Xây dựng Kinh Môn trở thành thị xã vào năm 2020

24/10/2018 09:02

Cách đây 73 năm, ngày 23.10.1945, Chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ huyện Kinh Môn ngày nay được thành lập.

Diện mạo thị trấn Kinh Môn ngày càng khởi sắc

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, chính quyền và nhân dân Kinh Môn đã phát huy tinh thần đoàn kết cùng nhân dân Hải Dương và cả nước làm nên thắng lợi lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu mạnh.

Kinh Môn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng nên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trước yêu cầu mới cần có sự lãnh đạo của Đảng, ngày 23.10.1945, tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Trù ở thôn Hán Xuyên, xã Thất Hùng, đồng chí Trần Cung thay mặt Tỉnh ủy tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Kinh Môn gồm 6 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Trù làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, phong trào cách mạng nơi đây có bước phát triển mạnh mẽ. Đến tháng2.1946, toàn huyện có 30đảng viên sinh hoạt ở 3chi bộ. Để bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, cuối tháng2.1946, Tỉnh ủy Hải Dương đã chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lâm thời gồm 5 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Trù làm Bí thư. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương, cuối tháng 6.1946, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lâm thời mở rộng họp tại thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa, bầu ra Ban Chấp hành mới. Đồng chí Dương Trọng Dần làm Bí thư Huyện ủy.

Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ huyện Kinh Môn đã tập trung lãnh đạo, củng cố xây dựng chính quyền, lực lượng vũ trang ở địa phương, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do nằm ở vị trí quan trọng nên Kinh Môn thường xuyên trở thành mục tiêu càn quét, phá hoại của Pháp. Chúng thực hiện chính sách mua chuộc, lôi kéo nhân dân. Song cán bộ, đảng viên vẫn kiên trì tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ âm mưu của kẻ thù, từ đó vận động họ ủng hộ kháng chiến, cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân Kinh Môn vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Trên đồng ruộng, nông dân "chắc tay cày, vững tay súng", công nhân chắc “tay búa, tay súng”, không kể hiểm nguy vẫn ngày đêm “bám ruộng, bám máy” để sản xuất. Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hàng vạn người con Kinh Môn đã anh dũng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần thu non sông về một mối. Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, toàn huyện có 4.228 liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách; 342 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với những thành tích xuất sắc đó, quân và dân huyện Kinh Môn, các xã Duy Tân, An Sinh, Hiệp Hòa, Hiệp An, Tân Dân, Thất Hùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 


Chiều 22.10, các đồng chí lãnh đạo huyện Kinh Môn đến thăm, tặng quà đồng chí Mạc Văn Vấn (ở xã Hiệp An, nguyên Bí thư Huyện ủy Kinh Môn) và 2 đảng viên lão thành cách mạng ở xã Thất Hùng. Trong ảnh: Tặng quà đảng viên 61 năm tuổi Đảng Nguyễn Văn Phiến ở thôn Hán Xuyên, xã Thất Hùng. Ảnh: Thu Xuân

Phát huy truyền thống yêu nước, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền huyện Kinh Môn đã lãnh đạo nhân dân vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ra sức phát triển kinh tế- xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Sau hơn 30năm đổi mới, đặc biệt từ sau khi tái lập huyện (năm 1997) đến nay, kinh tế-xã hội huyện Kinh Môn đã có những bước tiến vượt bậc. Trong 3 năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng dần giá trị ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giảm dần giá trị ngành nông nghiệp. Năm2018, tổng giá trị sản xuất ước đạt 43.145tỷ đồng, tăng 1,47% so với năm2015; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 49,5 triệu đồng, tăng 9,5triệu đồng. Trong nông nghiệp, ngoài cây lúa, Kinh Môn còn là vùng chuyên canh hành tỏi lớn nhất cả nước, với giá trị kinh tế đạt khoảng 1.000tỷ đồng/năm. Huyện có 4sản phẩm, gồm sắn dây, hành, tỏi và gạo nếp cái hoa vàng được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam vinh danh sản phẩm vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017-2018. Ngoài 4khu công nghiệp là Long Xuyên, Hiệp Sơn, Duy Tân, Phú Thứ, trên địa bàn huyện có hàng trăm doanh nghiệp lớn như các Công ty: TNHH một thành viên Vicem Hoàng Thạch, CP Thép Hòa Phát Hải Dương, Xi măng Phúc Sơn... giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động và đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh. Năm2018, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng của huyện ước đạt 37.691 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2015. Trên địa bàn hiện có nhiều dự án lớn đang được triển khai thực hiện như khu đô thị sinh thái Thành Công, Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương... 

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được đẩy mạnh. Huyện quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Chú trọng bảo tồn, tu bổ các di tích văn hóa. Khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ được công nhận là bảo vật quốc gia. Năm2017, Kinh Môn là huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới, sớm hơn kế hoạch 3 năm. Huyện đang tập trung hoàn thiện các công trình, phần việc, nâng cấp các xã lên phường để được công nhận là thị xã vào năm 2020. 

Cùng với phát triển kinh tế- xã hội, những năm qua Kinh Môn luôn quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh được Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trải qua 73 năm, đến nay Đảng bộ huyện có 7.671 đảng viên, sinh hoạt ở 60 tổ chức cơ sở đảng. Hằng năm, có từ 79,66 - 81,3% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Đảng bộ huyện liên tục giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh, chính quyền đạt trong sạch, vững mạnh nhiều năm được UBND tỉnh tặng bằng khen, Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc; MTTQ và các đoàn thể nhân dân đều vững mạnh, được cấp trên khen thưởng.

Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kinh Môn đang ra sức thi đua phấn đấu, xây dựng huyện Kinh Môn trở thành thị xã vào năm 2020. 

NGUYỄN MINH HÙNG
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kinh Môn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng Kinh Môn trở thành thị xã vào năm 2020