Xây dựng môi trường tố tụng thân thiện với người chưa thành niên

12/01/2019 09:25

Tháng 12.2018, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên.


Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Tuyển, Phó Chánh án TAND tỉnh về chức năng, hoạt động của tòa chuyên trách mới này. 

- Được biết không phải địa phương nào cũng thành lập mô hình này mà phải có điều kiện. Tại sao tỉnh ta lại thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên? 

- Luật Tổ chức TAND 2014 quy định thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên trong cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện. Chánh án TAND tối cao cũng ban hành một số thông tư, văn bản hướng dẫn về thành lập, thẩm quyền, thủ tục giải quyết, xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Theo đó, tòa chuyên trách này giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền theo trình tự thủ tục riêng, phù hợp với tâm sinh lý người chưa thành niên. 

Điều kiện để thành lập tòa chuyên trách chỉ cần thụ lý từ 50 vụ/năm trở lên. Trong khi ở tỉnh Hải Dương, hằng năm số vụ việc hôn nhân, gia đình, các vụ án hình sự mà bị cáo hoặc người bị hại là người dưới 18tuổi hoặc các vụ việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND đối với người chưa thành niên do TAND tỉnh thụ lý khá lớn. Chỉ riêng năm2018 đã có 322 vụ việc về hôn nhân gia đình. Chưa kể mỗi năm còn có hàng chục vụ án hình sự hoặc vụ việc xử lý hành chính tại tòa án liên quan đến người chưa thành niên. Do đó, cuối tháng 10.2018, TAND tỉnh đã được TAND tối cao quyết định cho phép thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên. Tháng 12.2018, TAND tỉnh điều chuyển 2 thẩm phán và 1 thư ký để thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên; không phát sinh về nhân lực.

- Các vụ việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa chuyên trách này?

-  Theo quy định tại khoản 6 điều 3 Thông tư số 01/2016/TT-CA của Chánh án TAND tối cao, Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ giải quyết 3 loại vụ việc, gồm: Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác. Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đối với người chưa thành niên. Các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Điểm khác biệt khi tố tụng tại Tòa gia đình và người chưa thành niên?

- Các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên mà phía bị cáo hoặc bị hại không mời người bào chữa hoặc luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ mời. Việc giải quyết, xét xử các vụ án hình sự hoặc các vụ việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ có sự tham gia của người giám hộ, người đại diện hợp pháp, đại diện của nhà trường và các cơ quan, tổ chức nơi người chưa thành niên học tập, lao động, sinh hoạt. Đặc biệt, phòng xét xử của tòa chuyên trách này sẽ được thiết kế, xây dựng, sắp xếp theo hướng thân thiện, tránh tâm lý lo lắng, hoảng sợ, tạo sự gần gũi, phù hợp với tâm sinh lý và thể chất lứa tuổi cũng như đặc điểm của từng vụ việc. Trong phòng xét xử thân thiện, vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp được sắp xếp theo hình thức bàn tròn. Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

- Xin cảm ơn đồng chí.    

NGỌC HÙNG (thực hiện)    

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng môi trường tố tụng thân thiện với người chưa thành niên