn ốm chết. Tuy nhiên, bà Thanh vẫn chưa nắm được đến nay số lợn ốm chết là bao nhiêu. Hằng ngày, trên địa bàn xã vẫn có gần 10 người chuyên buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và người dân vẫn cứ âm thầm vứt bừa bãi lợn chết xuống sông, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh. Điều này, đặt ra câu hỏi có phải xã Thái Hòa quá lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh, hay cố tình giấu dịch, không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống và tiêu huỷ lợn bị dịch theo đúng quy trình, dẫn đến vi-rút gây bệnh phát tán. Đề nghị Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra, ngăn chặn và không để dịch bệnh trên đàn lợn bùng phát và lây lan trên địa bàn xã Thái Hòa và huyện Bình Giang.
TRẦN TIẾN DUẨN(TTXVN)