Xã Quốc Tuấn xóa ruộng hoang

22/05/2019 15:37

Mặc dù có lợi thế về phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nhưng những năm gần đây, xã Quốc Tuấn lại trở thành điển hình trong phong trào xóa ruộng hoang của huyện Nam Sách.


Gia đình bà Tám nhận gần 30 mẫu ruộng hoang để gieo cấy lúa tập trung

Người dân chủ động

Từ năm 2010, nhiều hộ dân ở xã Quốc Tuấn, nhất là ở thôn An Xá không còn thiết tha với đồng ruộng. Thu nhập từ cây lúa bấp bênh làm cho nhiều khu đồng màu mỡ ngày nào bị bỏ hoang. Trước thực trạng này, với sự vận động của chính quyền địa phương, một số nông dân đã mạnh dạn gom ruộng hoang, nuôi ý tưởng sản xuất lúa hàng hóa.

Gia đình bà Lê Thị Tám là một trong những hộ đi đầu trong tích tụ ruộng đất tại xã. Từ 5 sào ruộng khoán của gia đình, hiện bà đang gieo cấy 30 mẫu cho thu lãi hơn 100 triệu đồng/vụ. Bà Tám cho biết: "Năm 2010, khi thấy nhiều hộ bỏ ruộng đi làm công việc khác, tôi không nghĩ ngợi nhiều mà tới từng nhà nhận 3 mẫu ruộng cấy. Sau nhiều vụ lúa, tôi nhận thấy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không cho hiệu quả kinh tế cao mới là nguyên nhân sâu xa khiến người dân chán ruộng. Vì vậy tôi đã xin thêm ruộng, đầu tư máy móc, quyết tâm làm giàu từ cây lúa. Cơ ngơi khang trang hiện nay của gia đình tôi được gây dựng từ chính những diện tích ruộng bỏ hoang của người dân trong thôn".

Sau gần 10 năm, gia đình anh Trần Đình Tuấn cũng tích tụ được hơn 40 mẫu ruộng bỏ hoang để cấy lúa. Để phục vụ cho sản xuất hàng hóa, anh đã vay mượn mua máy cày, máy gặt cỡ lớn. Nhận thấy việc gieo cấy trước kia còn nhiều bất cập, anh đã nghiên cứu và có những thay đổi phù hợp để tăng năng suất lúa. Theo anh Tuấn, cây lúa đã quá quen thuộc với nông dân, song mọi người vẫn làm theo thói quen mà không tính toán hợp lý, tìm cách nâng cao giá trị kinh tế. Xác định sản xuất lớn nên anh chỉ lựa chọn những giống lúa hàng hóa chứ không phải giống lúa chất lượng cao. Những khu vực hay bị chuột, sâu bệnh phá hoại, anh cũng sử dụng biện pháp diệt chuột đồng bộ từ giống đến kỹ thuật canh tác. Hiện nay gia đình anh Tuấn có cuộc sống ổn định từ cây lúa.

Trước thực trạng ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều, ngoài hộ bà Tám, anh Tuấn, xã Quốc Tuấn cũng có một số cá nhân nhận ruộng sản xuất với những cách làm hay. Điều này không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.

Chính quyền hỗ trợ

Do có quốc lộ 37 chạy qua và 2 làng nghề truyền thống, xã Quốc Tuấn có thế mạnh trong phát triển thương mại, dịch vụ nên người dân lơ là với sản xuất nông nghiệp. Có thời điểm diện tích ruộng bỏ hoang của xã lên tới hơn 50 ha, nhưng với nỗ lực của chính quyền và những hộ dân tâm huyết với đồng ruộng nên giờ đây xã không còn ruộng hoang.

Theo ông Phạm Công Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, Quốc Tuấn hiện có 316 ha đất nông nghiệp. Trước đây, vì đồng ruộng không mang lại thu nhập cao nên người dân lần lượt bỏ ruộng. Những khu đồng bờ xôi ruộng mật cũng bị để hoang hóa. Do chính quyền, đoàn thể vận động và hỗ trợ, một số hộ đã tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, xóa tình trạng ruộng bỏ hoang nhiều năm tại địa phương. Những đảng viên trong xã cũng gương mẫu đi đầu nhận ruộng hoang để người dân noi theo, không bỏ ruộng theo phong trào. Xã cũng tạo mọi điều kiện trong thẩm quyền cho phép để giúp những hộ có nguyện vọng mượn đất, thuê đất sản xuất. Vì vậy mà từ địa phương có diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang lớn của huyện Nam Sách, hiện xã Quốc Tuấn đã không còn ruộng hoang. Từng tấc đất đều mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Ông Võ Hồng Nam, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách đánh giá, biện pháp xóa ruộng hoang ở xã Quốc Tuấn không chỉ là việc phủ kín diện tích đất sản xuất mà đã hình thành được những mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trước đây, giúp người dân gắn bó hơn với đồng ruộng. Cách làm này cần được nhân rộng ra toàn huyện để phấn đấu không còn tình trạng bỏ ruộng hoang trong thời gian dài chứ không phải theo từng vụ như hiện nay.

NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã Quốc Tuấn xóa ruộng hoang