Vụ nào cũng đau xót

20/09/2020 19:32

Nguy cơ mất an toàn trường học nhiều lắm. Nào là đổ cây xanh, sập cổng trường, sập tường rào, rồi sập trần lớp học, bỏng cồn, taxi đâm học sinh ngay trong sân trường…

Sáng ra, ông bà Hà tất bật lo cho hai thằng cháu ăn uống rồi đưa đi học. Con trai ông là bộ đội, công tác xa nhà, còn con dâu là bác sĩ. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên vài tháng nay mẹ chúng thường xuyên vắng nhà. Vì thế, hai đứa sang ở hẳn với ông bà. Hai đứa cách nhau 2 tuổi, nghịch ngợm, ương bướng, ông bà Hà nhiều lúc mệt mỏi, phát cáu với chúng. Hai tuần nay chúng đi học, ông bà nhẹ cả người. Nhìn thấy ông Hà dắt xe vào trong sân, bà Hà vội lên tiếng: 

- Tôi cứ mải tìm quần áo cho chúng nó mà quên nhắc hai đứa giờ ra chơi ngồi trong lớp, không được ra ngoài, nhỡ cây cối, cổng trường, tường rào đổ vào người thì khốn.

- Trên đường đưa tới trường, tôi dặn dò kỹ chúng nó rồi. Bà yên tâm.

Ông Thế và ông Hải cũng đưa cháu đi học, tiện rẽ vào nhà ông Hà uống trà. Ông Thế vừa cười vừa nói:

- Gớm, ông bà chăm chút cho 2 đứa cháu trai thế. Chúng nó nghịch như quỷ ấy, quản sao được.

- Mới đầu năm học mà đã xảy ra mấy vụ tai nạn trong trường học rồi nên vợ chồng tôi lo lắm - ông Hà nói.

- Ừ, vụ cổng trường mầm non ở Lào Cai đổ sập khiến 3 trẻ thiệt mạng, 3 cháu khác bị thương chưa lắng xuống thì lại xảy ra vụ tường nhà dân đổ sập khiến 1 học sinh lớp 5 ở Nghệ An tử vong. Vụ nào cũng đau xót, thương tâm - ông Hải tiếp lời.

- Nguy cơ mất an toàn trường học nhiều lắm. Nào là đổ cây xanh, sập cổng trường, sập tường rào, rồi sập trần lớp học, bỏng cồn, taxi đâm học sinh ngay trong sân trường…

Ngừng một lát, ông Thế nói tiếp:

- Chẳng nói đâu xa, cuối tháng 5 vừa qua, trong lúc phát tỉa cành cây phi lao ở trường, không may cây chạm vào đường điện cao thế, một học sinh lớp 9 ở TP Hải Dương bị điện giật. Cuối tuần vừa rồi, một học sinh lớp 5 ở Tứ Kỳ cũng bị đuối nước…

- Một số người quy nguyên nhân do học sinh hiếu động, quậy phá, nói nhiều, nhắc nhở nhiều cũng chỉ như nước đổ lá khoai - ông Hải phân trần.

- Nói vậy sao được. Chúng đang độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Người lớn mình phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho chúng chứ - ông Hà thở dài.

- Thì cũng phải tìm cách đùn đẩy cho khách quan, “do”, “tại”, “bởi” chứ không lẽ do giáo viên, nhà trường hay gia đình quản lý, dạy dỗ chưa tốt.

- Không nên nói trách nhiệm thuộc về ai mà phải từ nhiều phía.

- Các trường phải khẩn trương rà soát hệ thống điện, cây xanh, tường, trần lớp học và các thiết bị để bảo đảm an toàn cho học sinh.

- Theo tôi, các trường phải kiểm tra, rà soát thường xuyên, Ban giám hiệu phải "đứng mũi chịu sào", không giao khoán cho bất cứ ai. Không đợi đến khi tai nạn xảy ra, ngành giáo dục mới nháo nhào ra văn bản yêu cầu rà soát an toàn trường học.

- Mà phải rà soát thực chất, không chấn chỉnh theo kiểu đổ phượng thì chặt sạch cây - ông Thế quả quyết.

Ông Hà gật gù:

- Nhà trường cùng gia đình cũng cần trang bị cho học sinh các kỹ năng nhận biết, đề phòng tình huống, khả năng thoát hiểm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn trong trường học.

NGUYỄN VĂN CÁT

(0) Bình luận
Vụ nào cũng đau xót