Vướng mắc sau sáp nhập cơ sở y tế

17/07/2019 10:05

Sau gần 1 năm sáp nhập, các cơ sở y tế đang phải đối mặt với một số khó khăn, vướng mắc như: chưa có hướng dẫn về việc xếp hạng, về cơ chế tài chính và việc giảm các khoa, phòng...


Đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành thông tư hướng dẫn xếp hạng với Trung tâm Y tế tuyến huyện sau sáp nhập, gây khó khăn cho hoạt động của các đơn vị. Trong ảnh: Khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc

Trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bắt đầu hoạt động từ ngày 1.9.2018. Cùng thời gian trên, 12 Trung tâm Y tế tuyến huyện (đa chức năng) bắt đầu hoạt động trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số - KHHGĐ và Bệnh viện Đa khoa cấp huyện. Sau sáp nhập, tổ chức bộ máy của các cơ sở y tế đã tinh gọn hơn so với trước. Toàn tỉnh chỉ còn 12 Trung tâm Y tế tuyến huyện, giảm 25 đơn vị. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thành lập làm giảm 2 đơn vị. Đến nay, cả 12 Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ còn 195 phòng, khoa và tương đương, giảm 86 phòng, khoa và tương đương; 369 cán bộ quản lý phòng, khoa và tương đương, giảm 43 người.

Sau gần 1 năm hoạt động, hiệu quả của sáp nhập đã khá rõ. Các cơ sở y tế triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chủ động, linh hoạt hơn, tránh chồng chéo và tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, nhân lực, chi phí so với trước.

Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở y tế sau sáp nhập cũng xuất hiện một số vướng mắc, khó khăn. Bộ Y tế chưa ban hành thông tư hướng dẫn xếp hạng với Trung tâm Y tế tuyến huyện sau sáp nhập nên đến nay cơ quan chức năng chưa thực hiện được việc xếp hạng. Các Trung tâm Y tế vẫn phải thực hiện theo xếp hạng của Bệnh viện Đa khoa cấp huyện trước sáp nhập.

Trung ương cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế tài chính với các Trung tâm Y tế tuyến huyện, là đơn vị vừa được ngân sách bảo đảm chi thường xuyên, vừa thực hiện tự chủ. Nhiều đơn vị sau sáp nhập chưa xây dựng Đề án vị trí việc làm và Đề án tinh giản biên chế để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Sau sáp nhập, số lượng khoa, phòng của các cơ sở y tế đã giảm đáng kể. Nhưng việc tiếp tục giảm một số khoa, phòng của đơn vị mới so với quy định của Bộ Y tế đã gây ra những khó khăn trong hoạt động do chức năng, nhiệm vụ của các khoa, phòng này khác nhau. Ở các Trung tâm Y tế tuyến huyện, 3 phòng (Kế hoạch - Nghiệp vụ; Tài chính - Kế toán; Điều dưỡng) sáp nhập thành Phòng Kế hoạch - Tài chính - Điều dưỡng; 2 Khoa (Kiểm soát nhiễm khuẩn; Dược - Trang thiết bị - Vật tư y tế) sáp nhập thành Khoa Dược - Kiểm soát nhiễm khuẩn - Trang thiết bị - Vật tư y tế là chưa phù hợp. Tương tự, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, việc phải sáp nhập Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm và Khoa Dinh dưỡng để thành Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm - Dinh dưỡng có biểu hiện cứng nhắc, cơ học.

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên cần sớm được cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, giải quyết.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Vướng mắc sau sáp nhập cơ sở y tế