Xã mới hoạt động thế nào? 

05/12/2019 17:58

Qua 4 ngày đi vào hoạt động, 22 xã, thị trấn mới sáp nhập theo Nghị quyết 788 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản ổn định, kịp thời phục vụ nhân dân.


Những ngày đầu sáp nhập khá đông người dân đến trụ sở mới xã Tân Quang làm các thủ tục hành chính

Một số địa phươngchủ động tháo gỡ khó khăn, phân công cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn cần sớm tháo gỡ.

Chủ động phân công thực hiện nhiệm vụ

Chiều 4.12, tại trụ sở xã Hồng Phong (được thành lập từ  sáp nhập 2 xã Tiền Phong và Diên Hồng, Thanh Miện) có khá đông nhân dân đến làm các thủ tục hành chính.

Ngay sau Kỳ họp thứ nhất HĐND xã, Đảng ủy, UBND xã đã họp phiên đầu tiên phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Đảng ủy viên, Ủy viên UBND xã. Xã phân công cán bộ, công chức trực cả ở trụ sở xã Diên Hồng cũ để kịp thời hướng dẫn, phục vụ nhân dân đến giải quyết các thủ tục hành chính. Từ 1.12, 3 cán bộ công an chính quy đã được điều động về xã. Việc sắp xếp, bố trí các đồng chí từ trưởng, phó công an; chỉ huy, phó chỉ huy trưởng quân sự xã đã hoàn thành. Hiện tại, Hồng Phong đã kiện toàn xong chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã và chỉ có 1 đồng chí phó chỉ huy. Các đồng chí công an viên cũ vẫn phụ trách các thôn như trước. UBND xã đã hợp đồng với người bảo vệ cũ của trụ sở xã Diên Hồng để trông coi, bảo vệ tài sản chưa di chuyển sang địa điểm mới.

Đồng chí Trần Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang (đơn vị được sáp nhập từ các xã Hoàng Hanh, Quang Hưng, Tân Quang, Ninh Giang) cho biết từ đầu tuần đến nay, bộ phận "một cửa" của xã đã giải quyết các thủ tục hành chính cho hơn 100 lượt người. Xã đang khẩn trương hoàn thiện các phần việc còn lại sau sáp nhập, tiếp nhận trang thiết bị, cơ sở vật chất từ các xã cũ về trụ sở mới; chỉ đạo các ngành, đoàn thể họp phân công nhiệm vụ cụ thể...

Xã Vĩnh Hưng (do xã Hưng Thịnh nhập với xã Vĩnh Tuy, Bình Giang) dù chưa kịp họp thống nhất phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức nhưng đã kịp thời bố trí lịch trực ở bộ phận "một cửa" để ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.

TP Hải Dương và các huyện có đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập đã thực hiện đồng loạt nhiều công việc hỗ trợ các xã sau ngày thành lập. Huyện Ninh Giang có nhiều xã sáp nhập nhất nên Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy phân công Ủy viên BTV phụ trách địa phương trực tiếp bám cơ sở, nắm bắt và đề xuất, giải quyết ngay khó khăn phát sinh. Ngày 2.12, huyện Ninh Giang đã thành lập 2 tổ đi kiểm tra, nắm bắt tình hình ở những xã mới.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Qua những ngày làm việc đầu tiên sau sáp nhập, ở các xã mới vẫn phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Có nơi, do chưa kiện toàn được các chức danh khiến thiếu cán bộ giải quyết các công việc nảy sinh. Đã có tình trạng người dân lợi dụng tình hình để trục lợi. Sáng 4.12, đồng chí Vũ Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã An Thượng (xã An Châu và Thượng Đạt cũ, TP Hải Dương) vừa giải quyết các công việc của chính quyền xã mới vừa phối hợp với Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố để xử lý một hộ dân cố tình xây dựng công trình trái phép. Sau 3 ngày thành lập xã mới xã vẫn chưa có lực lượng công an chính quy, trong khi các đồng chí nguyên Trưởng Công an của 2 xã cũ đều đã nhận nhiệm vụ khác. 2 đồng chí nguyên là phó công an xã cũng chưa được phân công, bố trí làm nhiệm vụ khác, nhưng cũng chưa rõ có được làm nhiệm vụ cũ hay không. Lo ngại nhất trong những ngày này là nếu xảy ra vấn đề về an ninh trật tự trong xã sẽ không có lực lượng đúng chức năng giải quyết.

Cùng với đó, sau sáp nhập, An Thượng đang có hơn 30 người hoạt động không chuyên trách từ 2 xã cũ gộp lại. Đến thời điểm này, các xã mới thành lập phải thực hiện theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24.4.2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, xã đang thừa tới hơn 20 người hoạt động không chuyên trách. Nhưng do chưa có hướng dẫn thực hiện nghị định này nên xã chưa biết sẽ được bố trí bao nhiêu người. Lãnh đạo xã đang lo ngại không thể chi trả lương cho số lượng người hoạt động không chuyên trách hiện có.

Xã mới Tân Quang (Ninh Giang) có địa bàn rất rộng, số dân đông khi được sáp nhập từ 3 xã khiến việc quản lý ban đầu gặp khó. Số cán bộ, công chức tăng lên 33 người. Nhiều chức danh đang có tới 3-4 cán bộ như giao thông - thủy lợi, tư pháp, văn hóa xã hội... khiến công việc phối hợp còn lúng túng. Trong những ngày đầu mới sáp nhập, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh đến người dân rất quan trọng. Tuy nhiên, do hệ thống truyền thanh cũ, công suất yếu nên chưa thể kết nối trong toàn xã. Hiện xã đang thực hiện giải pháp tình thế, giữ nguyên 3 cụm truyền thanh ở 3 xã cũ.

Hiện nay, một số huyện như Ninh Giang, Bình Giang, Gia Lộc, Thanh Miện, Cẩm Giàng đã lên phương án giải bài toán nhân sự sau sắp xếp. Huyện Thanh Hà đã có phương án sắp xếp đội ngũ công chức và đang tiến hành các bước đối với đội ngũ cán bộ các đoàn thể. Các địa phương còn lại cũng triển khai các bước để giải quyết vấn đề này.

Sau sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, một số vấn đề cần quan tâm là cập nhật thông tin về các xã, thị trấn mới như tên xã, địa chỉ đặt trụ sở, danh sách người phát ngôn mới trên cổng thông tin điện tử các địa phương; vẽ lại bản đồ các huyện, thành phố... Tuy nhiên, hiện nhiều cổng thông tin cấp huyện vẫn chưa cập nhật thông tin mới.

       PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã mới hoạt động thế nào?